Mỗi tháng, hơn 2.000 vụ ghi sai chỉ số công tơ

01/07/2020 06:57

Đây là số lượng sai sót mỗi tháng (thời gian gần đây) được công bố tại buổi kiểm tra ở Tổng công ty Điện lực miền Bắc. Việc sai sót chủ yếu ở nhóm công tơ cơ.


Đoàn kiểm tra có ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Hội Bảo vệ người tiêu dùng (phải), làm việc và xem quy trình kiểm định công tơ 

Ngày 30.6, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) tiếp tục làm việc tại các đơn vị của Tổng công ty Điện lực miền Bắc (EVNNPC) để kiểm tra việc ghi chỉ số, lập hóa đơn và thực hiện công tác chăm sóc khách hàng.

Việc kiểm tra tại các tổng công ty điện lực khác, như Tổng công ty Điện lực TP Hồ Chí Minh, Tổng công ty Điện lực miền Nam sẽ tiếp tục được tiến hành trong tuần này.

Hơn 10 triệu công tơ, ghi sai hơn 2.000 trường hợp

Theo ông Đỗ Văn Năm, Phó trưởng Ban Kinh doanh EVNNPC, hiện tổng công ty quản lý 10,3 triệu công tơ, trong đó công tơ điện tử và đo xa là 3,3 triệu (chiếm 31,85%), tức vẫn còn 7,7 triệu côngtơ ghi chỉ số thủ công.

Trong tháng 5.2020, về kết quả kiểm tra, phúc tra ghi chỉ số công tơ đối với khách hàng có sản lượng tăng từ 1,3 lần trở lên với 1,4 triệu khách hàng, ông Năm cho hay đã thực hiện kiểm tra 1,3 triệu khách hàng thì phát hiện 2.056 trường hợp ghi nhầm chỉ số côngtơ, đã sửa sai, phát hành hóa đơn và thu tiền của khách hàng.

Tháng 6 (tính đến 20.6), số khách hàng sử dụng điện từ 1,3 lần trở lên là 4,4 triệu, phát hiện 2.175 khách hàng ghi nhầm chỉ số công tơ, công tơ cháy, kẹt... nên hầu hết các trường hợp đã được phát hiện, sửa chỉ số trước khi phát hành hóa đơn.

"Những trường hợp sai sót hầu hết các đơn vị điện lực đều sửa hóa đơn từ trước khi phát hành, chủ yếu rơi vào nhóm côngtơ cơ. Việc ghi chỉ số thủ công, đứng trên cột, nhìn máy tính bảng trong điều kiện nắng chói vẫn bị nhầm, hoặc đọc và ghi chỉ số là nhầm nên đã phúc tra và phát hiện" - ông Năm nói.

Kiểm tra trực tiếp tại Công ty TNHH MTV Thí nghiệm điện miền Bắc, đơn vị này cho hay thống kê 6 tháng đầu năm 2020 đã kiểm định (với côngtơ chưa sử dụng, chuẩn bị lắp) 31.019 côngtơ 3 pha cảm ứng (chủ yếu cho doanh nghiệp). Trong đó, côngtơ đạt chất lượng 25.781 và không đạt chất lượng 5.238 côngtơ.

Kiểm định 842.751 công tơ điện 1 pha cảm ứng (cho hộ gia đình), có 768.101 công tơ đạt chất lượng và số côngtơ không đạt 75.650.

Ông Tô Tuấn Anh, Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Thí nghiệm điện miền Bắc cho biết việc kiểm định này thực hiện định kỳ để phát hiện công tơ không đạt chất lượng sẽ thay mới. Việc kiểm định tuân theo quy trình được phần mềm cài đặt nên các kiểm định viên không thể tự ý can thiệp.

Kết quả sai số của côngtơ được tự động ghi nhận, thu thập về phần mềm điều khiển và cảnh báo khi không đạt yêu cầu.

Nếu sau kiểm định khách hàng vẫn chưa đồng ý, côngtơ sẽ được các đơn vị quản lý niêm phong và cho kiểm định đối chứng lại tại một đơn vị độc lập ở địa phương, thường là chi cục tiêu chuẩn đo lường chất lượng.


Kết quả kiểm định công tơ 6 tháng đầu năm tại Công ty TNHH MTV Thí nghiệm điện miền Bắc

Thiết lập cảnh báo tự động

Trước việc nhiều hộ dân phản ảnh vấn đề ghi chỉ số tiền điện tăng đột biến như tại Quảng Bình, Quảng Ninh, Nghệ An... hay hóa đơn lặp lại nhiều lần như ở Tiền Giang, EVN đã quy định bổ sung 2 bước trong quy trình ghi chỉ số và lập hóa đơn tiền điện.

Ông Võ Quang Lâm, Phó Tổng giám đốc EVN, cho biết khi sản lượng tăng trưởng quá cao, vượt ngưỡng được thiết lập thì sẽ không cho xác nhận chỉ số để tính hóa đơn và không cho xác nhận kết quả tính để lập hóa đơn. Để lập hóa đơn, lãnh đạo đơn vị phải tổ chức kiểm tra số liệu và ký xác nhận điện tử.

Đồng thời sẽ thiết lập cảnh báo tự động gửi danh sách các khách hàng tăng/giảm bất thường theo các ngưỡng (ví dụ: 3 lần, 4 lần...) tương ứng với việc gửi email, tin nhắn đến các vị trí quản lý của đơn vị từ tổ trưởng, trưởng phòng, phó giám đốc, giám đốc và các phòng, ban đơn vị cấp trên.

Các trường hợp hóa đơn tiền điện khi phản ảnh về trung tâm chăm sóc khách hàng, đặc biệt vào các ngày nghỉ, ngoài giờ hành chính cần được chuyển đến lãnh đạo của đơn vị điện lực xử lý qua email, SMS, Zalo... để kịp thời chỉ đạo giải quyết.

Trước đó, trong quy trình kinh doanh điện được EVN ban hành nêu rõ phải ghi chỉ số côngtơ đúng lịch. Với địa bàn khách dùng điện trung bình từ 15 kWh/tháng trở xuống có thể thỏa thuận thời gian ghi nhưng không được vượt quá 3 tháng/lần.

Theo EVN, nếu côngtơ đặt trong phạm vi quản lý của khách hàng, sau 2 lần đến nhưng khách vắng nhà hoặc vì lý do nào đó không ghi được chỉ số thì cho phép tạm tính. Nếu không thực hiện được từ 3 chu kỳ trở lên cần thỏa thuận chuyển vị trí lắp côngtơ.

Cũng theo quy trình này, người ghi chỉ số không được kiêm nhiệm thu tiền điện, không được ghi chỉ số cùng một lộ trình trong 6 tháng liên tiếp.

Đáng tiếc nhưng chưa thể thay hết công tơ cơ

Về những sai sót, ông Đỗ Văn Năm cho rằng rất đáng tiếc. Với hệ thống công tơ cơ khí chất lượng vẫn tốt, có thể chạy tới 15 năm, nên để thay thế hết toàn bộ côngtơ cơ khí sang công tơ điện tử rất lãng phí nguồn lực.

Vì vậy, lộ trình đặt ra là thay đổi dần dần để hiệu quả quản lý chi phí, tiết kiệm cho toàn ngành và giảm áp lực tăng giá điện, nên tới năm 2025 cố gắng 100% thay thế ở vùng thị xã, thị trấn; còn vùng sâu vùng xa cố gắng thay thế tối thiểu 30%.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Mỗi tháng, hơn 2.000 vụ ghi sai chỉ số công tơ