Tình trạng hỗn loạn chính trị của Libya trở nên tồi tệ hơn sau khi Quốc hội nước này bổ nhiệm một thủ tướng mới trong khi thủ tướng lâm thời không chấp nhận việc đó.
Ông Fathi Bashagha được Quốc hội Libya chọn làm thủ tướng sau khi ứng viên còn lại rút lui - Ảnh: AP
Theo Guardian, hôm 10.2, người phát ngôn Quốc hội Libya cho biết họ đã chọn cựu Bộ trưởng Nội vụ Fathi Bashagha sau khi ứng cử viên duy nhất còn lại rút lui.
Tuy nhiên, Thủ tướng lâm thời Abdul Hamid Dbeibah, người đứng đầu Chính phủ thống nhất quốc gia được quốc tế công nhận, đã bác bỏ quyết định của Quốc hội, tuyên bố sẽ chỉ bàn giao quyền lực sau một cuộc bầu cử toàn quốc.
Động thái này đi ngược lại những nỗ lực của Liên hợp quốc (LHQ) nhằm hòa giải đất nước bị chia cắt và có nguy cơ tạo ra hai chính quyền song song tồn tại.
Libya đã lâm vào cuộc xung đột kéo dài 10 năm kể từ sau cuộc nổi dậy lật đổ nhà lãnh đạo Gaddafi năm 2011.
Ngay trước cuộc bỏ phiếu tại Quốc hội, người phát ngôn Aguila Saleh nói với các nhà lập pháp trong phiên họp rằng ông Bashagha đã trở thành ứng cử viên duy nhất cho vị trí này vì ứng viên đối thủ, Khalid al-Baibas, đã rút lui.
Hàng trăm người đã xuống đường ở thủ đô Tripoli để phản đối quyết định của Quốc hội về việc bổ nhiệm thủ tướng mới.
Thủ tướng lâm thời Dbeibah cảnh báo việc ông bị sa thải sẽ đẩy đất nước trở lại "chia rẽ và hỗn loạn" sau gần 2 năm tương đối yên ổn. Ông nói sẽ chỉ chuyển giao quyền lực cho một chính phủ dân cử.
Ông Dbeibah từ một doanh nhân trở thành thủ tướng Libya vào tháng 2 năm ngoái trong tiến trình chính trị do phương Tây làm trung gian và được LHQ hậu thuẫn.
Trước diễn biến rắc rối này, LHQ tuyên bố tiếp tục công nhận ông Dbeibah làm thủ tướng Libya lâm thời.
Ngày 10.2, người phát ngôn LHQ Stephane Dujarric yêu cầu các nhà lãnh đạo Libya phải đoàn kết nhất trí về con đường phía trước của quốc gia Bắc Phi, đồng thời cần quan tâm tới người dân Libya.
Chính phủ thống nhất quốc gia của Thủ tướng Dbeibah lên nắm quyền điều hành đất nước cách đây 1 năm với nhiệm vụ dẫn dắt Libya tới những cuộc bầu cử dự kiến được tổ chức trong tháng 12.2021.
Tuy nhiên, tranh cãi giữa các phe phái về cơ sở Hiến pháp để tổ chức bầu cử khiến mục tiêu này bị hoãn vô thời hạn.
Theo Tuổi trẻ