Năm 2017, chỉ số gia nhập thị trường của Hải Dương đạt 7,67 điểm, thấp nhất trong giai đoạn 2011-2017, với mức giảm điểm khá nhiều (giảm 0,82 điểm so với năm 2016).
Trong giai đoạn 2007-2017, chỉ số gia nhập thị trường (CSGNTT) thường có mức điểm cao nhất trong 10 chỉ số thành phần của chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) Hải Dương. Đây là một chỉ số mạnh so với các chỉ số thành phần khác, tuy không là điểm mạnh so với cả nước. Thế nhưng, kết quả PCI 2017 được công bố gần đây cho thấy những dấu hiệu đáng lo ngại từ CSGNTT.
Năm 2017, CSGNTT của Hải Dương đạt 7,67 điểm, thấp nhất trong giai đoạn 2011-2017, với mức giảm điểm khá nhiều (giảm 0,82 điểm so với năm 2016). Mức điểm này còn thấp hơn mức trung bình của cả nước (7,84 điểm) và chỉ xếp thứ 10 ở khu vực đồng bằng sông Hồng. Sau 3 năm liên tục (2014-2016), CSGNTT đều đạt hơn 8 điểm thì năm 2017 giảm chỉ còn hơn 7 điểm. Tuy vẫn có mức điểm cao nhất so với các chỉ số còn lại song rõ ràng là một điểm mạnh đang có nguy cơ bị mất dần.
CSGNTT đo lường thời gian và mức độ khó, dễ mà doanh nghiệp phải trải qua để hoàn tất các thủ tục cần thiết để sản xuất, kinh doanh. Chỉ số này gồm các chỉ tiêu nhỏ hơn, đo lường về thời gian doanh nghiệp phải chờ để đăng ký kinh doanh; thời gian chờ nhận đủ các loại giấy tờ cần thiết để sản xuất, kinh doanh; mức độ khó khăn theo đánh giá của doanh nghiệp để có các thủ tục cần thiết. Một chính quyền được đánh giá là điều hành tốt cần tạo điều kiện cho doanh nghiệp có chi phí gia nhập thị trường ở mức thấp.
Phân tích các nội dung trong CSGNTT sẽ thấy rõ nguyên nhân dẫn tới chỉ số này giảm. Các doanh nghiệp thuộc diện khảo sát phải mất bình quân 7 ngày để đăng ký kinh doanh, là mức cao nhất so với cả nước. Chỉ có 13% số doanh nghiệp làm thủ tục đăng ký kinh doanh qua phương thức mới (trực tuyến, trung tâm hành chính công, bưu điện). Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp chưa đánh giá cao về việc ứng dụng công nghệ thông tin trong làm thủ tục đăng ký kinh doanh. Điều này cho thấy mặc dù các cơ quan chức năng đã có những cố gắng nhất định trong thời gian qua song việc giảm thời gian, chi phí cho doanh nghiệp vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn. CSGNTT giảm điểm nói lên tâm lý lo ngại của nhiều doanh nghiệp về môi trường đầu tư, kinh doanh.
Việc CSGNTT giảm điểm khá nhiều đã góp phần kéo giảm vị trí xếp hạng PCI của Hải Dương năm 2017 (xếp thứ 49, thuộc nhóm trung bình). Mục tiêu về CSGNTT được đặt ra là “thuộc nhóm 20 tỉnh, thành tốt nhất cả nước trước năm 2020” ngày càng xa.
Đề án “Nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của tỉnh Hải Dương giai đoạn 2016-2020” đã phân công rõ trách nhiệm của các cơ quan, địa phương trong việc cải thiện CSGNTT. Theo đó, Sở Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan đầu mối chủ trì, chịu trách nhiệm thực hiện, theo dõi, đánh giá, tổng hợp. Các cơ quan, địa phương thực hiện là các Sở: Kế hoạch và Đầu tư, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Công thương, Giao thông vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Y tế, Tư pháp, Nội vụ, Cục Thuế tỉnh, Công an tỉnh... và UBND cấp huyện. Để CSGNTT tăng điểm trong những năm tiếp theo, các sở, ngành liên quan, các địa phương cần đánh giá cụ thể, chính xác các yếu tố gây khó khăn, cản trở cho doanh nghiệp gia nhập thị trường và kiên quyết hành động để khắc phục.
NINH TUÂN