Chiến thắng 5-2 trước Bournemouth liệu đã đủ để MU trở lại thành thế lực cạnh tranh ngôi vô địch Premier League hay xa hơn là UEFA Champions League?
5-2 trước Bournemouth là kết quả có thể khiến những ai yêu mến Man United cảm thấy mãn nguyện vô cùng. Họ như thấy lại được đội bóng của mình từ thời kỳ sir Alex Ferguson.
Một bình luận viên nổi tiếng còn bình luận trên dòng trạng thái của một quan chức VFF rằng: “Cứ truyền thống, nằm trên đè đối thủ ra mà đá không cần thủ nhiều”. Tuy nhiên, sự hân hoan quá đà ấy liệu chắc đã đến từ một Man United có thể tin được, có thể trở lại là thế lực cạnh tranh số 1 của Premier League và Champions League?
MU đang có chuỗi 15 trận bất bại trên mọi đấu trường. Ảnh: Getty |
Điểm nhấn hàng công
Trước Bournemouth, đây là lần đầu tiên kể từ tháng 12.2018 Man United ghi 5 bàn thắng trong một trận đấu ở Premier League. Quãng thời gian ấy là quá dài đối với đội bóng lớn và có tiềm lực mạnh như Man United.
Tuy nhiên, nếu chỉ nhìn cục diện trong mùa giải này, phải thừa nhận Man United đang rất đáng nể. Đây là trận thứ 7 kể từ đầu mùa (chỉ tính Premier League) họ thắng cách biệt tới 3 bàn.
Trước khi đón tiếp Bournemouth, HLV Solskjaer tiết lộ với báo giới rằng ông sẽ nhắm tới việc mua sắm một chân sút tầm cỡ cho mùa giải sau. Ông nhắc lại về truyền thống của Man United, với những tay săn bàn thượng thặng, với việc ngay cả ông cũng từng phải là dự bị hạng sang, để ám chỉ phải tồn tại sự cạnh tranh thực sự cho vị trí trên hàng công. Và sau tiết lộ ấy là thông tin báo chí bàn tán về hai chữ G: Griezmann và Grealish.
Mason Greenwood đang chơi thăng hoa trên hàng công MU. Ảnh: Reuters |
Thực sự, nếu Grealish đến Old Trafford, anh ta chưa thể là “chân sút tầm cỡ” để tạo áp lực lên bộ ba Martial, Rashford, Mason Greenwood và 2 cầu thủ tấn công biên là Lingard, Daniel James. Còn Griezmann? Đó mới là cầu thủ cạnh tranh đích thực.
Nếu tuyển thủ Pháp đến Old Trafford đúng như đồn đoán (phần lớn là khó tin) của báo chí, số tiền Man United bỏ ra sẽ không nhỏ. Lợi thế cạnh tranh của Griezmann sẽ đến từ đó, và nó hoàn toàn có thể mang lại hệ quả xấu cho những cầu thủ đáng trông chờ như Greenwood.
Hai bàn thắng của Greenwood vào lưới của Bournemouth thực sự “kinh dị”. Đó không phải là thứ “tác phẩm” của cầu thủ trẻ đơn thuần mà như thể của ngôi sao lớn. Trong bóng dáng Greenwood gần đây người ta bắt đầu thấy hơi hướng của cầu thủ tầm cỡ. Và nếu đội bóng sở hữu một cầu thủ có tiềm năng trở nên tầm cỡ như thế, nuôi dưỡng họ là điều tối quan trọng và việc nuôi dưỡng bằng áp lực phải được toan tính kỹ để áp lực ấy không là quá liều.
Quay lại với hàng công hiện thời của Man United, việc cả Rashford lẫn Martial cùng vượt qua mức 20 bàn/mùa sau trận gặp Bournemouth là tín hiệu rất tốt. 10 năm rồi Man United mới sở hữu cặp tấn công có cùng hiệu quả ghi bàn vượt qua mốc 20 bàn như thế. Bàn thắng của Martial cũng đáng nói tới.
Cùng với 2 bàn của Greenwood, nó chính là siêu phẩm mang thương hiệu Man United, thương hiệu có thể đúc kết bằng mấy từ: Đẹp nín thở, lực, quyết đoán và tốc độ.
Nếu nhìn lại cả 7 trận Man United thắng cách biệt 3 bàn ở Premier League mùa này, chúng ta sẽ thấy cả 7 trận đó Martial đều góp mặt và có đến 3 trận cả Rashford, Greenwood, Martial đều ghi bàn. Như vậy, hàng công Man United có phải là thứ đáng lo ngại? Chắc chắn là không, nếu nói về tính hiệu quả của các cầu thủ dứt điểm, kể cả khi Rashford gặp chút bế tắc ở giai đoạn trước khi đối đầu Bournemouth.
Vấn đề của hàng công Man United chỉ là bài đánh mà thôi. Vẫn còn những rườm rà không cần thiết mà ở bàn nâng tỷ số lên 4-2 của Greenwood là minh chứng rõ nhất. Thực tế, ở tình huống đó, các phối hợp bên nách trái quá lắt nhắt, dư thừa động tác.
Chỉ khi bóng thoát khỏi mớ rối rắm kia và đến chân Greenwood, thì nỗ lực cá nhân của cầu thủ trẻ ấy mới tạo nên bàn thắng. Và sự rối rắm trong bài đánh này là trách nhiệm của Solskjear.
Man United truyền thống chơi thoáng hơn khi tiếp cận khung thành đối phương chứ không mất thời gian và lắt nhắt như vậy. Dĩ nhiên, thời đại chuyển mình, bóng đá thay đổi. Tuy nhiên, Solskjear là người hiểu cả quá khứ lẫn hiện tại. Ông cần tiếp cận tương lai bằng sự am hiểu để tốc độ hoá hơn các đợt tấn công của Man United nhằm trả nó về đúng với bản sắc của đội bóng này.
Vậy Man United có nên bổ sung chân sút tầm cỡ? Điều đó là vẫn rất cần, nếu không nói là ưu tiên số 2. Greenwood sẽ phát triển hơn nữa nếu được chơi bóng cạnh ngôi sao lớn chứ không phải chịu áp lực cạnh tranh kiểu làm dự bị hạng sang cho một ngôi sao lớn. Martial và Rashford cũng vậy thôi.
Thực tế, chính 2 cầu thủ này mới là đối tượng cần đưa vào “quy hoạch cạnh tranh” nếu có tay săn bàn tầm cỡ gia nhập CLB. Vả lại, muốn chinh phục cả Premier League lẫn đấu trường châu Âu, sự bổ sung sẽ tạo chiều sâu cho hàng công Man United, đồng thời mang lại uy thế cho họ trước mọi đối thủ.
Mối lo trung vệ
Một đội bóng muốn chinh phục phải có hàng công tốt, nhưng nhất thiết cần có hàng phòng ngự ở đẳng cấp thế giới. Man United không hề có hàng phòng ngự ở đẳng cấp ấy. Việc Man City năm nay hụt hơi trong cuộc đua với Liverpool cũng vì hàng thủ gặp quá nhiều xáo trộn do khủng hoảng nhân sự kéo dài từ đầu mùa, trong khi Liverpool lại rất ổn định ở hàng phòng ngự.
Ở Man United, từ Linderlof cho tới Bailly, từ Maguire cho tới Phil Jones, chẳng có ai ở tầm đẳng cấp của nhà vô địch Premier League.
Thực tế cho thấy Solskjear là nạn nhân khi phải thừa kế Man United đã nát như tương qua tay rất nhiều HLV chỉ “đến và làm công”, chứ không phải để phát triển đội bóng. Qua mỗi thời kỳ phát triển, mỗi CLB lớn đều luôn nhắm tới mục tiêu kế thừa ở hàng thủ.
Harry Maguire chưa thể hiện được giá trị của hậu vệ đắt giá nhất lịch sử. Ảnh: Reuters |
Chelsea từng thành công với việc đó khi họ có Desailly đến và dìu dắt John Terry trở thành trung vệ hàng đầu. Chính cựu danh thủ Carton Cole của Chelsea đã tiết lộ John Terry trưởng thành như thế nào khi được Desailly chia sẻ kinh nghiệm. Việc tương tự ấy rất tiếc đã không diễn ra ở Man United kể từ khi sir Alex nghỉ hưu.
Điểm mấu chốt chính là mùa hè 2014, khi cả Vidic lẫn Ferdinand đều bị bán đi. Louis Van Gaal đã “phá hoại” Man United khi không quyết tâm giữ chân một trong 2 trung vệ hay nhất mà họ từng có.
Đồng ý là cả Vidic lẫn Ferdinand đều đã có tuổi nhưng trong phòng thay đồ, trên sân tập và cả trên sân đấu, họ vẫn là tượng đài uy tín đủ sức để dạy dỗ những trung vệ trẻ trưởng thành. Và kể từ đó, Man United loay hoay với hàng thủ cùng vô số sai lầm ngớ ngẩn và nực cười.
Sai lầm của Maguire trước Bournemouth là dẫn chứng cho tất cả. Không phải cú bị xỏ kim dẫn đến bàn thua sớm mà ngay cả cách triển khai bóng của Maguire luôn có vấn đề. Vậy mà anh ta lại mang băng đội trưởng, và trung vệ đội trưởng như thế không thể nào dẫn con tàu Man United đi tới bến bờ chinh phục được.
Một đội bóng luôn được xây dựng trên cái trục cơ bản là Thủ môn - cặp trung vệ - tiền vệ trung tâm và trung phong. Nền tảng của cái trục ấy tại Man United đang mục ruỗng và thực tế, Solskjear cần bổ sung trung vệ đẳng cấp thế giới hơn là tay săn bàn đẳng cấp thế giới. Đây mới là ưu tiên số 1.
Chỉ có một trung vệ tầm cỡ mới có thể bắt đầu xây dựng lại hàng thủ Man United đồng thời tạo tấm gương mẫu mực cho các hậu vệ ở lứa trẻ. Khi mất kết nối giữa quá khứ và tương lai, tự tạo kết nối mới bằng tiền chắc chắn là việc phải làm.
Người láng giềng Man City chắc chắn còn phải mất nhiều năm mới đuổi kịp bề dày của Man United, và họ cũng sẽ phải học từ lịch sử của Man United rất nhiều. Tuy nhiên, hiện tại Man United nên nhìn vào kinh nghiệm của họ để biết vá lỗi của mình.
Man City thực sự mới chỉ thành công trong thập niên này mà thôi, nhưng họ đã giữ Vincent Kompany cho tới tận hè 2019. Dễ hiểu, Kompany là mối nối kinh nghiệm. Không có Kompany, chưa chắc các trung vệ trẻ của Man City đã trưởng thành như hôm nay.
Giả sử sir Alex không về hưu sớm, chưa chắc Man United mất mối nối như thế. Sir Alex luôn biết cách để duy trì nhịp sống bình thường mới cho đội bóng của mình.
Có lẽ, chính ông cũng xót xa khi cả Vidic lẫn Ferdinand rời đội bóng cùng một mùa hè. Chính họ là nền tảng lớn cho thành tựu của ông ở giai đoạn cuối cầm quân của mình. Tuy nhiên, nền tảng đó không được tiếp nối tốt, bởi David Moyes và sau đó bị đập không thương tiếc bởi Louis Van Gaal, một người vĩnh viễn không bao giờ hiểu được Man United.
Bruno Fernandes, Pogba và ai nữa?
Nhiều người ca ngợi sự hồi sinh của Man United thời gian này với cặp Bruno Fernandes - Paul Pogba. Thực tế, đúng là 2 cá nhân ấy đã và đang là nguồn sinh khí cho toàn đội, nhất là Bruno Fernandes. Tuy nhiên, họ thực sự trở thành bộ đôi nhuần nhuyễn, nhịp nhàng, hiểu nhau đến mức nhắm mắt mà phối hợp chưa?
Chưa là câu trả lời. Họ mới chỉ cho thấy mình đang là 2 kẻ tài năng chơi bóng, nể trọng nhau và biết tôn nhau lên mà thôi.
Bruno Fernandes và Pogba vẫn cần thời gian để thực sự chơi ăn ý với nhau. Ảnh: Reuters |
Cơ bản không phải lỗi của họ, càng không phải do cái tôi của họ quá lớn. Cơ bản nằm ở hệ thống tiền vệ Man United chưa hoàn thiện. Nếu mổ xẻ thật kỹ, chúng ta sẽ thấy họ vẫn còn “chần chừ” gì đó để bùng nổ. Sự chần chừ này nằm ở khách quan, khi họ thiếu vắng sự hỗ trợ đủ để họ an tâm mà chơi bóng bằng cảm hứng thực sự, để tìm hiểu nhau, sát cánh bên nhau thực sự.
Nếu nhìn những trận gần đây mà Pogba trở lại, chúng ta có thể nhận thấy Bruno Fernandes được giao đá tự do, đá số 10 trong khi Pogba là người chơi số 8 bên cạnh hoặc Matic, hoặc McTominay, hoặc Fred chơi số 6.
Vấn đề của hàng tiền vệ Man United nằm ở chính số 6 này. Không một ai chơi đủ tốt để Pogba và Fernandes có thể bung hết tiềm năng của mình. Ở trận gặp Bournemouth vừa rồi, các đường chuyền hỏng Matic nói lên tất cả. Matic đã qua thời kỳ đẹp nhất của mình. Thời kỳ ấy nằm ở Chelsea chứ không phải ở Man United.
Tuy nhiên, không chỉ là câu chuyện của các đường chuyền sai, mà còn là câu chuyện của vị trí. Bóng đá hiện đại yêu cầu sự hoán đổi linh hoạt giữa số 6 với số 8 hoặc số 8 với số 10 tùy tình huống. Ở Man United, khi Pogba chơi số 8, chưa có đối tác số 6 nào phối hợp thực sự tốt với anh trong cuộc chơi hoán đổi này.
Pogba cần người biết hoán đổi vị trí với anh khi anh chơi cặp tiền vệ trung tâm và biết chơi thuần túy như một số 6 cổ điển khi anh dâng lên phối hợp với Bruno Fernandes (hoặc cùng Fernades hoán đổi vai trò). Chính vì thế, sự phối hợp mong đợi giữa Pogba và Fernandes vẫn chưa thành hình.
Thực sự, Solskjear quá hiểu vấn đề này, và việc ông luân phiên giữa McTominay, Matic và cả Fred không nằm ngoài thử nghiệm tìm kiếm mảnh ghép cuối cùng cho bộ ba tiền vệ. Nhưng có lẽ ông sẽ phải kiếm tìm mảnh ghép ấy trên thị trường chuyển nhượng.
Man United cần kiểu tiền vệ số 6 như Kante, Verratti hay Sergio Busquets. Tất nhiên, mấy cái tên ấy không phải để bán, nhưng họ là hình mẫu để Solskjear kiếm tìm và hoàn thiện bộ khung tiền vệ sau khi đã kiến tạo được nền tảng của cái trục ở hàng hậu vệ.
Có thể nói, đây chính là ưu tiên số 3 của HLV người Na Uy. Ưu tiên này có thể được thực hiện sau cùng bởi chặng đường trở lại là quyền lực của Man United không phải chỉ là ngày một ngày hai.
De Gea có đủ?
De Gea chính là câu hỏi lớn nhất của Man United và cũng là nốt đầu tiên và cơ bản nhất của cái trục mà Man United cần hướng tới. Có quá nhiều ý kiến cho rằng thủ thành này được đánh giá cao quá mức so với thực lực. Liệu nhận xét ấy có chuẩn xác hay không?
Khó có thể đánh giá một thủ thành nếu như hàng thủ chơi phía trên anh ta, và tiền vệ phòng ngự của đội bóng vẫn còn là những vị trí chưa hoàn thành nhiệm vụ. De Gea không phải là thủ thành được đánh giá cao quá mức, bởi không lẽ tất cả các tuyển trạch viên của các đội bóng lớn đều thiếu tinh tường hơn những nhà bình luận báo chí.
De Gea ngày một mắc nhiều sai lầm hơn. Ảnh: Reuters |
Việc Real Madrid vẫn luôn muốn có De Gea cho thấy anh có điều gì đó rất cuốn hút đối với họ. Sự cuốn hút đó chắc chắn không đến từ ngoại hình hay danh tiếng vì đơn giản, có nhiều thủ thành vượt trội hơn De Gea ở cả ngoại hình lẫn danh tiếng và Real không tuyển mộ vào Galacticos chỉ để “đi diễn”.
Vị trí không cần thay đổi gì ở Man United chính là vị trí của De Gea, một thủ thành có khả năng phản xạ tốt, ra vào hợp lý và phát động cũng rất khá. Cái mà De Gea thiếu chỉ là niềm tin mà thôi. Niềm tin ấy không phải là sự tự tin, mà là những gì đồng đội mang lại cho anh.
Ví như cú chuyền về của Matic cho Bailly ở trận Bournemouth chẳng hạn. Đó là thứ không thể làm cho một thủ thành cảm thấy tin tưởng. Và khi đã bất an, thủ thành giỏi mấy cũng không thể hoàn thành nhiệm vụ của mình.
Rõ ràng, Solskjear còn nhiều việc phải làm. Hai bàn thua trước Bournemouth thực ra nói lên nhiều vấn đề tồn đọng của CLB, những tồn đọng chắc chắn Solskjear nhìn thấy rất rõ. Cái cách đón nhận bàn thắng nâng tỷ số lên 4-2 của ông cho thấy ông chưa thực sự hài lòng với Man United lúc này.
Vẫn còn sự bực bội mà Solskjear không bày tỏ ra khi ông nhìn thấy nhiều vị trí chơi chưa như ý, hay nói đúng hơn là chơi “không ở tầm của Man United”. Và để trở lại con đường chinh phục, Man United phải làm nhiều ở mùa hè ngắn ngủi và vội vã này.
Đơn giản, không phải đối thủ nào cũng như Bournemouth để Man United có thể đè ra mà đá mặc kệ hàng thủ dở đến mức nào. Là một đội bóng vĩ đại, muốn chinh phục những đấu trường vĩ đại, tất nhiên Man United sẽ chỉ nghĩ về những đối thủ vĩ đại.
Theo Zing