Ở Hải Dương hiện có không ít loại thực phẩm đông lạnh trôi nổi trên thị trường gây nên những mối lo ngại về an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng.
Thiếu an toàn
Các loại thực phẩm đông lạnh trên thị trường rất phong phú, phần nhiều được đóng gói, bảo quản, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Tuy nhiên, không ít thực phẩm đông lạnh trôi nổi, chưa đáp ứng đầy đủ các tiêu chí về vệ sinh an toàn thực phẩm, nhất là tại các chợ dân sinh.
Đầu tháng 4/2024, phóng viên Báo Hải Dương ghé vào một ki-ốt bán thực phẩm đông tại chợ trung tâm huyện Nam Sách. Một số thực phẩm đông lạnh như xúc xích, cá viên được đóng túi, in đầy đủ thông tin, riêng mặt hàng chân gà bày "lộ thiên" trên nắp thùng xốp. Màu sắc của số chân gà này kém tươi, một số chiếc có màu nâu sau khi tan đá.
Khi được hỏi về nguồn gốc số chân gà trên, chủ ki-ốt nói: "Tôi cũng chỉ mua lại của một người bán buôn. Họ lấy hàng ở đâu thì làm sao mà biết". "Vậy nếu không bán hết số chân gà này thì chị làm gì?" - phóng viên hỏi tiếp. "Thì lại cho vào tủ đóng đá, mai mang ra bán tiếp", chủ ki-ốt hồn nhiên đáp.
Cuối tháng 2 vừa rồi, chị Nguyễn Thị B. (quê Tứ Kỳ) lần đầu mua một con bạch tuộc đông lạnh nặng gần 1,3 kg với giá 250.000 đồng của một người bán rong bên vệ đường tỉnh 391. Chị B. kể: "Thấy rẻ, cũng chưa ăn bao giờ nên tôi mua thử. Sau khi luộc, lúc thái thịt con bạch tuộc có màu trắng nhưng có chỗ lại hơi nâu nâu, ngửi thấy có mùi ngai ngái khó tả. Sợ quá nên tôi vứt đi chứ không dám ăn".
Phóng viên đem những thông tin ghi nhận được tới hỏi ý kiến ông Trần Đình Nam, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Hải Dương. Ông Nam cho biết những loại thực phẩm đông lạnh trôi nổi rất khó quản lý, khó truy xuất nguồn gốc. Việc cấp đông lại nhiều lần trong điều kiện nhiệt độ không bảo đảm sẽ làm gia tăng vi khuẩn có hại. Khi màu sắc của những thực phẩm đông lạnh đã biến đổi sang màu nâu, đen có nghĩa protein đang phân huỷ và có thể chứa độc tố, không an toàn.
Việc quản lý những cơ sở bán thực phẩm đông lạnh trôi nổi rất khó vì đa số đều là kinh doanh nhỏ lẻ, không có giấy phép kinh doanh. Toàn tỉnh có hàng trăm chợ dân sinh, số lượng mặt hàng đông lạnh nhiều, đa dạng. Trong khi đó, việc lấy mẫu xét nghiệm lại có quy định chỉ thực hiện ở nhóm mặt hàng mang tính đại trà, được nhiều người dân sử dụng hằng ngày như giò, chả, thịt lợn... "Muốn đánh giá và đưa ra khuyến cáo thì phải lấy ở mỗi chợ từ 4-5 mẫu thực phẩm đông lạnh để xét nghiệm. Nhưng việc này không làm được vì không có đủ nhân lực chuyên môn, kinh phí", một người quản lý lĩnh vực này cho biết.
Các thực phẩm đông lạnh phải được bảo quản ở nhiệt độ -18 độ C mới bảo đảm an toàn. Tuy nhiên, hầu hết các cửa hàng nhỏ lẻ bán thực phẩm đông lạnh ở chợ dân sinh đều không bảo đảm tiêu chuẩn này.
Đề nghị phân cấp quản lý
Đối chiếu với Nghị định số 15/2018/NĐ-CP ngày 2/2/2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm cho thấy việc quản lý các dạng thịt ướp đá, đông lạnh thuộc thẩm quyền của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hải Dương. Tuy nhiên, Phòng Quản lý chất lượng nông lâm sản - thuỷ sản thuộc sở này hiện chỉ có 7 người nên khó có thể cáng đáng hết việc.
Ông Mai Nhật Tân, Trưởng phòng trên cho biết mới đây Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp tổ chức lớp tập huấn bồi dưỡng thẩm định viên về chất lượng an toàn thực phẩm cho 38 học viên, trong đó có người của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cấp huyện. Những học viên tham dự được trang bị kỹ năng quản lý cần thiết về an toàn thực phẩm thuộc lĩnh vực được giao. "Vì cấp huyện đã có các thẩm định viên nên tới đây có thể chúng tôi sẽ tham mưu phân cấp quản lý an toàn thực phẩm về cho tuyến huyện. Khi đó, Ban Chỉ đạo an toàn vệ sinh thực phẩm cấp huyện sẽ chịu trách nhiệm quản lý thực phẩm ở các chợ, trong đó có các mặt hàng đông lạnh. Cấp xã sẽ tham gia giám sát, tuyên truyền", ông Tân chia sẻ.
Hẳn nhiều người vẫn chưa quên vụ cơ quan chức năng của tỉnh phát hiện một kho lạnh chứa hơn 70 tấn sản phẩm nội tạng động vật đông lạnh đã bốc mùi ở TP Chí Linh hồi tháng 4/2020. Nếu như cơ sở này không bị phanh phui, nhiều người sẽ ăn phải thực phẩm bẩn. Không ai dám chắc, tất cả những loại thực phẩm đông lạnh trên thị trường hiện nay là an toàn vì có thể vẫn có những cơ sở kinh doanh hoạt động chui lủi hoặc không bảo đảm điều kiện an toàn thực phẩm.
Trước hết, người tiêu dùng cần dừng mua thực phẩm đông lạnh trôi nổi, chỉ sử dụng hàng đông lạnh có đầy đủ tem mác, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng tại các cơ sở kinh doanh uy tín để bảo vệ sức khoẻ bản thân và gia đình.
BÌNH MINH