Lý do không giảm thuế thu nhập cá nhân do COVID-19: Tổng cục Thuế có nhầm?

14/08/2021 09:07

Trên thực tế, dù người làm công ăn lương bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19 trong 2 năm qua nhưng chưa nhận được bất kỳ chính sách hỗ trợ nào của cơ quan thuế.


Theo các chuyên gia, người làm công ăn lương nên được miễn thuế thu nhập cá nhân 6 tháng cuối năm như đã từng được hưởng năm 2009 để giúp họ vượt qua khó khăn hiện nay 

Việc tăng mức giảm trừ gia cảnh từ 9 triệu đồng lên 11 triệu đồng/tháng vào năm 2020 được thực hiện theo luật định khi chỉ số giá tiêu dùng tăng vượt quá 20%, không phải như Tổng cục Thuế vừa công bố là nhằm hỗ trợ người làm công ăn lương.

Nhiều chuyên gia đã khẳng định như vậy khi trao đổi với phóng viên xung quanh nội dung thông cáo báo chí của Tổng cục Thuế vào ngày 12.8, trong đó cho rằng "... để thực hiện việc hỗ trợ đúng đối tượng, các bộ, ngành đã trình Chính phủ, trình Quốc hội ban hành nghị quyết số 954 năm 2020 về việc tăng mức giảm trừ gia cảnh...". 

Trên thực tế, dù người làm công ăn lương bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19 trong 2 năm qua nhưng chưa nhận được bất kỳ chính sách hỗ trợ nào của cơ quan thuế.

Khó do CPI tăng khác với do COVID-19

Theo luật sư Trần Xoa, Giám đốc Công ty luật Minh Đăng Quang, trong tờ trình dự thảo nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh của thuế thu nhập cá nhân (TNCN) năm 2020, Bộ Tài chính cho biết: "Căn cứ vào khoản 4 điều 1 Luật số 26/2012/QH13 quy định trường hợp chỉ số giá tiêu dùng (CPI) biến động trên 20% so với thời điểm điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh gần nhất, Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh phù hợp với biến động của giá cả để áp dụng cho kỳ tính thuế tiếp theo".

Số liệu Tổng cục Thống kê cung cấp cũng cho thấy chỉ số CPI tại thời điểm cuối tháng 12-2019 đã tăng 23,2% so với thời điểm 1.7.2013. 

"Như vậy, việc tăng mức giảm trừ gia cảnh cho người làm công ăn lương trong năm 2020 là theo luật định nhằm góp phần giảm bớt khó khăn cho người nộp thuế trong bối cảnh giá cả, lạm phát tăng so với thời điểm năm 2013 chứ không phải "hỗ trợ đúng đối tượng" như Tổng cục Thuế nêu", ông Xoa khẳng định.

Trên thực tế trong hai năm bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ có những chính sách hỗ trợ các hộ kinh doanh, doanh nghiệp. 

Trong năm 2021, bộ này cũng đề xuất giảm 30% số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp năm 2021, giảm 50% số thuế phải nộp phát sinh từ hoạt động sản xuất kinh doanh của các tháng trong quý III và quý IV.2021 đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh trong mọi lĩnh vực, ngành nghề... Trong khi đó, người làm công ăn lương lại chưa được đề xuất chính sách hỗ trợ nào.

"Do vậy để công bằng giữa các đối tượng chịu thuế, Bộ Tài chính nên trình các chính sách hỗ trợ đối tượng làm công ăn lương chứ không nên lo rằng nếu áp dụng việc giảm thuế TNCN từ tiền lương, tiền công trong 6 tháng cuối năm 2021 thì đối tượng được hưởng chủ yếu sẽ rơi vào nhóm có thu nhập cao", ông Xoa nói.

Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cũng cho rằng dịch COVID-19 khiến thu nhập của hầu hết người lao động bị sụt giảm chứ không riêng đối tượng nào bị ảnh hưởng. Do đó, để công bằng với các đối tượng khác, Bộ Tài chính cần kiến nghị chính sách hỗ trợ người làm công ăn lương (cũng là một đối tượng nộp thuế).


Hàng quán trên đường Phạm Ngọc Thạch, quận 3, TP Hồ Chí Minh đóng cửa vì dịch

Nuôi dưỡng sức mua cho nền kinh tế

TS Nguyễn Ngọc Tú (giảng viên Trường Đại học Kinh doanh và công nghệ Hà Nội) cho rằng khác với thuế giá trị gia tăng, thuế TNCN là thuế trực thu, tức thu trên thu nhập của người lao động. 

Trong bối cảnh dịch COVID-19 kéo dài như hiện nay, phần lớn người làm công ăn lương đều bị ảnh hưởng thu nhập. Trong điều kiện bình thường, lực lượng này đã đóng góp cho ngân sách nhà nước, nên khi nhóm đối tượng này gặp khó khăn vì sụt giảm thu nhập họ cũng cần được hỗ trợ.

Cũng không thể nói "giảm thuế TNCN sẽ rơi vào nhóm có thu nhập cao", bởi bất kỳ ai cũng gặp khó khăn do dịch bệnh kéo dài, chỉ là mức độ bị ảnh hưởng khác nhau. 

"Đây là lúc người dân đang phải thắt lưng buộc bụng, chỉ dám chi xài cho nhu cầu thiết yếu nhất. Nếu có chính sách giảm thuế, người dân sẽ bớt tằn tiện, khoản thu nhập được giữ lại sẽ được dùng để lo cho chi tiêu gia đình, góp phần tạo ra sức mua để tạo sức bật cho nền kinh tế sau khi hết dịch", ông Tú khẳng định.

Một chuyên gia cao cấp về tài chính cũng cho rằng kinh tế là một vòng tròn: thu nhập giảm thì tiêu dùng giảm, sản xuất dư thừa, tồn kho không lưu thông được. Do vậy, cần phải có chính sách hỗ trợ thuế cho người làm công ăn lương như cách nuôi dưỡng nguồn thu trong tương lai. 

"Theo tôi, Bộ Tài chính nên nghiên cứu, bổ sung giải pháp miễn, giảm tiền thuế TNCN và đề xuất Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhằm hỗ trợ, động viên kịp thời với người làm công ăn lương", vị này nói.

Cũng theo vị này, không nên quá so kè khi cho rằng giảm thuế sẽ làm thâm hụt ngân sách. Bởi nguồn thu có thể giảm một chút trước mắt, nhưng khi đại dịch được kiểm soát và các hoạt động kinh tế trở lại bình thường, với dân số xấp xỉ 100 triệu, thị trường tiêu dùng trong nước sẽ sôi động, sẽ là động lực quan trọng thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh nhộn nhịp, phát triển. Nhà máy, xí nghiệp, công trường... sẽ tấp nập, kinh tế tăng trưởng trở lại.

"Khi đó, số thuế TNCN chắc chắn sẽ tăng lên, tổng thu ngân sách cũng sẽ tăng nhờ số thu từ thuế giá trị gia tăng của người tiêu dùng đóng góp qua mua sắm hàng hóa, sử dụng dịch vụ, kéo theo là số thuế thu được từ lợi nhuận của các doanh nghiệp nữa" - vị này nhận định.

Người có thu nhập cao không bị khó khăn?

Cũng trong thông cáo báo chí ngày 12.8, Tổng cục Thuế cho rằng nếu giảm thuế TNCN từ tiền lương, tiền công trong 6 tháng cuối năm 2021, đối tượng được hưởng chủ yếu sẽ rơi vào nhóm có thu nhập cao, không đúng với mục tiêu hỗ trợ khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch...

Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, quan điểm của Tổng cục Thuế rằng "nhóm thu nhập cao" - những người có thu nhập phải chịu thuế TNCN - không gặp khó khăn hay không bị ảnh hưởng bởi đại dịch là không ổn. Thực tế, COVID-19 khiến hầu hết mọi người đều gặp khó khăn, kể cả người có thu nhập cao.

Trong điều kiện bình thường, thu nhập không bị sụt giảm, người có thu nhập cao sẽ đóng góp nhiều hơn cho ngân sách thông qua thuế TNCN. Khi những người này gặp khó khăn, cơ quan thuế cũng nên chia sẻ.

"Người có thu nhập cao thì nhu cầu tiêu xài cũng nhiều hơn, tức là cũng đóng góp nhiều hơn cho nền kinh tế, sao lại không được chia sẻ?", vị này đặt câu hỏi.

Nhiều bất lợi với người nộp thuế TNCN

Trao đổi với Tuổi Trẻ, PGS.TS Hoàng Văn Cường, ủy viên Ủy ban Tài chính - ngân sách của Quốc hội, cho rằng COVID-19 tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất kinh doanh, thu nhập của người nộp thuế sụt giảm, đời sống gặp khó khăn, nhưng một số nơi vẫn tạm khấu trừ thuế hằng tháng căn cứ theo mức thu nhập của năm 2020 là sai quy định.

Thu nhập của người lao động giảm mà phải chờ đến tháng 3 năm sau mới được hoàn lại số tiền thuế nộp thừa, sau khi quyết toán thuế, sẽ bất lợi đối với người nộp thuế. Lúc này, tiền thuế tạm khấu trừ hằng tháng phải được tính dựa trên mức thu nhập chi trả thực tế và nên có văn bản hướng dẫn, yêu cầu thực hiện thống nhất vấn đề này.

Dân thắt lưng buộc bụng, sao kinh tế phát triển?

Chị Thanh Nga (quận 3, TP Hồ Chí Minh) cho biết chị phải làm từ xa nên lương và phụ cấp đều giảm trong khi mớ rau, quả trứng... đều tăng giá, tiền ship cũng tăng, đẩy chi phí sinh hoạt của gia đình tăng ít nhất 30% so với trước.

Nhiều gia đình còn chịu cảnh một trong hai lao động chính thất nghiệp, chỉ còn một đầu lương mà phải lo chi phí sinh hoạt cho cả nhà 4-5 miệng ăn.

"Dù có thu nhập đóng thuế nhưng thực chất thu nhập ấy phải gánh cho nhiều người trong gia đình, đồng nghĩa cuộc sống của người làm công ăn lương chật vật hơn. Lẽ ra Bộ Tài chính phải đề xuất chính sách hỗ trợ người lao động, chứ không thể lấy lý do "sợ rơi vào nhóm thu nhập cao" để không đề xuất chính sách hỗ trợ thuế", chị Thanh Nga bức xúc.

Theo anh Minh Đức (quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh), việc nâng mức giảm trừ gia cảnh vào năm 2020 chỉ nhằm giải quyết câu chuyện trong quá khứ là CPI biến động trên 20%, thậm chí đã lạc hậu ngay khi được áp dụng.

Trong khi đó, cơ quan thuế vẫn áp cách thu như trước khi xảy ra đại dịch dù thu nhập của người làm công ăn lương giảm sâu là không ổn.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Lý do không giảm thuế thu nhập cá nhân do COVID-19: Tổng cục Thuế có nhầm?