Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở: Nâng cao quyền làm chủ của nhân dân

13/07/2023 09:23

Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở có hiệu lực từ ngày 1.7, được kỳ vọng là cơ sở quan trọng nhằm bảo đảm, nâng cao quyền làm chủ của nhân dân.


 Cán bộ Ban Dân chủ - Pháp luật (Ủy ban MTTQ tỉnh) nghiên cứu những điểm mới của Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở

Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở ra đời với nhiều điểm mới, có tính đột phá so với Pháp lệnh Thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn.

Điểm mới đầu tiên về phạm vi điều chỉnh được thể hiện ngay trong tên của luật này. Theo đó, không chỉ thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn mà luật còn điều chỉnh đến dân chủ trong cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập và tổ chức có sử dụng lao động. Việc này góp phần bảo đảm công khai, minh bạch trong hoạt động, trách nhiệm giải trình của chính quyền cơ sở và cả tại các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp. Trong khi pháp lệnh trước đó không quy định cụ thể quyền và nghĩa vụ của công dân trong thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn, thì Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở đã quy định cụ thể 4 quyền và 5 nghĩa vụ của công dân trong thực hiện dân chủ ở cơ sở.

Để củng cố thêm hành lang pháp lý bảo vệ người dân, Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở cũng bổ sung thêm một số hành vi bị nghiêm cấm như gây khó khăn, phiền hà hoặc cản trở, đe dọa công dân thực hiện dân chủ ở cơ sở; giả mạo giấy tờ, gian lận hoặc dùng thủ đoạn khác để làm sai lệch kết quả bàn, quyết định, tham gia ý kiến của công dân. Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở cũng quy định cụ thể việc xử lý hành vi vi phạm pháp luật về dân chủ ở cơ sở sẽ bị xử phạt hành chính, thậm chí truy cứu trách nhiệm hình sự, bồi thường thiệt hại, xử lý kỷ luật.


Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở ra đời đáp ứng nguyện vọng của nhiều cử tri. Ảnh: Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương tổ chức hội nghị lấy ý kiến góp ý vào dự thảo luật này vào ngày 7.10.2022 (ảnh tư liệu)

Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở đã mở rộng, nâng cao quyền hạn của công dân như thêm 1 nguyên tắc thực hiện dân chủ ở cơ sở, bổ sung 7 hình thức công khai thông tin, thêm 3 nội dung nhân dân bàn và quyết định, thêm 4 nội dung nhân dân tham gia ý kiến trước khi cơ quan có thẩm quyền quyết định... Nếu như Pháp lệnh Thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn quy định nội dung cộng đồng dân cư biểu quyết cần có trên 50% tổng số cử tri hoặc cử tri đại diện hộ tán thành thì Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở đã quy định có những nội dung cần trên 50%, có nội dung được thông qua khi có từ 2/3 tổng số đại diện hộ trở lên. Đây cũng là nội dung mà nhiều ý kiến kiến nghị, mong muốn sửa đổi khi góp ý dự thảo Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở.

Xuất phát từ thực tiễn, Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở đã bổ sung hình thức để nhân dân tham gia ý kiến cho phù hợp với sự phát triển của công nghệ như thông qua cổng thông tin điện tử, mạng viễn thông, mạng xã hội hợp pháp phù hợp với mức độ ứng dụng công nghệ thông tin. Như cử tri TP Chí Linh đã từng phản ánh, nhiều phường, xã ở xa, đi lại bất tiện gây khó khi thực hiện dân chủ ở cơ sở qua lấy ý kiến, họp trực tiếp. Giờ đây, Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở đã ra đời với quy định mới thì khó khăn này sẽ được giải quyết.

Theo ông Đặng Văn Hách, Trưởng Ban Dân chủ - Pháp luật (Ủy ban MTTQ tỉnh Hải Dương), Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở ra đời với việc quy định cụ thể nhiều quyền hạn của nhân dân là một bước tiến lớn. "Đây sẽ là cơ sở pháp lý quan trọng bảo đảm quyền làm chủ của nhân dân, đồng thời tăng cường trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền địa phương trong việc tạo điều kiện cho nhân dân phát huy quyền làm chủ. Việc cụ thể hóa các quy định cũng tránh gây ra tình trạng lạm quyền, lợi dụng dân chủ ở cơ sở với mục đích sai trái", ông Đặng Văn Hách đánh giá.

PHONG TUYẾT

(0) Bình luận
Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở: Nâng cao quyền làm chủ của nhân dân