Lao động có kỹ năng - cung chưa đủ cầu

04/10/2022 13:00

Doanh nghiệp trong tỉnh dần phục hồi và nhu cầu tuyển dụng nhân lực chất lượng cao phục vụ sản xuất khá lớn song việc tuyển dụng đang gặp nhiều khó khăn.


Nhiều doanh nghiệp trong tỉnh luôn "khát" lao động có tay nghề cao


Sau dịch Covid-19, doanh nghiệp dần phục hồi và nhu cầu tuyển dụng nhân lực chất lượng cao phục vụ sản xuất khá lớn. Thế nhưng, ngay thời điểm này doanh nghiệp muốn tuyển được lao động (LĐ) có kỹ năng không dễ.

Khó tuyển

Mặc dù thường xuyên đăng tuyển LĐ có trình độ từ sơ cấp nghề trở lên nhưng số người nộp hồ sơ ứng tuyển vào Công ty CP May Hải Anh (ở xã Bình Minh, Bình Giang) vẫn rất ít. Chị Đinh Thị Hiền, Trưởng Phòng Hành chính nhân sự công ty cho biết doanh nghiệp có nhu cầu tuyển khoảng 1.000 công nhân ngành may cho cả hai nhà máy ở Bình Giang và Ninh Giang. Trong số đó doanh nghiệp chỉ cần tuyển 10 LĐ có kỹ năng nghề từ sơ cấp trở lên nhưng cũng khó. Sau vài tháng đăng tuyển đến nay doanh nghiệp mới chỉ nhận được 2 hồ sơ. “Nhu cầu lớn nhưng để tuyển dụng được LĐ có tay nghề cao, nhất là những LĐ vừa có trình độ vừa có kỹ năng càng không dễ. Nguồn cung trong tỉnh hạn hẹp, doanh nghiệp phải cử người đến một số trường nghề ở Hà Nội và một số nơi khác tuyển dụng mà vẫn khó”, chị Hiền nói.

Nhân lực là vấn đề sống còn của doanh nghiệp, nhất là trong giai đoạn cần phục hồi nhanh, lấy lại đà tăng trưởng sau dịch bệnh như hiện nay. Ông Vũ Xuân Kiên, Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Du lịch và Công thương Hải Dương cho biết mỗi năm trường đào tạo khoảng 2.000 học sinh, sinh viên với 16 ngành, nghề chính. Nhà trường cũng đã liên kết với hơn 50 doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh cung ứng LĐ có trình độ từ sơ cấp nghề trở lên nhưng vẫn chưa đủ đáp ứng. Đợt vừa qua, nhà trường phải tổ chức 2 lần bế giảng để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp gặp gỡ, tuyển dụng lao động nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn chưa tuyển đủ.

Nguồn nhân lực chất lượng sẽ giúp doanh nghiệp đỡ mất thời gian đào tạo lại. Họ có thể bắt nhịp ngay với công việc. Nhiều sáng kiến, kinh nghiệm cải tiến dây chuyền, nâng cao năng suất lao động phần lớn do những LĐ có tay nghề cao đề xuất, thực hiện. Vì vậy, mỗi lần tuyển dụng doanh nghiệp đều ưu tiên tuyển những ứng viên có trình độ và tay nghề tốt.

Trường Cao đẳng Du lịch và Công thương Hải Dương liên kết với hơn 50 doanh nghiệp để đào tạo và cung ứng lao động


Liên kết “2 nhà”

Thời gian qua, các trường nghề trong tỉnh đã thực hiện phương châm đào tạo theo hướng “chuẩn đầu ra” nhưng tỷ lệ LĐ có trình độ, kỹ năng được tuyển dụng vào các doanh nghiệp vẫn chưa nhiều. Nguyên nhân đầu tiên là tỷ lệ học sinh học nghề ở tỉnh vẫn thấp. Theo khảo sát sơ bộ của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội thì tỷ lệ học sinh THCS được phân luồng đi học nghề của tỉnh từ năm 2018 đến nay mới đạt trên dưới 10%/năm. Tỷ lệ này quá ít để có thể đáp ứng yêu cầu nguồn nhân lực trình độ cho các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp của tỉnh. Mặt khác, chế độ đãi ngộ đối với LĐ có tay nghề của các doanh nghiệp vẫn chưa có sự khác biệt nhiều với LĐ phổ thông dẫn đến không ít người học nghề xong tìm cơ hội xuất khẩu LĐ hoặc tìm kiếm việc làm ngoài tỉnh.

Nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng, có trình độ tay nghề cao sẽ ngày càng tăng lên khi công nghệ sản xuất thay đổi, máy móc hiện đại thay thế LĐ thủ công nhiều hơn. Do đó, LĐ có kỹ năng sẽ có nhiều cơ hội việc làm tốt trong tương lai. Theo ông Vũ Xuân Kiên, để cung gặp cầu trong phát triển nguồn LĐ có tay nghề trước hết phải làm tốt được việc liên kết đào tạo, nhất là sự gắn kết chặt chẽ giữa “2 nhà” (nhà trường và doanh nghiệp). Nếu liên kết này được thực hiện hiệu quả thì trường nghề có đầu ra tốt cho sinh viên, học sinh trong khi doanh nghiệp không phải đôn đáo đi tìm LĐ có trình độ như hiện nay. “Hơn 50 doanh nghiệp mà nhà trường đang liên kết luôn được ưu tiên cung ứng, giới thiệu việc làm cho sinh viên, học sinh ngay sau khi tốt nghiệp. Họ sẽ không phải cạnh tranh với các doanh nghiệp khác trong tuyển dụng nguồn nhân lực có chất lượng”, ông Kiên nói.

Đề án “Phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu xây dựng tỉnh Hải Dương thành tỉnh công nghiệp hiện đại vào năm 2030” được coi là kim chỉ nam để địa phương quan tâm đến phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn LĐ có chất lượng. Để làm được điều này, công tác đào tạo phải gắn với yêu cầu thực tế của thị trường LĐ. Theo bà Trịnh Thị Diệu Hiền, cán bộ tuyển dụng nhân sự của Công ty TNHH Sees Vina (Tứ Kỳ), ngoài gắn kết thì sự đầu tư thỏa đáng của Nhà nước cho trường nghề cũng rất quan trọng. Học sinh, sinh viên học nghề cần có máy móc, dụng cụ hiện đại để thực hành, ứng dụng. Nếu các trường nghề được đầu tư bài bản thì nhất định sẽ thu hút ngày càng nhiều học viên và nguồn cung LĐ có chất lượng cũng sẽ dồi dào hơn. Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng cần thường xuyên mở các lớp đào tạo, nâng cao tay nghề cho người LĐ, giúp LĐ cập nhật công nghệ mới, nhân lên số người có kỹ năng, tay nghề, từ đó tăng năng suất, hiệu quả làm việc.

Theo Đề án "Phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu xây dựng tỉnh Hải Dương thành tỉnh công nghiệp hiện đại vào năm 2030”, tỉnh đặt mục tiêu đến năm 2025 tỷ lệ lao động qua đào tạo được cấp chứng chỉ đạt từ 33% trở lên. Phấn đấu ít nhất 85% số người học tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp có việc làm hoặc có năng suất, thu nhập cao hơn sau đào tạo.

HẢI MINH

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Lao động có kỹ năng - cung chưa đủ cầu