Các chính sách thời cầm quyền của ông Thaksin Shinawatra đã thay đổi cuộc sống của người dân nông thôn Thái Lan, khiến họ luôn yêu quý và ủng hộ ông.
Cựu thủ tướng Thaksin trở về Thái Lan hôm 22.8 sau 15 năm sống lưu vong. Chính trị gia 74 tuổi ngay lập tức bị bắt và phải chịu 8 năm tù vì ba bản án tuyên vắng mặt trong thời gian ông không ở trong nước.
Tuy nhiên, đối với những người ủng hộ nhiệt thành của cựu thủ tướng, ngày ông trở về là một cột mốc đầy cảm xúc. "Bất kể ông ấy ở nơi nào, đi đến đâu, tôi chỉ yêu Thaksin và luôn luôn như vậy", Boonying Pim-Makaed, đến từ tỉnh Loei phía đông bắc Thái Lan, nói. "Tôi rất vui vì ông đã trở về".
Sinh ra ở Chiang Mai, miền bắc Thái Lan, Thaksin làm cảnh sát trước khi phát triển sự nghiệp thăng hoa trong ngành viễn thông. Ở tuổi 48, ông thành lập đảng Thai Rak Thai (TRT) và lên nắm quyền vào năm 2001 với chiến thắng vang dội trong cuộc bầu cử lúc bấy giờ.
Thaksin là chính trị gia đầu tiên khai thác sức mạnh bầu cử ở nhóm cử tri nông thôn phía bắc và đông bắc Thái Lan, vốn đông dân và nghèo hơn những khu vực khác của đất nước. Ông đưa ra chương trình chăm sóc sức khỏe toàn dân, quỹ làng để kích thích tăng trưởng kinh tế địa phương, cũng như các chính sách thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp và giúp đất nước phục hồi sau cuộc khủng hoảng tài chính châu Á.
Thaksin đã xây dựng hình ảnh trước công chúng như một nhà đấu tranh vì tầng lớp nghèo và giành được lòng tin yêu từ hàng triệu người Thái. Những chính sách của ông đã thay đổi cuộc sống của nhiều người và vẫn có ý nghĩa đến tận ngày nay. Nhiều người ủng hộ liên kết thời gian ông tại vị với thời kỳ thịnh vượng kinh tế của Thái Lan.
Năm 2001, nền kinh tế Thái Lan đã phục hồi hoàn toàn sau cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997. Kinh tế đất nước bắt đầu khởi sắc mạnh mẽ từ năm 2002. Thái Lan đạt tốc độ tăng trưởng GDP 5,3% vào năm này, nhanh nhất kể từ năm 1996. Nền kinh tế tăng trưởng thêm 7,1% vào năm 2003. Năm 2004, bất chấp môi trường bên ngoài biến động và giá dầu tăng, Thái Lan vẫn đạt tốc độ tăng trưởng GDP ở mức 6,3%.
Một đặc điểm quan trọng khác trong chính sách kinh tế của chính quyền Thaksin là thương mại tự do. Từ năm 2002 đến 2007, Thái Lan đã ký các hiệp định thương mại tự do (FTA) với Trung Quốc, New Zealand, Australia, Ấn Độ và Các tiểu vương quốc Arab Thống nhất.
Đây được cho là nguyên nhân chính khiến ông vẫn được công chúng ủng hộ. "Đối với quần chúng nông thôn, Thaksin được yêu mến vì là lãnh đạo đầu tiên chú ý đến nhu cầu của hàng triệu người sống bên ngoài ánh đèn rực rỡ của Bangkok", trang tin TRT World bình luận.
Chanintorn Pensute, nhà khoa học chính trị tại Đại học Chiang Mai, nhận xét rất nhiều người vẫn nhớ rằng dưới thời Thaksin, nền kinh tế đã hoạt động tốt như thế nào, "dù đó là nhờ may mắn hay chính sách".
"Ông ấy đại diện cho những người dân bình thường trong xã hội", Damrong Khongpanya, 61 tuổi, người đã đi suốt 10 tiếng từ nhà ở Nong Khai, đông bắc Thái Lan, đến sân bay Bangkok để đón cựu thủ tướng, nói.
"Trước đây tôi không có ôtô, nhưng giờ tôi đã mua được một chiếc và có thể cho con cái học đại học", Damrong cho biết thêm.
Các cáo buộc tham nhũng đã đeo bám Thaksin trong nhiệm kỳ thứ hai. Năm 2006, gia đình ông bị cáo buộc thu lợi 1,9 tỷ USD từ việc bán cổ phần miễn thuế của họ ở Shin Corporation, tập đoàn viễn thông lớn do gia đình Thaksin điều hành, cho công ty Temasek, Singapore.
Ông cũng bị cáo buộc gây ra xung đột lợi ích khi yêu cầu Ngân hàng Xuất nhập khẩu Thái Lan cho chính phủ Myanmar vay 4 tỷ baht vào năm 2004 với lãi suất thấp hơn để họ có thể mua sản phẩm từ Shin. Satellite Plc, công ty thuộc sở hữu của gia đình ông. Thaksin còn bị cáo buộc lạm quyền do phát hành xổ số hai và ba chữ số từ năm 2003 đến năm 2006, vì hoạt động này không dựa trên cơ sở pháp lý nào.
Tuy nhiên, những người ủng hộ cho rằng những cáo buộc này mang động cơ chính trị, nhằm hạ bệ uy tín của ông. Năm 2009, một năm sau khi ông Thaksin sống lưu vong, một loạt cuộc biểu tình đã diễn ra ở Thái Lan do phe áo đỏ ủng hộ cựu thủ tướng tổ chức.
Theo những người ủng hộ Thaksin, phe quân sự - bảo hoàng cho rằng độ nổi tiếng cũng như ảnh hưởng rộng lớn của gia đình ông là "mối đe dọa". Thaksin là chính trị gia thành công nhất của Thái Lan và các đảng liên kết với ông luôn giành được nhiều ghế nhất trong mọi cuộc bầu cử kể từ năm 2001, ngoại trừ cuộc bỏ phiếu năm nay. Yingluck, em gái của ông Thaksin, trở thành thủ tướng Thái Lan năm 2011 nhưng bị quân đội lật đổ năm 2014.
Dù sống lưu vong từ năm 2008, Thaksin vẫn duy trì được ảnh hưởng mạnh mẽ ở trong nước. Ông thường chia sẻ quan điểm của mình và diễn thuyết dưới tên "Tony Woodsome" trên nền tảng mạng xã hội Clubhouse.
Gần đây, Thaksin nỗ lực chinh phục giới trẻ. Vào sinh nhật lần thứ 72 hồi năm 2021, ông đã phát động chiến dịch "Thaksin 72, Tony 27". Thaksin chuyển tuổi của mình sang 27 nhằm thể hiện rằng ông vẫn còn tâm hồn trẻ trung và hiểu được nhu cầu của giới trẻ Thái Lan.
Để kết nối với các cử tri trẻ tuổi, Thaksin cùng với các thành viên của nhóm CARE, tổ chức tư vấn chính trị phi đảng phái do các cựu thành viên TRT thành lập, đã hoạt động rất năng nổ trên nền tảng Clubhouse.
Trong các buổi họp mặt trên mạng xã hội này, "Tony" giải thích các chính sách của ông đã cải thiện cuộc sống người dân như thế nào. Cựu thủ tướng Thái Lan nói về cách ông đưa đất nước vượt qua những thách thức về y tế công cộng, như hội chứng SARS, đồng thời nêu những điểm yếu kém của chính phủ Thái Lan trong ứng phó đại dịch Covid-19. Các cuộc trò chuyện tại Clubhouse còn cho phép khán giả trẻ thảo luận và bày tỏ quan điểm chính trị trực tiếp với cựu thủ tướng.
Sau ba tháng bế tắc chính trị, quốc hội Thái Lan ngày 22/8 bầu được tân thủ tướng là tài phiệt bất động sản Srettha Thavisin từ đảng Pheu Thai liên kết với gia đình Thaksin. Những người ủng hộ Thaksin hy vọng ông tiếp tục duy trì sức ảnh hưởng với Pheu Thai.
"Tôi cầu chúc ông ấy mọi điều tốt đẹp, cầu mong ông sống lâu và là ánh sáng dẫn đường cho chúng tôi", Jumped Thanomsak, 77 tuổi, nói. "Mặc dù Thaksin không còn là thủ tướng, tôi mong ông ấy sẽ tiếp tục chăm sóc đảng Pheu Thai và là chỗ dựa tinh thần cho người dân Thái Lan".
Theo VnExpress