Lấy chồng keo kiệt

22/09/2019 15:09

Lúc lấy anh, công việc của chị chưa ổn định, vẫn phải làm hợp đồng mùa vụ, lương ba cọc ba đồng, lúc có lúc không. Nghỉ ốm, nghỉ sinh con chị đều không có thu nhập.



Chị biết thân biết phận nên nuôi thêm mấy chục con gà, trồng đầy vườn rau để có đồng ra đồng vào.

Anh giữ chặt tiền của mình, hễ chị xin để chi tiêu những việc chính đáng cho cả gia đình thì anh xỉa ra, những việc liên quan đến nhà vợ hay sắm sửa của riêng chị thì nhất định anh từ chối. Anh bảo chị “tự lo liệu”. Mặc cảm vì “ăn bám” chồng nên chị không dám đòi hỏi.

Chị nhẫn nhịn và tự xoay xở mãi thành quen.

Từ ngày được vào biên chế, chị yên tâm hơn vì tháng nào cũng có lương dù chẳng nhiều nhặn gì.

Biết vậy, anh càng rạch ròi trong chi tiêu. Anh giao cho chị lo hết chi phí sinh hoạt trong gia đình sáu người gồm bố mẹ chồng ngoài bảy mươi, vợ chồng chị và hai đứa con đang tuổi ăn, tuổi học.

Còn anh lo công to việc lớn, cỗ bàn, đóng tiền học cho hai đứa con. Chị phải tính toán chi li, tằn tiện lắm mới có thể lo được tiền ăn, tiền điện, tiền nước, thuốc men, văn phòng phẩm... Hễ tháng nào nhà có khách, có giỗ là chị phải ngửa tay xin tiền chồng.

Những lúc ấy, anh tỏ ra mặt nặng mày nhẹ, tay đưa tiền cho vợ mà miệng lầm bầm: “Tiêu gì mà hoang thế, đây không phải cái kho”.

Lần nào chị cũng phải tìm cách bù thêm vì anh đưa không bao giờ đủ để làm mâm cơm thịnh soạn.

Chị không hiểu sao anh lại bủn xỉn với vợ đến như vậy. Chị đâu phải loại phụ nữ ăn chơi, thích gì mua nấy. Chị một mực vun vén cho gia đình nhà chồng. Chỉ vì lương của chị thấp nên anh tỏ ra coi thường.

Gần đây, ngoài tranh thủ chăn nuôi, trồng trọt, chị còn thức khuya dậy sớm để viết lách, cộng tác với các báo, kiếm ít nhuận bút, thi thoảng mua cái váy mới, ra ngoài cho bằng bạn, bằng bè.

Chị kiên trì, chăm chỉ nên mỗi tháng cũng có thêm một khoản nho nhỏ. Anh nghĩ chị có ba nguồn thu nhập nên rủng rỉnh tiền tiêu, nếu cho chị thêm tiền thì chị lại thậm thụt mang cho nhà ngoại hoặc vung tay quá trán nên lĩnh lương về là anh khóa chặt vào két sắt, chị không được tơ hào. Tình cảm vợ chồng bị đồng tiền chi phối, ảnh hưởng nên cũng phai nhạt dần theo năm tháng.

Nhiều khi chị muốn “hâm nóng”, rủ anh đưa cả nhà đi du lịch đâu đó để thay đổi không khí và nạp thêm năng lượng thì anh giãy đành đạch lên: “Không đi đâu hết! Tốn tiền lắm, làm gì có tiền mà đi”.

Chị phát cáu lên: “Tiền! Tiền! Tiền! Lúc nào anh cũng sợ tốn tiền. Anh cứ ở nhà mà ôm cái két sắt của anh. Chết cũng có mang đi được không? Không tiêu bớt đi thì để làm gì?”.

“Em nói thế mà được à? Em rủa anh đấy à? Ăn hôm nay phải biết lo ngày mai chứ? Đã nghèo còn mơ mộng, sĩ diện”. Chị nín lặng, không muốn tranh luận thêm vì tính anh rất bảo thủ, không chịu sửa đổi.

Lấy nhau hơn chục năm nhưng chưa bao giờ chị biết đồng lương méo tròn của anh ra sao. Chị dò hỏi những người cùng cơ quan anh thì biết thu nhập của anh cũng kha khá. Vậy mà anh chẳng bao giờ mua tặng chị bất cứ một món quà nào nhân ngày lễ, ngày Tết.

Chị nhắc khéo thì anh xua đi: “Vẽ chuyện, quà cáp làm gì cho tốn kém”. Chị so sánh người này người nọ thì anh hậm hực: “Ăn còn chẳng đủ, bì làm sao được với thiên hạ. Nếu thích em đi mà lấy người ta”.

Đỉnh điểm là lần mua lọ kem chữa nám thiếu tiền, chị móc ví anh mượn tạm vài trăm nghìn mà anh giằng lại bằng được. Anh bực bội: “Đừng tưởng lấy tiền của người ta dễ nhá”. Chị chưng hửng, cảm thấy coi thường anh từ bận ấy.

Thành ra việc gần chồng cũng là một cực hình đối với chị. Nhiều khi chị tủi thân nghĩ mình không bằng ô sin, vì ô sin còn có lương. Chị đích thị là ô sin không công cho chồng.

Nhận được giấy mời đi nhận giải một cuộc thi viết tận miền Nam, chị mừng quá, khoe với anh và rủ anh đặt vé máy bay cùng đi, tiện thể hai vợ chồng đi du lịch một chuyến. Không ngờ anh buông một câu: “Không đi đâu hết! Lĩnh tiền thưởng về nộp học cho con.

Đầu năm học tốn tiền lắm”. Chị ngỡ ngàng, thắc mắc: “Tiền học cho con anh vẫn đóng cơ mà?”. Anh im lặng. Chị tìm cách thuyết phục để được đi miền Nam một chuyến vì đây là cơ hội hiếm có trong đời nhưng anh vẫn tỏ ra khó chịu: “Nói ít thôi! Muốn đi đâu thì đi!”.

Suốt đêm, chị trằn trọc không sao ngủ được. Bấy lâu nay chị đã răm rắp nghe theo lời anh, nhịn ăn nhịn tiêu, hy sinh bao sở thích của bản thân để chăm lo cho gia đình nhưng anh chưa một lần vì chị. Nhất định lần này chị sẽ đi xa một chuyến để anh nhận ra chị quan trọng nhường nào.

NAM HỒNG

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Lấy chồng keo kiệt