Lao động - Việc làm

Mất việc ở tuổi 40

TB (theo VnExpress) 25/03/2024 19:02

27 Tết, anh Trí Nguyễn, 42 tuổi, phó giám đốc một nhà máy ở TP Hồ Chí Minh được cấp trên gọi lên nhận quyết định thôi việc.

Các lao động trung niên làm thủ tục nhận trợ cấp thất nghiệp tại Trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội, sáng 13/3. Ảnh: Phan Dương
Các lao động trung niên làm thủ tục nhận trợ cấp thất nghiệp tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội sáng 13/3

"Thấy đơn hàng khó khăn tôi đã đoán trước", anh nói. "Nhưng điều khiến tôi bất ngờ là ngay sau Tết công ty cho đóng cửa nhà máy, sa thải toàn bộ nhân viên kể cả cán bộ lâu năm".

Đây là lần mất việc thứ hai của anh Trí Nguyễn trong vòng hơn một năm. Ở lần mất việc tháng 9/2022, anh biết ở tuổi của mình có nhiều bất lợi nên không vội đi xin việc ngay mà dành thời gian học thêm các kỹ năng mới. Nhưng khi tìm việc lại từ tháng 5/2023, anh dần nhận thấy thời thế đã thay đổi. Các vị trí mong muốn không còn nhiều như trước. Nhiều trường hợp "phá giá" lương nên dù đã đi đến vòng phỏng vấn cuối cùng, anh vẫn bị loại. Tròn một năm sau thất nghiệp, anh mới tìm được việc khác với vị trí tương đương.

Song thực tế các ngành sản xuất vẫn còn khó khăn, nên anh tiếp tục mất việc sau 5 tháng.

"Đợt này tôi tìm việc ngay vì nhận thấy thị trường đang dần phục hồi, phải nhanh chân mới được", anh nói. Từ sau Tết tới nay anh nỗ lực tìm kiếm, gửi CV hai nơi nhưng chưa được gọi đi phỏng vấn.

Hơn 20 năm đi làm, anh Trí chưa bao giờ thấy khó khăn như hiện tại. Vợ chồng có hai con đang tuổi đi học và khoản nợ mua nhà trả góp ở quận Bình Tân. Chồng mất việc, gia đình buộc phải thắt chặt chi tiêu. Anh nói rất đau đớn mỗi lần thông báo với con phải nghỉ học đàn, học tiếng Anh.

Áp lực lớn nhất là sợ người thân hy vọng rồi thất vọng sau mỗi lần nghỉ việc. Con cái cũng hỏi sao không thấy ba đi làm. Hàng xóm, bạn bè thấy anh thất nghiệp lâu quá cũng bàn tán. Anh phải giấu gia đình mỗi lần đi phỏng vấn vì sợ họ lại hy vọng.

"Những lần mất việc hoặc phỏng vấn không đạt bào mòn ý chí và sự tự tin ghê gớm. Nhiều lúc tôi cảm tưởng như bị bó trong không gian hẹp, không thể nào duỗi thẳng tay chân", anh tâm sự.

Chủ động nghỉ việc từ đầu tháng 3, nhưng tâm trạng anh Nguyễn Thế Hùng, kỹ sư xây dựng ở Hà Nội cũng không khá hơn.

Dự định xả hơi sau 30 năm đi làm nhưng hôm đi khai báo trợ cấp thất nghiệp, anh về nhà buồn đến độ bỏ cả bữa trưa. "Một tuần đầu tôi chìm trong cảm giác hụt hẫng, mất mát", người đàn ông 53 tuổi nói.

Trong bối cảnh đi xuống của ngành bất động sản, công ty của anh Hùng liên tục không trúng thầu. Đang từ một người mang về dự án cả nghìn tỷ, nay ngày nào cũng đi làm nhưng không có việc, anh cố gắng bao nhiêu cũng thấy vô dụng. Thu nhập giảm hơn nửa. Tết vừa qua anh không có một đồng thưởng.

"Tôi những tưởng nghỉ việc là giải thoát nhưng không phải. Cảm giác thiếu tiền, thiếu chỗ đứng, thiếu sự ngưỡng mộ dày vò tôi", anh tâm sự.

Năm 2023, cả nước có hơn một triệu người trong độ tuổi lao động thất nghiệp, theo Tổng cục Thống kê. Nhóm lao động trung niên bị sa thải có chiều hướng tăng mạnh, gấp 1,6 lần năm 2021. Riêng TP Hồ Chí Minh, số người trên 40 tuổi mất việc chiếm gần 30%. Các chuyên gia đánh giá 2024 là năm khó khăn với những lao động trung niên và tỷ lệ thất nghiệp sẽ tăng nhanh hơn.

Sau làn sóng nghỉ việc hàng loạt (great resignation) khi cần cân bằng cuộc sống - công việc trong Covid-19 hay "bỏ việc trong im lặng" (quiet quitting) hai năm trước, năm 2023 và kéo sang 2024 sẽ là năm của sa thải trong âm thầm (quiet firing) hay sa thải hàng loạt xảy ra mạnh mẽ ở các công ty công nghệ cũng như các ngành thâm dụng lao động như dệt may, giày da tại Việt Nam.

Báo cáo mới nhất của Navigos hồi tháng 1/2024 cho thấy 18,4% doanh nghiệp sẽ không tuyển mới, gần 60% doanh nghiệp chỉ tuyển dưới 25% nhân lực.

"Cơ hội của các ứng viên sẽ trở nên hạn chế hơn bất chấp độ tuổi. Điều này cũng tăng thêm nguy cơ mất việc làm và cản trở các cơ hội việc làm của những lao động trung niên, vốn là bộ phận bị dính 'lời nguyền tuổi 35'", ông Bùi Đoàn Chung, người sáng lập cộng đồng Nghề Nhân sự Việt Nam cho biết.

Bà Đàm Thị Thu Trang, CEO một công ty tuyển dụng nhân sự ở Hà Nội cho biết trong năm 2024 nhiều ngành tiếp tục cắt giảm nhân sự, tập trung ở các vị trí cấp cao và cấp trung dư thừa. Lao động có thâm niên, mức lương cao sẽ bị thay thế bằng cấp dưới hoặc người mới, trả lương ít hơn và có thể kiêm nhiệm nhiều chức năng.

Theo chuyên gia nhân sự này, khi bị sa thải trong thời điểm kinh tế bất ổn, người lao động lớn tuổi đặc biệt dễ bị tổn thương. "Một bộ phận không đáp ứng được bối cảnh công việc mới dễ bị sa thải hơn và khó tìm được việc hơn", bà Trang nói thêm. Bên cạnh đó, các thành kiến với lao động lớn tuổi như "bảo thủ", "không sẵn sàng học cái mới" đẩy lao động trung niên vào tình thế khó khăn gấp nhiều lần.

Là người hỗ trợ và phỏng vấn nhiều nhân sự lớn tuổi trong 18 năm qua, ông Chung cho biết điều quan trọng nhất với lao động trung niên đó là "dám làm mới mình", "bước qua vùng an toàn" để làm những công việc mà mình chưa từng hoặc những công việc đòi hỏi mức độ sâu sát và chuyên môn cao.

Thời gian bị mất việc là khoảng nghỉ quý giá để hệ thống lại chuyên môn, điểm mạnh, học thêm ngoại ngữ và công nghệ cũng như tìm định hướng công việc mới có liên quan mà mình có thể làm đến lúc về hưu. Điều này cũng giúp cho nhà tuyển dụng đánh giá cao hơn về mức độ đáp ứng và khả năng thích nghi, linh hoạt với môi trường lao động mới.

"Đôi khi đánh giá lao động lớn tuổi 'cái tôi lớn, sức ỳ cao' chỉ là thiên kiến. Nhiều những người tôi tiếp xúc thời gian qua rất chủ động học hỏi và có tư duy mở", ông Chung nói.

Chị Hồng Ánh (tên nhân vật đã đổi), 41 tuổi, một mẹ đơn thân hai con ở quận 7, TP Hồ Chí Minh là một ví dụ. Ánh từng là đại diện của một công ty Hong Kong tại Việt Nam bị đơn phương chấm dứt hợp đồng cuối năm 2023. Ban đầu chị đã rất sốc khi biết sự việc xảy ra không phải lỗi của mình mà chỉ là cái cớ sa thải.

Nhưng chị nhanh chóng chấp nhận sự thật mất việc và gượng dậy. Ngay trong những ngày nghỉ Tết, Ánh đã học cách sử dụng mạng xã hội việc làm Linkedin để kết nối với những người làm nhân sự, học thêm ngoại ngữ và ôn tập lại các nền tảng kiến thức pháp lý. Hiện chị đang thử việc tại một công ty mới với nhiều điều kiện thuận lợi.

"Bỗng dưng mất việc khiến tôi nhận ra luôn phải chuẩn bị sẵn tâm thế cho những thay đổi khó lường. Nhìn lại tôi cũng thấy thời gian qua mình đã ngủ quên trên chiến thắng", chị nói.

Hiện anh Trí đã học lấy chứng chỉ Giám đốc sản xuất (CPO) và Quản lý chất lượng toàn diện (TQM) để phục vụ cho ngành nghề. Anh cũng có ý định chuyển hướng sang làm quản lý hoặc điều hành doanh nghiệp, hoặc đại diện công ty nước ngoài thay cho chuyên môn sản xuất như hiện tại, do đó đã đăng ký học thêm khóa CEO.

"Tôi cũng chuẩn bị cho việc có thể sẵn sàng kinh doanh riêng sau này nếu lại tiếp tục có khủng hoảng vì càng lớn tuổi càng khó tìm việc", anh chia sẻ.

Riêng anh Hùng, ở tuổi 53, xác định không quay lại ngành xây dựng nữa vì không đủ sức khỏe và năng lực cạnh tranh với đồng nghiệp trẻ. Tạm thời anh sẽ nhận một năm trợ cấp thất nghiệp sau đó làm lương hưu luôn vì đã đủ 30 năm bảo hiểm.

Mặc dù con út chuẩn bị tốt nghiệp đại học, con lớn đã tự lo được cho mình, anh cho biết vẫn cần phải lao động để có tích lũy cho tuổi già. "Tôi đang tính đi làm bảo vệ", anh nói và cho biết tấm bằng kỹ sư của mình chắc không bao giờ dùng đến nữa.

TB (theo VnExpress)
(0) Bình luận
Mất việc ở tuổi 40