Từ ngôi làng nhỏ này, các nhà báo với “con ngựa sắt”, cái mũ rơm, tấm vải nhuộm màu xanh lá cây ngụy trang tỏa đi khắp nơi “săn tin”.
Đã hơn nửa thế kỷ nhưng những người làm báo Hải Dương mới cũng như báo Hải Hưng vẫn không quên thời kỳ chống chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ phải sơ tán về thôn Tó, xã Phương Hưng, Gia Lộc (nay là thị trấn Gia Lộc).
Một ngày khi trời đã gần tối, chúng tôi kẻ đạp xe, người chuyển đồ đến sân kho HTX. Nhiều cán bộ và người dân ra đón và giúp anh em đưa đồ đạc về nhà. Do đặc điểm thời chiến nên thôn đã bố trí cho các nhà báo nơi nghỉ và làm việc gần nhau. Làng còn nghèo, nhiều nhà tranh vách đất nhưng ai cũng cố gắng thu xếp gọn gàng, nhường chỗ cho người đến có nơi nghỉ và làm việc thuận tiện. Từ nhà cụ Côi, nơi anh Nguyễn Thi, Phó Tổng Biên tập ở đến chỗ anh Trần Đại, Thư ký tòa soạn và các phóng viên, nhân viên phục vụ rất gần nên dù không có điện thoại nhưng mỗi khi cần trao đổi công việc gì chỉ ới một tiếng là anh em có mặt ngay. Vợ chồng anh Chuế và chị Tùng (con cụ Đù) nhường cả ngôi nhà nhỏ để cơ quan làm bếp ăn tập thể. Từ đầu năm 1968, thực hiện chủ trương sáp nhập tỉnh, bà con thôn Tó lại đón thêm các đồng nghiệp của chúng tôi từ báo Hưng Yên do nhà báo Lê Ngọc Dưỡng, Phó Tổng Biên tập đưa sang. Người đông hơn, nhưng với tấm lòng rộng mở, bà con không chỉ lo cho chúng tôi chỗ ở, mà còn hợp sức đào thêm hầm để phòng tránh máy bay…
Cuộc sống ở nơi sơ tán dần ổn định nhưng xuất bản và phát hành báo thì gặp nhiều khó khăn hơn do chiến tranh, địa bàn rộng, phương tiện thiếu thốn. Thế nhưng với tình yêu nghề và trách nhiệm của người cầm bút, chúng tôi cùng đoàn kết, sẻ chia, bắt tay vào làm số báo có măng sét mới Hải Hưng. Từ ngôi làng nhỏ này, các nhà báo với “con ngựa sắt”, cái mũ rơm, tấm vải nhuộm màu xanh lá cây ngụy trang tỏa đi khắp nơi “săn tin”. Tối về, lại hì hụi làm việc dưới ánh đèn dầu hỏa. Tờ báo Hải Hưng đầu tiên với xã luận “Xây dựng tỉnh Hải Hưng giàu mạnh” ngày 2.3.1968 đã ra đời như thế.
Các nhà báo hòa nhập với đời sống nông thôn rất nhanh, cùng ra đồng trồng rau màu trên ruộng đất của HTX dành cho và tham gia các sinh hoạt khác. Chính từ thực tiễn đó đã gợi mở cho một số nhà báo có nhiều đề tài hay về nông thôn, nông nghiệp một thời vừa sản xuất, vừa chiến đấu “Tất cả để đánh thắng giặc Mỹ!”.
Năm 1971, tình hình chiến sự đã tạm lắng, cơ quan báo Hải Hưng trở về thị xã Hải Dương trong khu vực Tỉnh ủy. Nhưng đến tháng 8 năm đó thì vỡ đê Nhất Trai, gây ngập lụt sâu khu vực thị xã và nhiều huyện. Vừa trút bỏ những “trang phục” thời chiến, các nhà báo lại tìm mọi cách thắng “giặc thủy”. Chúng tôi tìm về cơ sở viết tin bài chống lụt và khôi phục sản xuất của nông dân. Báo vẫn được phát hành đều đặn. Tháng 4.1972, không quân Mỹ đánh Hải Phòng bằng B52 và lan ra nhiều vùng khác. Cơ quan Báo Hải Hưng lại trở về làng Tó. Vẫn những chủ nhà, những con người hiền lành, chất phác ngày nào lại niềm nở đón chúng tôi.
Qua hai lần sơ tán về làng Tó, những nhà báo như chúng tôi càng thấm sâu tình cảm, sự giúp đỡ, đùm bọc của nhân dân. Những ân nhân như cụ Côi, cụ Đù, cụ Dậu, ông Xuân, ông Đấu, ông Cần, chị Tùng… không còn nữa nhưng trong lịch sử và sự phát triển hơn nửa thế kỷ của Báo Hải Dương thì tình cảm của người dân làng Tó vẫn còn mãi.
NGUYỄN THẾ TRƯỜNG