Mở rộng đối tượng lấy phiếu tín nhiệm

30/05/2023 20:15

Tại phiên thảo luận tổ chiều 30.5, bốn đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương ý kiến về lấy phiếu tín nhiệm, cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Hồ Chí Minh.

Chiều 30.5, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XV, đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương tham gia thảo luận ở tổ về dự thảo nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn (sửa đổi) và dự thảo nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Hồ Chí Minh.

Chưa thống nhất về đối tượng

Góp ý vào dự thảo nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Thị Mai Thoa cho rằng một số quy định tại nghị quyết còn khá chung chung.

Về đối tượng, đại biểu Mai Thoa cho rằng chưa có sự thống nhất trong dự thảo nghị quyết với pháp luật về hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND. Điều 3 dự thảo nghị quyết quy định việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm là việc Quốc hội và HĐND thực hiện quyền giám sát. Điều 5 Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND thì nêu rõ HĐND giám sát hoạt động của Tòa án Nhân dân và Viện Kiểm sát nhân dân có quyền xem xét báo cáo chất vấn đối với Chánh án Tòa án Nhân dân, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh. Tuy nhiên, theo dự thảo nghị quyết về lấy phiếu tín nhiệm và bỏ phiếu tín nhiệm thì quy định về đối tượng lấy phiếu tín nhiệm lại không bao gồm các đối tượng này. Theo đại biểu, Chánh án Tòa án nhân dân và Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân cấp tỉnh cũng là đối tượng giám sát của HĐND thì cũng có thể trở thành đối tượng lấy phiếu tín nhiệm và bỏ phiếu tín nhiệm.


Đại biểu Bùi Sỹ Hoàn (Hải Dương) cho biết nhiều cử tri phản ánh tên nghị quyết hiện đang dùng cụm từ "lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm" rất khó phân biệt

Cũng băn khoăn về điều 3 dự thảo, đại biểu Bùi Sỹ Hoàn, Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Hải Dương đề nghị bỏ cụm từ thể hiện mục đích của việc lấy phiếu tín nhiệm để rõ, sát với nghĩa thực tế, tránh cách hiểu khác và bỏ cả điều 4 của dự thảo. Theo đại biểu Bùi Sỹ Hoàn, tên nghị quyết đang dùng cụm từ "lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm" rất khó hiểu. Nhiều cử tri và các phương tiện thông tin đại chúng đã phản ánh vấn đề này vì việc phân biệt giữa lấy phiếu tín nhiệm và bỏ phiếu tín nhiệm rất rối. Trong khi đó, bản chất của việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm là xác định mức độ tín nhiệm. Đại biểu Bùi Sỹ Hoàn đề nghị đổi tên nghị quyết thành Nghị quyết xác định mức độ tín nhiệm và bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn. 

Bất cập cơ chế đặc thù phát triển TP Hồ Chí Minh

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương cho rằng báo cáo của Bộ Tài chính còn nhiều nhận định khiên cưỡng khi đánh giá tác động của những cơ chế, chính sách đặc thù đối với TP Hồ Chí Minh.


Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) góp ý vào báo cáo của Bộ Tài chính

Theo báo cáo, TP Hồ Chí Minh còn rất nhiều điểm nghẽn về giao thông, cơ sở hạ tầng nên chưa đạt mức tăng trưởng như kỳ vọng. Báo cáo đánh giá tác động cho rằng nguyên nhân một phần do ảnh hưởng của dịch Covid-19 là chưa thực sự thuyết phục. Đại biểu Việt Nga cũng cho rằng cần xem xét lại đánh giá tác động xã hội về tăng nguồn nhân lực thực hiện công tác quản lý Nhà nước tại địa phương sẽ góp phần bảo đảm an sinh xã hội.

"Nếu xem xét cơ chế đặc thù cho TP Hồ Chí Minh thì chúng ta trao quyền hạn cho thành phố rất nhiều nên nhiệm vụ của thành phố sẽ tăng lên. Cùng với việc tăng nhiệm vụ thì phải tăng về con người để bảo đảm việc thực hiện nhiệm vụ đó chứ không tăng nhân lực để bảo đảm an sinh xã hội. Khi kinh tế TP Hồ Chí Minh phát triển hơn nhờ các cơ chế đặc thù thì các chính sách an sinh xã hội được nâng lên và bảo đảm cuộc sống người dân chứ không phải tăng con người, tăng bộ máy làm việc thì sẽ bảo đảm được an sinh xã hội", đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga phân tích. 


Đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn (Hải Dương) đề nghị Chính phủ làm rõ một số nội dung về cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Hồ Chí Minh. Ảnh Văn phòng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh

Đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương thì đồng tình cao với việc bổ sung lĩnh vực thể thao, công nghiệp văn hóa, bảo tàng, di tích và di sản văn hóa vào lĩnh vực được áp dụng hình thức đầu tư PPP tại điểm a khoản 5 điều 4 dự thảo nghị quyết. Theo đại biểu Sơn, đầu tư cho văn hóa là đầu tư cho phát triển và lĩnh vực này chưa được quan tâm đầu tư trên phạm vi cả nước. Tuy nhiên, cần xem xét tính khả thi khi kêu gọi đầu tư, thành phố cần lựa chọn kỹ lưỡng các dự án đầu tư cụ thể và nhà đầu tư đủ năng lực, kinh nghiệm để triển khai hiệu quả chính sách. 

PHONG TUYẾT

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Mở rộng đối tượng lấy phiếu tín nhiệm