Lầu Năm Góc đang cân nhắc thành lập lực lượng tác chiến hải quân thường trực ở khu vực Thái Bình Dương nhằm đối phó với sức mạnh quân sự ngày càng gia tăng của Trung Quốc, 2 nguồn tin thân cận cho hay.
Kế hoạch này cũng liên quan đến việc thành lập một chiến dịch quân sự ở Thái Bình Dương khiến Bộ trưởng Quốc phòng có thể huy động ngân sách và các nguồn lực để đối phó với Trung Quốc.
Hai sáng kiến, dù đến nay vẫn chưa được hoàn tất này, sẽ củng cố các tuyên bố cứng rắn của chính quyền Tổng thống Biden về Trung Quốc, đồng thời gửi đi một thông điệp rằng Washington nghiêm túc trong việc kiềm chế các hoạt động tăng cường quân sự và những hành vi gây hấn của Bắc Kinh ở khu vực Thái Bình Dương.
Thông tin trên được đưa ra giữa bối cảnh các nhà lãnh đạo NATO ngày càng đứng về phía lập trường cứng rắn của Mỹ nhằm chống lại Trung Quốc. 4 năm sau khi cựu Tổng thống Donald Trump coi việc đối phó với Trung Quốc là ưu tiên hàng đầu về chính sách đối ngoại, các đồng minh NATO tuần này đã tuyên bố Bắc Kinh là một thách thức an ninh và cho rằng Trung Quốc đang "phá hủy trật tự toàn cầu".
Các cuộc thảo luận về chủ đề này được Lực lượng Tác chiến đối phó với Trung Quốc của Lầu Năm Góc tiến hành - một lực lượng được Tổng thống Biden thành lập nhằm xem xét các chính sách liên quan đến Trung Quốc của Lầu Năm Góc. Lực lượng này do Ely Ratner, một ứng viên cho vị trí đứng đầu về chính sách Ấn Độ - Thái Bình Dương của Lầu Năm Góc dẫn đầu, gần đây đã hoàn tất nhiệm vụ và đưa ra những khuyến nghị cho Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin.
Dù vậy, bình luận về kế hoạch trên, một quan chức quốc phòng nhấn mạnh chưa có kế hoạch nào từ lực lượng tác chiến đối phó với Trung Quốc được hoàn tất.
"Chúng tôi đang xem xét một số đề xuất ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, cũng như trong Lầu Năm Góc để đồng bộ và phối hợp hành động hiệu quả hơn", người này cho hay.
"Tuy nhiên, như Bộ trưởng Quốc phòng đã nói, hiện nay là thời điểm để bắt tay vào công việc và vẫn có nhiều nội dung chi tiết cần được hoàn tất".
Mặc dù các sáng kiến trên không phải là "viên đạn bạc" (giải pháp dễ dàng và nhanh chóng cho vấn đề nào đó - ND) cho vấn đề Trung Quốc nhưng những nỗ lực này là dấu hiệu cho thấy Lầu Năm Góc cam kết dịch chuyển nguồn lực khỏi Trung Đông và tăng cường đáp ứng các nhu cầu ở Thái Bình Dương, Elbridge Colby, một cựu quan chức trong Lầu Năm Góc dưới thời chính quyền cựu Tổng thống Trump cho hay.
"Lực lượng tác chiến và chiến dịch trên cho thấy Mỹ sẽ tăng cường sức mạnh và quyền lực của lực lượng hướng về Tây Thái Bình Dương", ông Colby nói.
Lực lượng tác chiến hải quân trên sẽ là một lực lượng phản ứng ngay lập tức, có thể phản ứng nhanh trước một cuộc khủng hoảng và dành hầu hết thời gian hiện diện trong khu vực, cũng như tham gia vào các cuộc tập trận đã được lên kế hoạch. 6 - 10 tàu chiến từ các quốc gia NATO khác nhau có thể sẽ tham gia cùng lực lượng này trong khoảng 6 tháng.
Jerry Hendrix, một nhà phân tích tham vấn cho công ty Telemus Group cho rằng, một lực lượng tác chiến hiệu quả ở Thái Bình Dương là lực lượng bao gồm cả các đồng minh châu Âu của Mỹ như Anh và Pháp, cùng với Nhật Bản và Australia.
“Sáng kiến được đề xuất sẽ là mang tính răn đe bởi nó thể hiện sự đoàn kết trong nỗ lực đối phó với những mối đe dọa ngày càng gia tăng của Trung Quốc đối với tự do hàng hải và tự do thương mại", nhà phân tích Hendrix cho biết.
Hiện vẫn chưa rõ liệu lực lượng tác chiến trên chỉ bao gồm các tàu chiến Mỹ hay còn có thêm lực lượng của các quốc gia khác.
Các quan chức nghiên cứu về chính sách với Trung Quốc ở Lầu Năm Góc cũng cân nhắc đến việc thành lập một chiến dịch quân sự ở Thái Bình Dương nhằm xây dựng quy trình chính thức cho Bộ trưởng Quốc phòng huy động ngân sách và các nguồn lực bổ sung cần thiết.
Lầu Năm Góc hiện vẫn chưa gửi bản kế hoạch này cho Quốc hội, một trong các nguồn tin cho hay.
Theo VOV