Bộ Tư lệnh trung tâm Mỹ (CENTCOM) xác nhận Abdul Hamid al-Matar, một thủ lĩnh cấp cao của tổ chức khủng bố Al-Qaeda, đã bị tiêu diệt bằng máy bay không người lái (drone) tại tây bắc Syria.
"Việc loại bỏ tay thủ lĩnh cấp cao này sẽ cản trở chúng lên kế hoạch và thực hiện các cuộc tấn công toàn cầu đe dọa công dân Mỹ, đối tác của Mỹ và dân thường vô tội", người phát ngôn CENTCOM của Mỹ thông báo ngày 23.10 (giờ Việt Nam).
Thiếu tá John Rigsbee, đại diện CENTCOM, cho biết Abdul Hamid al-Matar bị tiêu diệt trong chiến dịch không kích sử dụng máy bay không người lái MQ-9 ở tây bắc Syria.
Sự việc diễn ra 2 ngày sau khi một tiền đồn của Mỹ ở miền nam Syria bị tấn công. Theo Hãng thông tấn AFP, căn cứ này do liên quân được Mỹ hậu thuẫn trong cuộc chiến chống khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng sử dụng.
Đại diện CENTCOM không nói rõ cuộc không kích ngày 23.10 có phải hành động trả đũa hay không nhưng cho biết chưa có thương vong khác được ghi nhận.
Các vụ tấn công bằng máy bay không người lái của Mỹ là vấn đề gây tranh cãi tại Trung Đông, do trong một số trường hợp đã gây thiệt hại và cả thương vong cho dân thường.
Gần đây nhất là vụ giết nhầm 10 thường dân Afghanistan hồi tháng 8 mà Mỹ đã thừa nhận sai sót và hứa sẽ đền bù.
Vào cuối tháng 9, Lầu Năm Góc đã giết Salim Abu-Ahmad, một chỉ huy cấp cao khác của Al-Qaeda ở Syria, cũng trong một cuộc không kích gần tỉnh Idlib ở phía tây bắc nước này.
Tên này chịu trách nhiệm "lập kế hoạch, tài trợ và phê duyệt các cuộc tấn công của Al-Qaeda với mực độ liên khu vực", theo CENTCOM.
"Al-Qaeda tiếp tục là mối đe dọa đối với Mỹ và các đồng minh của chúng tôi. Al-Qaeda sử dụng Syria như một nơi trú ẩn an toàn để tái thiết, phối hợp với các chân rết và lên kế hoạch cho các hoạt động ở nước khác", thiếu tá Rigsbee nhấn mạnh trong thông cáo ngày 23.10.
Tình hình bất ổn tại Syria từ năm 2011 đến nay đã biến quốc gia này thành nơi tập trung nhiều lực lượng vũ trang với những lợi ích khác nhau. Giao tranh không chỉ xảy ra giữa các nhóm vũ trang chống chính quyền và quân đội mà còn giữa các nhóm thánh chiến, Hồi giáo cực đoan.
Mỹ can thiệp vào Syria bằng các cuộc không kích bằng máy bay không người lái và leo thang khi triển khai bộ binh đến quốc gia này từ năm 2015. Chính quyền Donald Trump rút một số binh sĩ khỏi tây bắc Syria vào cuối năm 2019 nhưng sau đó tái triển khai vì tình hình thay đổi.
Theo Tuổi trẻ