Học nghề là xu hướng bắt buộc đối với người lao động trong tương lai. Những ngành nghề sử dụng nhiều lao động phổ thông sẽ mất lợi thế cạnh trạnh, lao động kỹ năng thấp sẽ bị đào thải.
Thị trường lao động đang phát triển với yêu cầu tăng cường nhanh về số lượng lẫn chất lượng nguồn nhân lực.
Lao động phải có kỹ năng nghề
Ngày 7.8, Trường Cao đẳng Viễn Đông đã tổ chức chương trình tư vấn trực tuyến cho gần 450 tân sinh viên với chủ đề "Nhu cầu nguồn nhân lực thời đại 4.0 trong hiện tại và tương lai, hành trang hội nhập thị trường lao động".
Phát biểu tại chương trình, ông Trần Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Hội Giáo dục nghề nghiệp (GDNN) TP Hồ Chí Minh cho rằng: "Thị trường lao động đang phát triển với yêu cầu tăng cường nhanh về số lượng lẫn chất lượng nguồn nhân lực".
Cụ thể, những ngành nghề sử dụng nhiều lao động phổ thông, kỹ năng thấp sẽ mất lợi thế cạnh trạnh. Do đó, một phần lớn lực lượng lao động kỹ năng thấp sẽ bị thải hồi.
Ông Trần Anh Tuấn lấy một ví dụ nhỏ ở các ngành sản xuất sử dụng nhiều lao động giản đơn như dệt may, da giày, lắp ráp điện tử, chế biến thủy hải sản. Theo nghiên cứu của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tại 5 quốc gia Đông Nam Á (trong đó có Việt Nam), trong 2 thập kỷ tới, khoảng 56% lao động trong các ngành trên có nguy cơ mất việc khi đưa robot vào các dây chuyền sản xuất.
Đồng thời, công nghiệp 4.0 cũng đòi hỏi cần có lượng lớn lao động có kỹ năng tay nghề cao, có khả năng làm việc với rô bốt nhiều hơn. Do đó, học nghề để có kỹ năng nghề, tiếp cận các máy móc sản xuất hiện đại là xu hướng bắt buộc để bảo đảm có việc làm và cơ hội thăng tiến.
Phó Chủ tịch Hội GDNN TP Hồ Chí Minh nhấn mạnh: "Trong giai đoạn tiếp cận nền công nghiệp 4.0, thách thức lớn nhất đối với lao động Việt Nam là cơ cấu lao động lạc hậu, trình độ thấp, thiếu nghiêm trọng nguồn nhân lực chất lượng cao".
Đón đầu xu hướng và rèn luyện kỹ năng
Theo ông Trần Anh Tuấn, chọn nghề để học cho phù hợp với bản thân và phù hợp xu hướng của thị trường lao động tương lai rất quan trọng. Điều này quyết định khả năng tìm việc làm, sự thành công của người lao động khi ra trường.
Tuy nhiên, nhiều sinh viên chưa chủ động trong quá trình chuẩn bị nghề nghiệp bản thân, chưa nắm chắc tình hình phát triển kinh tế - xã hội, ít tìm hiểu những ngành nghề mới, những tiêu chí tuyển dụng mới để có tâm thế sẵn sàng lựa chọn nghề nghiệp, đón đầu xu hướng.
Một khảo sát nhanh trong các tân sinh viên cho thấy, 48% các em tìm hiểu nghề nghiệp qua website của các trường; 20% qua bạn bè, thầy cô; 17% qua các trang mạng xã hội; 9% qua báo chí. Trong khi đó, tỷ lệ tân sinh viên được tư vấn trực tiếp từ các chuyên gia, hay tìm hiểu trực tiếp về nghề nghiệp mình chọn là chưa đến 10%.
Theo Phó Chủ tịch Hội GDNN TP Hồ Chí Minh, để tự tin bước vào thị trường lao động sắp tới, các bạn trẻ cần chủ động hơn trong việc lựa chọn nghề nghiệp.
Khi đã lựa chọn nghề nghiệp mình theo đuổi, phải chủ động học tập, trang bị cho mình kỹ năng nghề cần thiết, chủ động tiếp cận công nghệ… mới có thể đáp ứng yêu cầu của đơn vị sử dụng lao động.
Ông Trần Anh Tuấn nhận định: "Thị trường lao động sắp tới sẽ rất linh động, cần người lao động phải dễ thích nghi, dễ thay đổi để phù hợp với công việc. Điều này đòi hỏi người lao động phải nắm chắc kỹ năng nghề và bảo đảm tiêu chuẩn chất lượng nghề nghiệp".
Theo Dân trí