Báo cáo của Liên hợp quốc cho biết số người chết trong thảm họa lũ lụt ở Derna đã tăng lên ít nhất 11.300 người, trong khi ít nhất 10.100 người vẫn mất tích chỉ riêng tại thành phố này.
Theo một báo cáo được Liên hợp quốc công bố ngày 16/9, số người chết do thảm họa lũ lụt tàn khốc ở Derna, thành phố ven biển phía đông của Libya, đã tăng lên ít nhất 11.300 người, trong bối cảnh những nỗ lực tìm kiếm dự kiến sẽ phát hiện thêm nhiều nạn nhân. Chỉ riêng ở Derna, ít nhất 10.100 người vẫn mất tích.
Văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo (OCHA) của Liên hợp quốc cho biết đã xác nhận thêm 170 người chết ở ngoại ô Derna do lũ lụt. “Những con số này dự kiến sẽ tăng lên khi các đội tìm kiếm và cứu hộ làm việc không mệt mỏi để tìm kiếm những người sống sót”, cơ quan này cho biết thêm.
Liên hợp quốc cho biết hơn 40.000 người đã phải di dời trên khắp vùng đông bắc Libya do thảm họa lũ lụt gây ra bởi lượng mưa cực lớn mà cơn bão Daniel mang đến.
Các chuyên gia cho biết tác động của cơn bão đã trở nên trầm trọng hơn do sự kết hợp chết người của các yếu tố bao gồm cơ sở hạ tầng xuống cấp, cảnh báo không đầy đủ và ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng khí hậu đang gia tăng.
Rủi ro với bom mìn sót lại và nguy cơ bệnh dịch
Derna, "tâm chấn" của thảm họa, bị chia cắt thành hai phần sau khi nước lũ cuốn trôi toàn bộ khu vực lân cận. Nơi này có dân số khoảng 100.000 người trước thảm kịch. Liên hợp quốc cho biết ít nhất 30.000 người đã phải di dời chỉ riêng ở Derna.
Báo cáo của OCHA cho biết: “Với hàng nghìn người phải di dời hiện đang di chuyển, nguy cơ tiếp xúc với bom mìn và vật liệu nổ chiến tranh còn sót lại sau nhiều năm xung đột đang gia tăng, vì nước lũ hiện đã làm lộ ra nhiều bom mìn và vật nổ".
Chưa hết, gần 300.000 trẻ em hứng chịu hậu quả lũ lụt do bão Daniel đang phải đối mặt với nguy cơ mắc bệnh tả, suy dinh dưỡng, tiêu chảy và mất nước ngày càng tăng. Báo cáo cho biết thêm, trẻ em cũng phải đối mặt với “nguy cơ bạo lực và bóc lột ngày càng gia tăng”.
Nhiều thi thể phân hủy trên biển
Lực lượng cứu hộ lúc này tiếp tục rà soát các tòa nhà bị sập và tìm kiếm trên biển để vớt thi thể nạn nhân khi hy vọng tìm thấy người sống sót tiếp tục giảm dần.
Các cơ quan cứu hộ quốc tế cho biết hầu hết các thi thể đều ở dưới nước, đồng thời kêu gọi thêm thiết bị và giúp trục vớt xác nạn nhân từ Địa Trung Hải.
“Các thi thể đang phân hủy nghiêm trọng và có khi không thể trục vớt được", đại diện phái bộ Tunisia cho biết trong cuộc gặp với những người đồng cấp từ Nga, các nước Arab, Thổ Nhĩ Kỳ và Italy.
Người đại diện phái bộ trên nói thêm: “Chúng tôi cần được hỗ trợ để sự can thiệp của chúng tôi hiệu quả hơn”.
Các đại diện phái đoàn khác từ Ai Cập và UAE mô tả việc tìm thấy thi thể ở các vịnh và vịnh nhỏ ở Địa Trung Hải, nhiều thi thể ở những khu vực chỉ có thể tiếp cận bằng thuyền.
Một đại diện của phái bộ Algeria cho biết các đội đã phát hiện khoảng 50 thi thể từ một vách đá cách cảng Derna khoảng 10km, nhưng nói thêm rằng khu vực này chỉ có thợ lặn và thuyền mới có thể tiếp cận được. Đại diện Ai Cập cho biết: “Nếu có được thuyền phù hợp, chúng tôi có thể vớt được 100 thi thể mỗi ngày”.
Các nhóm cảnh báo, các thi thể cũng bị mắc kẹt dưới đống bùn tại các khu dân cư vẫn còn đông người ở Derna và có thể gây ra một cuộc khủng hoảng sức khỏe nếu các khu vực này không được sơ tán.
Điều tra vụ sập 2 con đập
Theo tờ El Pais, chính quyền Libya đã mở một cuộc điều tra về vụ sập hai con đập, làm trầm trọng thảm họa lũ lụt ở Derna.
Mưa lớn do bão Daniel gây ra đã gây sức ép khiến hai con đập bị vỡ, tạo ra một bức tường nước cao hàng mét tấn công qua trung tâm Derna, phá hủy toàn bộ khu vực lân cận và cuốn trôi người dân ra biển.
Sáu ngày trôi qua, những người tìm kiếm vẫn đang đào bới bùn và các tòa nhà để tìm kiếm thi thể và những người có thể còn sống sót.
Tổng công tố Libya, al-Sediq al-Sour, cho biết các công tố viên sẽ điều tra vụ sập hai con đập được xây dựng vào những năm 1970, cũng như việc phân bổ kinh phí bảo trì.
“Tôi đảm bảo với người dân rằng bất cứ ai mắc sai lầm hoặc sơ suất, các công tố viên chắc chắn sẽ có biện pháp cứng rắn, khởi tố người đó và đưa người đó ra xét xử”, ông al-Sour nói trong một cuộc họp báo ở Derna vào cuối ngày 15/9.
Hiện không rõ làm thế nào một cuộc điều tra như vậy có thể được thực hiện ở quốc gia Bắc Phi này, nơi đã rơi vào tình trạng hỗn loạn sau cuộc nổi loạn lật đổ nhà lãnh đạo lâu năm Moammar Gadhafi vào năm 2011.
Trong hầu hết thập kỷ qua, Libya đã bị chia rẽ giữa các chính quyền đối thủ - một ở phía đông, một phía tây - mỗi nơi được hỗ trợ bởi lực lượng dân quân hùng mạnh và những người bảo trợ quốc tế.
Một trong những hậu quả của tình trạng hỗn loạn là việc bỏ bê cơ sở hạ tầng quan trọng, ngay cả khi biến đổi khí hậu khiến các hiện tượng thời tiết cực đoan xảy ra thường xuyên và nghiêm trọng hơn.
Các quan chức địa phương trong thành phố Derna đã cảnh báo người dân về cơn bão sắp đến và vào ngày 9/9 đã ra lệnh cho người dân sơ tán khỏi các khu vực ven biển ở Derna vì lo ngại nước biển dâng cao. Tuy nhiên không có cảnh báo nào về các con đập bị sập vào sáng sớm ngày 11/9 khi hầu hết người dân đang ngủ trong nhà.
Một báo cáo của cơ quan kiểm toán nhà nước vào năm 2021 cho biết hai con đập đã không được bảo trì mặc dù đã được phân bổ hơn 2 triệu USD cho mục đích đó vào năm 2012 và 2013.
Theo báo Tin tức