Mãi mãi khắc ghi!

01/05/2023 07:22

Cái giá của hòa bình hôm nay chính là màu máu đỏ cha ông đã hòa vào màu cờ Tổ quốc, mãi mãi trường tồn. Cháu con hôm nay mãi mãi khắc ghi!

Tôi sinh ra khi đất nước đã ca khúc khải hoàn. Sắc cờ đỏ phần phật bay trong gió lộng. Mỗi sớm mai chào cờ dưới sân trường lại nghe hùng vang khí thế ra trận của cha ông trong tiếng nhạc Quốc ca. Trái tim non nớt đầy xúc động và tự hào về tinh thần bất khuất của dân tộc nòi giống Lạc Hồng. 

Rồi khi lớn lên, qua từng trang sách, qua từng câu chuyện kể, tôi càng trân trọng hơn giá trị của hòa bình.

Ông - người đã đi trọn cuộc chiến tranh chống Mỹ, cứu nước. Ông bảo, ông đã qua hết thảy mọi cung bậc của cuộc chiến. Ông từng tham gia Chiến dịch Trị Thiên vào mùa hè đỏ lửa năm 1972. Ông là lính cảm tử. Với ông, mỗi lần ra trận là một lần đầu ngẩng cao, chân bước về phía trước. Ông đã viết xong lá thư ấy - lá thư mà người đời thường gọi là di chúc của những người biết mình sắp lìa xa sự sống, để nhờ đồng đội gửi về gia đình. Không ít lần, ông ngồi đó, trầm ngâm nhìn đồng đội làm lễ truy điệu sống cho mình...

Rời cuộc chiến, ông về lại nơi làng quê chôn nhau cắt rốn. Ngày về, đón ông, cụ đã khóc rất nhiều. Bởi đứa con cụ nuôi khôn lớn, rắn rỏi ngày nào giờ sao lại thiếu nhiều bộ phận trên cơ thể đến vậy. Ông ôm mẹ khóc. Ông bảo: Con mẹ vẫn về đây, còn bao đồng đội... Mẹ sờ vào một bên mắt đã mất của ông. Mẹ và ông cùng cười. Nụ cười nhoà trong nước mắt của người chiến thắng!

Giờ đây, mỗi khi trái gió trở trời, những vết thương, những mảnh đạn còn sót lại trong người thi nhau hành hạ ông suốt đêm dài. Sau nhiều đêm như vậy, mái đầu ông bạc trắng, cơ thể gầy rộc. Một bên mắt còn sót lại trũng sâu... Nhưng ông vẫn như xưa, kiên cường, đầu ngẩng cao bất khuất, sống làm gương cho cháu con. Ông dặn, sau này ngày giỗ ông nhớ phải lấy theo tuổi thật, đừng lấy theo tuổi trên giấy tờ. Ngày ấy, ông đã khai gian thêm vài tuổi để được vào bộ đội, để được ra chiến trường dù biết rằng phải đối mặt với cả cái chết...

Bà đã cất câu chuyện của mình vào đầu giường. Vì giờ đây, chân bà đau lắm. Chỗ mảnh bom găm vào nhức buốt. Đâu đó vẫn còn những mảnh vụn mà bác sĩ đã phải lắc đầu động viên: Bà cho nó ở đây, chứ nó không biết đường về nữa rồi. Bà gật gật... 

Giờ mỗi ngày, bà chủ yếu ở trên giường, giữ câu chuyện cũ. Vì chân đau, bà ít khi xuống đất đi lại được. Mỗi lần con cháu sum vầy hay có khách đến thăm, bà lại đem chuyện ra hong lại. Câu chuyện cũ của bà nhưng sao vẫn đằm sâu đến vậy. Ai nghe rồi cũng nghẹn lại trong tim. Bà vốn là lính thông tin. Tuổi trăng tròn bà vào Trường Sơn chiến đấu. Lán của bà hôm ấy có 3 người. Bà ở phía trong, 2 chị em khác ở phía ngoài. Máy bay địch chồm đến, rải bom phá nát cánh rừng già. Phá luôn cái lán 3 chị em bà đang làm nhiệm vụ. Bà nghe tiếng bom đạn vang trời, tiếng máy bay hú gần sát sạt. Rồi mắt bà tối sầm... 

Khi tỉnh dậy, bà ở trong bệnh xá. Một bên chân đau buốt, bó chặt bằng tấm gạc trắng. Nỗi đau thân xác ấy chẳng thể nào thấm bằng nỗi đau khi bà nghe tin 2 người chị em của mình đã hòa vào cỏ cây, đất đá Trường Sơn. Ngày trở về, bà đến nhà các chị thắp hương và bà đã có thêm 2 người mẹ nữa...

Còn nhiều lắm những câu chuyện kể về những năm tháng, những hy sinh của ông cha để làm nên chiến thắng, để mang đến hòa bình. Những câu chuyện đằm sâu trong tim, nghẹn nơi cuống họng. Cái giá của hòa bình hôm nay chính là màu máu đỏ cha ông đã hòa vào màu cờ Tổ quốc, mãi mãi trường tồn. Cháu con hôm nay mãi mãi khắc ghi!

NGỌC THANH

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Mãi mãi khắc ghi!