Lao động tự do lao đao vì dịch

14/03/2021 15:05

Đợt dịch Covid-19 thứ ba bùng phát tại Hải Dương đã khiến gánh nặng mưu sinh của những lao động tự do càng thêm nặng nề.


Chị Lê Thị Thắm (49 tuổi) ở xã Thanh Hải (Thanh Hà) đang chờ những vị khách hiếm hoi đến mua hàng

Thu nhập giảm nhiều

TP Hải Dương là nơi mưu sinh của nhiều lao động tự do (LĐTD) bán hàng rong, xe ôm, bốc vác, xích lô, bán trà đá vỉa hè... Tuy nhiên, vì thành phố vẫn đang thực hiện theo Chỉ thị 15 của Thủ tướng Chính phủ nên chỉ số ít LĐTD có việc để làm. 

Hành trang kiếm sống của anh Kha Anh Hùng (47 tuổi) ở phường Ngọc Châu (TP Hải Dương) là chiếc xe máy cũ, 2 chiếc mũ bảo hiểm. Anh Hùng làm xe ôm được gần 8 năm nay. "Bến đỗ" của anh là một điểm chờ xe buýt trên đường Bạch Đằng. Ngày 6.3 anh Hùng mới làm việc trở lại sau gần 1 tháng nghỉ ở nhà.

Anh Hùng cho biết chưa bao giờ rơi vào tình cảnh khốn khó như hiện nay. Trước khi dịch bùng phát, trừ chi phí mỗi ngày thu nhập của anh còn được khoảng 200.000 đồng. Hôm nào may mắn gặp được khách đi tuyến huyện thì nhiều hơn một chút. Nhưng mấy ngày nay anh chưa kiếm được đồng nào vì không có khách, dắt xe ra ngồi cả ngày lại dắt xe về. Chưa kể từ Tết đến nay anh phải nghỉ ở nhà không có thu nhập, đời sống rất khó khăn. 

Anh Hùng cho biết ở nhà còn có mẹ già, con đang tuổi đi học, vợ thì làm công nhân. Năm trước mẹ anh còn thuộc diện hộ nghèo nhưng năm nay đã bị cắt nên không còn bảo hiểm y tế, lại tốn thêm khoản tiền mua thuốc chữa bệnh. "Do dịch bệnh nên tôi và vợ đều không có thu nhập, mọi chi tiêu, sinh hoạt phải tiết kiệm hết mức. Số tiền tích luỹ để chi tiêu hằng ngày cũng đang dần cạn kiệt. Tiền điện, nước tôi chưa đóng được", anh Hùng thở dài nói. 

Ở một góc khác trên đường An Ninh (TP Hải Dương), dù đã gần 12 giờ trưa nhưng chị Lê Thị Thắm (49 tuổi) quê ở xã Thanh Hải (Thanh Hà) vẫn lặng lẽ ngồi chờ từng vị khách hiếm hoi đến mua hàng. Đã 3 ngày nay, chị chở gần 1 tạ rau, ổi, chuối, kẽo kẹt đạp xe hơn 10 km từ quê lên TP Hải Dương để bán.

Trước khi có dịch mỗi ngày chị có thể thu 150.000-200.000 đồng, nhưng mấy hôm nay vì ít người mua nên đều phải chở hàng chục kg hàng về nhà. Ánh mắt chị Thắm vẫn hiện rõ sự mệt mỏi và lo lắng. Chị rất sợ không bán được hàng lại phải chở về vừa không có tiền vừa vất vả.

Khi hỏi vì sao hàng nặng như vậy, ít người mua mà chị vẫn lên đây bán, chị Thắm thở dài cho biết: "Vì mưu sinh thôi. Nhìn ổi, chuối đã đến độ thu hoạch, chín rụng đầy vườn tiếc công quá nên tôi phải cố. Chán và mệt, nhất là những hôm bán ế phải chở về nhà". 

Gia đình chị Thắm giờ chỉ có hai vợ chồng ở nhà, 2 đứa con đã xây dựng gia đình. Các con cũng khó khăn nên chưa lo được gì cho vợ chồng chị. Nhà có 7 sào ruộng chị trồng xen kẽ vải, chuối, ổi, rau và nuôi ít gia cầm. Đây là nguồn sống duy nhất của hai vợ chồng nhưng do dịch bệnh, rau, củ, gia cầm rẻ như cho và cũng không bán được nhiều nên cuộc sống gia đình chị càng khó khăn. 

Mong dịch bệnh qua mau

Ngoài nghề xe ôm, bán hàng rong thì còn nhiều LĐTD khác cũng đang gồng mình kiếm kế sinh nhai trong bối cảnh dịch bệnh khó khăn hiện nay. 

11 giờ trưa trên đường Hoàng Hoa Thám, những bước chân rệu rã đạp xe xích lô của ông Nguyễn Văn Nam ở phường Nguyễn Trãi (TP Hải Dương) cũng đủ cho thấy sự mệt mỏi. Người đàn ông 60 tuổi này đang trên đường về nhà. Từ sáng đến giờ ông chưa được ai thuê chở hàng. Bình thường mỗi ngày ít nhiều ông cũng kiếm được 50.000 đồng, hôm nhiều thì 200.000-300.000 đồng. Nhưng do dịch Covid-19, những người hay thuê chở hàng chưa mở cửa, nhu cầu của người dân cũng ít nên từ hôm đi làm trở lại đến nay ông chỉ kiếm được chút ít. "Tôi còn bị bệnh tiểu đường, mỗi tháng phải khám định kỳ 1 lần nên cũng mất một khoản tiền không nhỏ. Vừa rồi tôi không dám đi khám. Từ Tết đến nay thu nhập giảm, gia đình tôi đã tiết kiệm tối đa nhưng vẫn khó khăn", ông Nam nói. 

Ngoài ông Nam, anh Hùng, chị Thắm thì vẫn còn nhiều người LĐTD khác cùng hoàn cảnh. Họ đa phần không được đào tạo chuyên môn kỹ thuật, việc làm bấp bênh, thu nhập thấp, không được chi trả các chế độ phụ cấp... Khi dịch Covid-19 bùng phát, thu nhập của người LĐTD bị giảm sâu, nhiều người mất việc nên không bảo đảm mức sống tối thiểu. 

Nhiều LĐTD cho biết họ đã trải qua 3 đợt dịch chưa từng có trong cuộc đời nhưng vẫn lạc quan và tin rằng dịch sẽ sớm tan để họ trở lại cuộc sống bình thường. 

Anh Hùng cho biết thêm: "Tôi đã vay được chút tiền để chi tiêu trong những ngày khó khăn trước mắt. Dù có khó khăn nhưng tôi mừng vì dịch bệnh trong tỉnh đang dần được kiểm soát. Như vậy nhịp sống sẽ trở lại trạng thái bình thường và tôi lại có thu nhập để trả nợ, nộp tiền điện, nước". 

Còn ông Nam thì cho rằng tỉnh ta đã kiểm soát được dịch bệnh bởi mấy ngày nay ca mắc Covid-19 giảm dần. Tỉnh đã nới lỏng dần các biện pháp phòng chống dịch. "Tôi tin là sau ngày 17.3, mọi hoạt động sẽ trở lại bình thường. Tôi sẽ có việc làm, thu nhập", ông Nam nói. 

THẾ ANH

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Lao động tự do lao đao vì dịch