Pháo nổ vang rền ở Côn Sơn

20/02/2019 16:23

Liên hoan pháo đất đã đem đến bầu không khí sôi động, giúp người dân và du khách về trẩy hội mùa xuân Côn Sơn - Kiếp Bạc thêm hân hoan, phấn khởi.


Đội pháo đất xã Nghĩa An có mặt từ rất sớm

Từ sáng sớm, hàng nghìn người đã đổ về sân đá chùa Côn Sơn để xem Liên hoan pháo đất tỉnh Hải Dương lần thứ IX năm 2019. Tiếng pháo nổ vang rền kết hợp với tiếng chiêng, trống, hò reo, cổ vũ không ngớt của du khách khiến bầu không khí lễ hội càng thêm sôi động.

Hào hứng

8 giờ sáng 20.2 (16 tháng giêng), Liên hoan pháo đất tỉnh Hải Dương lần thứ IX năm 2019 mới khai mạc nhưng từ trước đó 2 tiếng, 7 chiếc xe ô tô chở theo 30 pháo thủ và hơn 100 cổ động viên của xã Nghĩa An (Ninh Giang) đã có mặt tại sân đá chùa Côn Sơn. 

Ông Phạm Văn Hân, đội trưởng đội pháo đất xã Nghĩa An cho biết sáng nay cả đội dậy từ 4 giờ để ăn sáng, chuẩn bị 10 ao đất và các vật dụng cần thiết khác rồi lên đường. Lãnh đạo địa phương, bà con trong xã ra tận xe động viên và tiễn đoàn. Do số lượng xe có hạn nên chỉ hơn 100 người đại diện đi theo đội lên Côn Sơn cổ vũ. Ai cũng mang tâm trạng háo hức, phấn khởi.


Ban Tổ chức Lễ hội tặng cờ lưu niệm và hoa cho các đội về tham dự

Cụ Phạm Văn Ơn (75 tuổi) - một cổ động viên đội pháo đất xã Nghĩa An, đầu đội băng rôn, tay mang cờ Tổ quốc, nét mặt vui tươi động viên các pháo thủ trước giờ thi đấu. "Năm nào tôi cũng lên đây xem đánh pháo đất. Tôi thấy khâu tổ chức liên hoan pháo đất ngày càng bài bản, vị trí để các pháo thủ thi đấu sạch sẽ, rộng rãi. Năm nay, đội pháo đất xã Nghĩa An chúng tôi sẽ lại vô địch", cụ Ơn tự tin nói.


Pháo thủ mang theo những bao đất được lựa chọn kỹ lưỡng chuẩn bị tham dự liên hoan pháo đất

Đội pháo đất xã Hiệp Lực (Ninh Giang) lần đầu tham dự Liên hoan pháo đất. Pháo thủ Vũ Quang Mạnh cho biết các thành viên ai cũng hồi hộp, nhiều người không ngủ được. 3 giờ sáng, các thành viên trong đội đã dậy gọi điện thoại cho nhau tập trung chuẩn bị đi dự liên hoan. 8 xe ô tô đã được xã huy động để chở các pháo thủ và người dân lên cổ vũ. "Cả tuần nay, anh em chúng tôi đã tập luyện rất kỹ. Anh em mong sẽ đạt được giải cao, nhưng nếu không được thì vẫn thoải mái vì được về đây tham dự lễ hội là đã vui rồi", anh Mạnh chia sẻ.


Rải tro làm nơi lật pháo

Sau lễ khai mạc ngắn gọn, đúng 8 giờ 20, Liên hoan pháo đất tỉnh Hải Dương lần thứ IX bắt đầu. Liên hoan năm nay có 3 đội tham gia, gồm: Quang Khải (Tứ Kỳ), Ninh Hòa, Nghĩa An (Ninh Giang); 4 đội dự thi pháo tiểu gồm Quang Hưng, Hiệp Lực (Ninh Giang), Đức Xương (Gia Lộc), Đại Hợp (Tứ Kỳ). Có tổng cộng 210 pháo thủ tham gia tranh tài. Các đội thi đấu 3 bàn (ván hoặc dây). Mỗi pháo thủ gieo 3 pháo. Đội có số thước pháo dài nhất sẽ giành chiến thắng...


 Pháo thủ tích cực nặn đất

Ngay sau tiếng còi khai cuộc, pháo thủ các đội nhanh chóng trở về bàn pháo đã được Ban tổ chức quy định và bắt đầu thực hiện công đoạn nặn pháo. Rất đông người dân đứng quây kín các bàn pháo, hò reo cổ vũ. Từng hồi chiêng, trống vang lên như thúc giục, tiếp thêm sự hưng phấn cho các pháo thủ.

Pháo đất ở các bàn đồng loạt được gieo. Tiếng pháo nổ vang rền liên tiếp làm cho bầu không khí ở Côn Sơn trở lên náo nhiệt. Cứ pháo thủ nào gieo được pháo dài dây là tất cả lại nhảy lên tung hô ăn mừng. Cũng không ít pháo thủ gieo pháo bị đứt hoặc ngắn dây khiến mọi người đứng xung quanh tiếc nuối...


Một pha gieo pháo hơn 9 thước

Liên hoan pháo đất đã đem đến bầu không khí sôi động, giúp người dân và du khách về trẩy hội mùa xuân Côn Sơn - Kiếp Bạc thêm hân hoan, phấn khởi. "Nghe nói từ lâu nhưng đến nay tôi mới được tận mắt chứng kiến chơi pháo đất là như thế nào. Phải nói trò chơi này vừa vui, vừa đặc sắc và phù hợp với lễ hội", anh Nguyễn Hoài Nam đến từ tỉnh Phú Thọ nói.

Giữ gìn và phát huy trò chơi pháo đất

Trong số các hoạt động văn hóa dân gian được tổ chức tại Lễ hội mùa xuân Côn Sơn - Kiếp Bạc hằng năm, liên hoan pháo đất được nhiều người yêu thích. Trò chơi này tuy không mới nhưng không khí vui nhộn mà nó tạo ra khiến bất kỳ ai cũng phải chú ý.


Các bàn pháo tiểu cũng rất đông vui

Truyền thuyết về trò chơi pháo đất có nhiều nguồn tư liệu khác nhau nhưng có 2 truyền thuyết được lưu truyền rộng rãi. Có truyền thuyết kể rằng trong trận đánh quân Nguyên - Mông năm 1288, nhân dân ném đất xuống khúc sông Hóa tiếp giáp với các tỉnh Hải Dương, Hải Phòng, Thái Bình để cứu con voi của Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn. Từ đó, khi nông nhàn, nhân dân thường tụ tập diễn lại cảnh này và dần hình thành trò chơi pháo đất. Truyền thuyết thứ 2 kể rằng trò chơi này có từ thời Hai Bà Trưng, khi nữ tướng Lê Chân dùng pháo đất với mục đích nghi binh đánh giặc Đông Hán. Giai thoại về pháo đất có nhiều nhưng tựu chung thì đây là trò chơi mang đậm màu sắc dân gian, tạo sự tươi vui, sôi nổi, đoàn kết trong cộng đồng dân cư...


Khán giả cổ vũ hết mình

Trò chơi pháo đất được bảo lưu và trao truyền qua nhiều thế hệ tại một số địa phương trong tỉnh. Những năm qua, các địa phương như Tứ Kỳ, Ninh Giang, Gia Lộc có nhiều giải pháp để bảo tồn và phát huy trò chơi pháo đất. Ngoài các cuộc thi do huyện tổ chức, những buổi giao lưu pháo đất thường xuyên được các xã, thôn tổ chức vào dịp lễ, Tết trong năm. Việc đưa Liên hoan pháo đất vào Lễ hội mùa xuân Côn Sơn - Kiếp Bạc hằng năm cũng nhằm mục đích bảo tồn và phát huy trò chơi này.

Cuối giờ sáng 20.2, Liên hoan pháo đất tỉnh Hải Dương lần thứ IX năm 2019 đã kết thúc. Kết quả, 2 đội pháo đất xã Quang Khải (Tứ Kỳ) và Nghĩa An (Ninh Giang) đồng giải nhất nội dung pháo đại. Đội pháo đất xã Đại Hợp (Tứ Kỳ) giành giải nhất nội dung pháo tiểu. Ban tổ chức cũng trao giải cho các pháo thủ có dây pháo dài nhất.

TIẾN MẠNH

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Pháo nổ vang rền ở Côn Sơn