Kỳ thi tuyển chọn 12.000 lao động đi làm việc tại Hàn Quốc theo Chương trình EPS song số đăng ký lên tới gần 23.500, cao nhất trong 10 năm qua.
Theo Trung tâm Lao động ngoài nước, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, kỳ thi sẽ diễn ra tại Hà Nội từ ngày 8.5 đến 10.6, tại Đà Nẵng tổ chức sau một ngày.
Lao động đăng ký ngành sản xuất chế tạo đông nhất, tới 19.200 trong khi Hàn Quốc cần tuyển 6.300. Các ngành khác số người dự thi thấp hơn, cụ thể gần 2.600 thí sinh thi ngành ngư nghiệp, 1.300 người thi ngành nông nghiệp và 343 lao động xây dựng. Trong khi số cần tuyển lần lượt hơn 4.000, 841 và 901 người.
Số đăng ký dự thi năm nay gấp đôi so với 2022 và cao nhất trong 10 năm trở lại đây, bà Phạm Ngọc Lan, Phó giám đốc Trung tâm Lao động ngoài nước cho hay. Trước đó năm 2022, Chương trình EPS lựa chọn và đưa hơn 8.900 lao động đi Hàn Quốc.
Lao động sẽ làm bài thi trắc nghiệm năng lực tiếng Hàn trên hệ thống máy tính; nếu vượt qua sẽ tiếp tục kiểm tra tay nghề. Hình thức lấy điểm từ cao xuống thấp với số lượng bằng 110% chỉ tiêu từng ngành. Do Covid-19 gia tăng ca nhiễm, lao động dự thi sẽ đeo khẩu trang, khử khuẩn suốt quá trình làm bài. Người dương tính Covid-19 không được dự thi.
Để tránh gian lận, Cơ quan Phát triển nguồn nhân lực Hàn Quốc (HRD Korea) sẽ ra đề, vận hành phòng thi, bố trí giám thị. Bài thi được chấm tự động bằng máy tính. HRD Korea sẽ dùng dữ liệu tích hợp máy quét xác nhận vân tay, khuôn mặt thí sinh để đối chiếu.
Nếu bị phát hiện mang điện thoại, thiết bị thu phát sóng vào phòng thi, tráo đổi người để thi hộ, thí sinh sẽ bị hủy kết quả và cấm tham gia kỳ thi năng lực tiếng Hàn trong bốn năm, gấp đôi thời gian so với trước.
Hàn Quốc là thị trường xuất khẩu lao động của Việt Nam từ năm 1992. Hơn 90% người đi tuyển chọn từ chương trình EPS, bắt đầu từ năm 2004. Lao động chủ yếu là thuyền viên tàu cá, người có chuyên môn kỹ thuật; làm việc thời vụ nông nghiệp, thủy sản sang Hàn Quốc theo cơ chế hợp tác giữa địa phương hai nước. Lao động hiện có thu nhập dao động 1.400-1.800 USD mỗi tháng.
Do số lao động cư trú bất hợp pháp lớn, tám huyện tại bốn tỉnh đang bị tạm dừng tuyển lao động đi Hàn, gồm: TP Chí Linh (Hải Dương); Đông Sơn, Hoằng Hóa (Thanh Hóa); thị xã Cửa Lò, Nghi Lộc, Hưng Nguyên (Nghệ An) và Nghi Xuân, Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh). Những huyện này có trên 70 người cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc và trên 27% hết hạn hợp đồng không về nước.
Theo Vietnam+