Nghị định 91 được kỳ vọng sẽ tạo chế tài mạnh để giải quyết tình trạng vi phạm đất đai đang diễn ra tràn lan.
Theo Nghị định 91, mức xử phạt tối đa đối với hành vi bỏ hoang đất là 20 triệu đồng
Nghị định 91/2019/NĐ-CP ngày 19.11.2019 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai bổ sung nhiều quy định mới, tăng mức xử phạt lên cao, được kỳ vọng sẽ tạo chế tài mạnh để giải quyết tình trạng vi phạm đất đai đang diễn ra tràn lan.
Tăng mức xử phạt
Hiện nay, ở nhiều địa phương trong tỉnh người dân vẫn xây dựng các công trình nhà ở, lán, xưởng trên đất nông nghiệp và vẫn xảy ra tình trạng lấn chiếm đất, sử dụng đất sai mục đích… Những vi phạm về đất đai này chưa được xử lý triệt để có một phần nguyên nhân do quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai còn vướng mắc, khó áp dụng, bỏ ngỏ nhiều hành vi vi phạm.
Đồng chí Đỗ Văn Tảo, Trưởng Phòng Tư pháp huyện Thanh Miện cho rằng Nghị định 91 thay thế Nghị định số 102/2014/ NĐ-CP có hiệu lực từ 5.1.2020 đã quy định cụ thể, rõ ràng về các hành vi vi phạm, bổ sung một số vi phạm về hủy hoại đất, bỏ đất hoang, cụ thể các biện pháp khắc phục hậu quả… Những quy định này giúp các địa phương thực hiện tốt hơn công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực đất đai.
Nghị định gồm 4 chương, 44 điều quy định các hành vi vi phạm hành chính, hình thức xử phạt, mức phạt, biện pháp khắc phục hậu quả, thẩm quyền lập biên bản và thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai bao gồm vi phạm trong sử dụng đất và vi phạm trong thực hiện dịch vụ về đất đai.
Theo luật sư Dương Đức Trọng, Phó Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật (Hội Luật gia tỉnh), mức xử phạt vi phạm theo Nghị định 91 tăng khá cao so với quy định trước. Đáng chú ý là quy định xử phạt các hành vi lấn chiếm đất, tự ý chuyển đất trồng lúa sang đất ở, chuyển nhượng quyền sử dụng đất không sổ đỏ…
Cụ thể, mức phạt tối đa đối với hành vi lấn, chiếm đất là 1 tỷ đồng, tăng 100 lần so với mức phạt trước đây. Theo khoản 5, điều 14, trường hợp lấn chiếm đất phi nông nghiệp tại khu vực đô thị, trừ trường hợp lấn chiếm đất thuộc hành lang bảo vệ an toàn công trình và đất công trình có hành lang bảo vệ, đất trụ sở làm việc và cơ sở hoạt động sự nghiệp của cơ quan, tổ chức thì bị xử phạt tối đa 500 triệu đồng đối với cá nhân và 1 tỷ đồng đối với tổ chức.
Mức phạt cao nhất cho hành vi tự ý chuyển đất trồng lúa sang đất ở là 500 triệu đồng với cá nhân và 1 tỷ đồng với tổ chức (tăng 10 lần so với mức phạt trước đây). Tại khoản 3, khoản 4, điều 9, Nghị định quy định cụ thể mức phạt với hành vi chuyển đất trồng lúa sang đất phi nông nghiệp (trong đó có đất ở) tại khu vực nông thôn và đô thị mà không được cơ quan có thẩm quyền cho phép thì phạt tiền theo diện tích tự ý chuyển. Ngoài bị phạt tiền, người có hành vi vi phạm còn phải khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm.
Điều 18 quy định các mức phạt đối với vi phạm chuyển quyền, cho thuê, thế chấp bằng quyền sử dụng đất khi không đủ điều kiện theo quy định. Trường hợp chuyển nhượng, tặng cho, cho thuê, cho thuê lại, góp vốn bằng quyền sử dụng đất không đủ từ hai điều kiện trở lên đối với đất tại khu vực đô thị phạt 20 triệu đồng với cá nhân, 40 triệu đồng áp dụng với tổ chức (tăng 4 lần so với mức phạt trước đây).
Theo khoản 2 và 3, điều 17, trường hợp không đăng ký biến động đất đai (sang tên "sổ đỏ") theo quy định bị phạt từ 1-3 triệu đồng nếu trong thời hạn 24 tháng. Quá thời hạn 24 tháng, mức phạt từ 2-5 triệu đồng.
Bổ sung nhiều quy định mới
Một nội dung đáng chú ý nữa của Nghị định 91 là quy định phạt tiền đối với hành vi bỏ hoang đất. Tại khoản 1, điều 32 quy định hành vi không sử dụng đất trồng cây hằng năm trong thời hạn 12 tháng liên tục, đất trồng cây lâu năm trong thời hạn 18 tháng liên tục, đất trồng rừng trong thời hạn 24 tháng liên tục mà không thuộc trường hợp bất khả kháng sẽ bị xử phạt tùy theo diện tích.
Mức phạt tối đa đối với hành vi này là phạt tiền từ 5-10 triệu đồng nếu diện tích đất không sử dụng từ 10 ha trở lên đối với cá nhân. Mức phạt đối với tổ chức tối đa là 20 triệu đồng. Biện pháp khắc phục với hành vi này là buộc sử dụng đất theo mục đích được Nhà nước giao, cho thuê, công nhận quyền sử dụng đất; trường hợp đã bị xử phạt mà không đưa đất vào sử dụng thì sẽ bị Nhà nước thu hồi. Nghị định còn quy định xử phạt đối với hành vi hủy hoại đất.
Nghị định 102 trước đây không quy định đối với hành vi này. Điều 3, Nghị định 91 quy định: hủy hoại đất là hành vi làm biến dạng địa hình hoặc làm suy giảm chất lượng đất hoặc gây ô nhiễm đất mà làm mất hoặc giảm khả năng sử dụng đất theo mục đích đã được xác định. Mức xử phạt đối với hành vi hủy hoại đất quy định tại điều 15.
Trường hợp làm biến dạng địa hình hoặc làm suy giảm chất lượng đất, mức phạt tiền căn cứ vào diện tích đất bị hủy hoại. Trường hợp gây ô nhiễm thì hình thức và mức xử phạt thực hiện theo quy định của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Đồng thời người vi phạm thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả đối với hành vi vi phạm.
Luật sư Trọng cũng nêu quan điểm, Nghị định 91 quy định chi tiết các hành vi vi phạm giúp cơ quan thực thi pháp luật dễ dàng hơn, đồng thời có thêm các hình phạt bổ sung để tăng tính răn đe. Tuy nhiên để giải quyết tình trạng vi phạm đất đai diễn ra tại nhiều địa phương cần sự chủ động vào cuộc, xử lý nghiêm của các cấp, các ngành, đặc biệt trong xử lý vi phạm không được nể nang, bao che những hành vi vi phạm.
HN