Góc nhìn

Làm thế nào để có thực phẩm sạch?

MINH ANH 11/04/2024 09:00

Ai cũng có nhu cầu thực phẩm sạch, nhưng vì lợi nhuận, nhiều tổ chức, cá nhân bất chấp pháp luật, đạo đức để sản xuất, kinh doanh thực phẩm bẩn. Công tác quản lý cũng còn hạn chế, bất cập, sơ hở.

img_7335.jpg
Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Hải Dương kiểm tra một cơ sở kinh doanh thực phẩm tại TP Chí Linh dịp lễ hội mùa xuân (ảnh cơ sở cung cấp)

Mấy tuần nay không về quê, tôi thấy người khắc khoải. Lần nào về quê, mẹ tôi cũng lấy cho vài cân rau củ quả tự trồng ở vườn nhà. Ăn những thứ thực phẩm sạch ấy, không lo lắng gì. Nhiều người cùng suy nghĩ như tôi, thích thực phẩm do gia đình “tự sản, tự tiêu” bởi nó sạch.

Không phải gia đình nào cũng có điều kiện dùng thực phẩm sạch “tự sản, tự tiêu” ở quê. Phần lớn mọi người dùng nguồn thực phẩm từ chợ truyền thống, cửa hàng tiện ích, siêu thị, các doanh nghiệp cung cấp suất ăn… Từ bao năm nay, vấn đề thực phẩm sạch, thực phẩm bẩn vẫn là nỗi lo canh cánh của mỗi gia đình và toàn xã hội.

Năm 2023, cả nước ghi nhận 125 vụ ngộ độc thực phẩm, làm hơn 2.100 người bị ngộ độc, trong đó 28 người chết, tăng 71 vụ, hơn 700 người và 10 người chết so với năm 2022.

Theo Bộ Y tế, 3 tháng đầu năm nay, toàn quốc xảy ra 16 vụ ngộ độc thực phẩm, làm 659 người bị ngộ độc, trong đó 3 người thiệt mạng.

Cả xã hội quan tâm đến vệ sinh an toàn thực phẩm. Hệ thống pháp lý về bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm đã cơ bản hoàn thiện. Hằng năm, các ngành chức năng, các địa phương tiến hành thanh tra, kiểm tra nhiều tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm, xử lý nhiều vụ vi phạm…

Chỉ tính riêng tại tỉnh Hải Dương, dịp Tết Giáp Thìn và mùa lễ hội xuân 2024, toàn tỉnh đã thành lập nhiều đoàn thanh tra, kiểm tra công tác vệ sinh an toàn thực phẩm tại 4.221 cơ sở, phát hiện 498 cơ sở vi phạm an toàn thực phẩm. Các vi phạm chính là chưa bảo đảm điều kiện vệ sinh trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống; chưa có trang phục, bảo hộ lao động; chưa hoàn thiện đầy đủ thủ tục hành chính nhưng vẫn sản xuất, kinh doanh... Từ kết quả kiểm tra, 59 cơ sở đã bị xử phạt với tổng số tiền 254 triệu đồng.

Thanh tra, kiểm tra nhiều, xử lý vi phạm không ít nhưng vì sao vấn đề thực phẩm bẩn vẫn luôn nóng, diễn biến phức tạp? Không khó để trả lời. Vì lợi nhuận cao, nhiều tổ chức, cá nhân bất chấp pháp luật, đạo đức để sản xuất, kinh doanh thực phẩm bẩn. Công tác quản lý cũng còn hạn chế, bất cập, sơ hở. Nhiều cuộc thanh tra, kiểm tra theo kế hoạch, chủ cơ sở được thông báo trước nên có điều kiện đối phó. Một số cuộc kiểm tra mang tính hình thức, không hiệu quả. Nhân lực làm công tác quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm, trang thiết bị phục vụ xét nghiệm, kiểm tra còn thiếu, nhất là ở cấp cơ sở. Nhiều trường hợp vi phạm song xử lý còn nhẹ…

Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm nay được triển khai từ ngày 15/4-15/5 với chủ đề “Tiếp tục bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới”. Việc xác định, thực hiện chủ đề trên nhằm tăng cường công tác bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm; nâng cao vai trò, trách nhiệm của các cấp ủy, chính quyền, người quản lý, người sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng, thực phẩm; góp phần thực hiện tốt Chỉ thị số 17-CT/TW ngày 21/10/2022 của Ban Bí thư về “Tăng cường bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới”.

Ngăn chặn, đẩy lùi vi phạm, tội phạm về thực phẩm cần sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị và nhân dân. Mỗi cấp ủy đảng, chính quyền cần thấu triệt những quan điểm, chủ trương, nhiệm vụ nêu trong Chỉ thị số 17-CT/TW. Đó là an ninh, an toàn thực phẩm là vấn đề hệ trọng, vừa cấp bách, vừa lâu dài, tác động, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khoẻ nhân dân, chất lượng giống nòi dân tộc. Các cấp ủy, tổ chức đảng tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện nghiêm các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm; đưa các mục tiêu, chỉ tiêu về an ninh, an toàn thực phẩm vào chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đơn vị. Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp chịu trách nhiệm cao nhất về công tác bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trên địa bàn do mình phụ trách.

Bên cạnh việc khắc phục các hạn chế, sơ hở trong công tác quản lý về an toàn thực phẩm, việc biểu dương, giới thiệu, nhân rộng những kinh nghiệm tốt, cách làm hay liên quan đến sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ thực phẩm an toàn cũng rất cần thiết.

MINH ANH
(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Làm thế nào để có thực phẩm sạch?