Chuyện những người gác chắn

04/04/2021 10:09

Công việc ẩn chứa nhiều nguy hiểm, thu nhập còn thấp nhưng những người làm nghề gác chắn tàu vẫn chấp nhận đánh đổi để thực hiện nhiệm vụ bảo đảm bình yên, an toàn cho mỗi chuyến tàu qua.


Nhiệm vụ chính của nhân viên gác chắn là bảo đảm an toàn cho người và các phương tiện giao thông khi qua đường ray

Bất kể nắng mưa, những nhân viên gác chắn đường tàu vẫn ngày đêm miệt mài làm việc. Để bảo đảm an toàn tuyệt đối cho những chuyến tàu và người dân, họ đã phải đánh đổi nhiều thứ, trong khi thu nhập còn rất thấp.

Không ngại hiểm nguy

Sau gần 1 giờ di chuyển trong mưa phùn dầm dề, những đoàn xe chở container trên quốc lộ 5 hất nước bắn tứ tung vào người, chúng tôi có mặt tại cổng làng Lương Xá Nam, xã Kim Liên (Kim Thành). Điều làm tôi không khỏi bất ngờ là bà Nguyễn Thị Nghị ở đội 1, thôn Lương Xá Nam vẫn nhận ra tôi dù chỉ gặp trước đó có một lần. “Để xe đấy! Vào đây cho đỡ mưa rét”, bà Nghị đon đả chào mời. Tôi nhanh chóng theo dáng người mảnh mai, gầy guộc ấy vào quán tạp hóa nhỏ nằm ven đường tàu. Chẳng ai dám nghĩ người phụ nữ nhỏ nhắn này lại gan dạ và có sức khỏe dẻo dai đến vậy khi đã từng kéo nhiều người từ “cõi chết” trở về. Theo lời kể của người dân trong thôn, có lần bà đã dũng cảm lao ra đứng giữa đầu xe ô tô để ngăn cản xe vượt qua đường ray khi tàu hỏa đang tiến đến gần. Nhờ đó mà 7 người trên xe may mắn thoát chết trong gang tấc.

Nhớ lại chuyện đó, bà Nghị cho biết hôm ấy bà được phân công trực tại gác chắn trước cổng làng Lương Xá Nam. Khoảng 11 giờ 15, bà ra hiệu cho mọi người tạm dừng di chuyển để cho đoàn tàu Hà Nội - Hải Phòng chạy qua. Khi đoàn tàu chỉ còn cách điểm sang đường khoảng 100 m thì bất ngờ một chiếc xe ô tô 7 chỗ lao tới định băng qua đường ray. Lúc này trong xe bật nhạc khá to nên mọi người gần đó ra sức cảnh báo nhưng không ai trong xe nghe thấy. Ngay lập tức, bà Nghị liền lao lên phía trước xe ô tô dang hai tay ra chặn lại. Chiếc xe dừng lại ngay mép đá, chỉ cách đường ray khoảng 2 m. “Nếu tôi không kịp thời ngăn lại thì chắc chắn 7 người trên xe ô tô đó sẽ gặp nạn. Trách nhiệm của tôi không chỉ là trực gác mà còn bảo vệ an toàn cho đoàn tàu cùng người dân và các phương tiện đi qua đường ray. Thấy người khác gặp nạn mà không ra tay cứu giúp thì vừa tội người ta mà lương tâm mình cũng day dứt”, bà Nghị nói.

Đó không phải lần đầu bà Nghị bất chấp nguy hiểm lao tới cứu người ngay trước mũi tàu hỏa. Trước đó không lâu, bà cũng từng cứu một người Trung Quốc ngay trên đường ray. Nếu hôm đó bà không nhanh trí lao tới ôm ngang bụng rồi dùng sức đẩy mạnh người đàn ông đó ra ngoài có lẽ người ấy đã bỏ mạng nơi đất khách quê người. Nhiều người coi bà là ân nhân nên muốn báo đáp, trả ơn nhưng bà kiên quyết từ chối bởi bà cũng từng được người khác cứu sống như thế. Chính chồng bà cũng mất vì tai nạn giao thông nên càng thôi thúc bà cứu người hơn. 

Khi nhắc lại những vụ tai nạn đường sắt thương tâm, bà Bùi Thị Sâm ở thôn Quỳnh Khê, xã Kim Xuyên (Kim Thành) không khỏi ngậm ngùi, xót xa. Gần 7 năm gắn bó với nghề, cứu được không ít người nhưng bà Sâm vẫn bất lực khi tận mắt chứng kiến 2 học sinh gặp nạn ngay trước mắt. Theo lời kể của bà Sâm, vào khoảng 17 giờ 15 ngày 16.7.2019, khi đang làm nhiệm vụ cảnh giới cho tàu qua thì bất ngờ có 2 học sinh phóng xe đạp điện đi tới. Lúc này tàu đã đến khá gần nhưng do mải nói chuyện nên 2 em không nhận thức được nguy hiểm cận kề. “Khu vực tôi quản lý không có rào chắn hay barie nên chỉ có thể kiểm soát được người bằng cờ lệnh và còi. Hôm đó khi thấy các cháu đi từ quốc lộ 5 vào làng tôi đã ra sức cảnh báo từ xa nhưng các cháu vẫn cố vượt qua đường ray. Cú va trực diện với lực đâm quá mạnh đã cướp đi mạng sống của cả 2 cháu. Đến giờ mỗi khi nhắc lại chuyện này tôi vẫn day dứt trong lòng”, bà Sâm kể.


Dù vất vả nhưng những nhân viên gác chắn vẫn kiên trì bám trụ với nghề và cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao

Vất vả trăm bề

Rời Kim Thành, tôi quay lại TP Hải Dương để gặp anh Đinh Đại Dương, nhân viên trạm chắn Đồng Niên (km 54+096). Nơi làm việc của anh chỉ là trạm gác nhỏ rộng khoảng 12 m2 nằm sát bên đường tàu. Từ trạm gác đến vật dụng trong trạm đều đã nhuốm màu thời gian. Gần 10 năm gắn bó với nghề nên mọi khó khăn, vất vả anh Dương đều đã từng trải qua. Khu vực anh phụ trách gần khu dân cư, khu công nghiệp có nhiều xe cộ qua lại nên công việc cũng vất vả hơn, nhất là tình trạng ùn tắc giao thông vào sáng sớm. Để bảo đảm an toàn cho người dân anh phải trực tiếp điều tiết giao thông, giảm thiểu ùn ứ trước khi tàu chạy qua.

Theo anh Dương, công việc chính của những người gác chắn là nghe điện thoại trực ban, ghi chép cẩn thận nhật ký thời gian tàu đến để kéo chắn ngang, bảo đảm an toàn cho người và các phương tiện giao thông khi qua điểm giao cắt. Nghe qua tưởng công việc đơn giản nhưng nhân viên gác chắn phải chịu áp lực rất lớn về thời gian và những quy định nghiêm ngặt trong nghề. Mỗi nhân viên gác chắn phải làm việc theo ca, mỗi ca kéo dài 12 tiếng. Khi đã nhận ca thì tuyệt đối không được rời trạm gác hoặc ngủ. “Công việc gác chắn đối mặt với rất nhiều áp lực. Không ít lần tôi gặp phải tình huống người dân cố tình vượt chắn, bất chấp tín hiệu cảnh báo để qua đường. Thậm chí nhiều người còn chửi bới, đe dọa, hành hung... Rồi những hôm thức thâu đêm đề phòng, đối phó với những thanh niên nghiện hút, say xỉn”, anh Dương chia sẻ.

Nghề gác chắn tàu không chỉ ẩn chứa nhiều nguy hiểm mà còn ảnh hưởng tới sức khỏe của nhân viên bởi trạm gác thường nằm gần khu vực đông dân cư, nhiều xe cộ qua lại, khói bụi mù mịt, âm thanh ồn ào... Việc thường xuyên thức đêm, phơi nắng, phơi mưa cũng làm cho nhân viên gác chắn bị mắc phải một số bệnh nghề nghiệp như mất ngủ, xoang, viêm phổi... Công việc tuy vất vả nhưng nhiều người vẫn chấp nhận đánh đổi để thực hiện nhiệm vụ bảo đảm bình yên, an toàn cho mỗi chuyến tàu qua.

Phố lên đèn, mọi người hối hả ngược xuôi trở về quây quần bên gia đình thì cũng là lúc chị Nguyễn Thị Hải, nhân viên trạm chắn Đồng Niên bắt đầu ca làm việc buổi tối. Sau khi đón một đoàn tàu qua an toàn, chị Hải mới bỏ phần cơm tối ra ăn. Chị Hải cho biết: "Ở thành phố trạm gác nào cũng gần khu dân cư nên lượng phương tiện lưu thông rất lớn. Mỗi khi tàu đi qua, mình vừa kéo rào chắn là họ ùa nhau chạy xe bất chấp nguy hiểm có thể xảy ra với bản thân và người xung quanh. Bởi thế, lúc nào chúng tôi cũng phải tập trung hết sức”, chị Hải chia sẻ.

Vì phải làm việc 12 tiếng mỗi ngày tại gác chắn nên chị Hải ít có thời gian chăm sóc gia đình. Gần đây do dịch Covid-19, các con được nghỉ học nên chị Hải phải gửi về cho ông bà. Có hôm bất đắc dĩ, chị phải đem con đến trạm gác vừa làm việc vừa trông con. “Vất vả là thế nhưng đồng lương của nhân viên gác chắn không cao, chỉ từ 4-5 triệu đồng/tháng. Còn như bà Sâm và bà Nghị chỉ được hỗ trợ 1 triệu đồng/người/tháng mà công việc cũng vất vả tương đương, thậm chí còn nguy hiểm hơn vì những nơi đó không có gác chắn”, chị Hải nói.

Đối với phụ nữ làm nghề gác chắn thì khoảng thời gian đáng sợ nhất là mỗi dịp Tết đến, xuân về. Công việc hầu như không có ngày nghỉ nên ai trong nghề cũng đã từng trải qua thời khắc đón giao thừa xa gia đình. Nhưng một khi đã gắn bó với nghề, dù vất vả mấy các chị cũng cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ vì an toàn cho mỗi chuyến tàu. Chị Hải chia sẻ: “Gần 10 năm gắn bó với nghề gác chắn thì có đến 6 năm tôi đón Tết xa nhà. Đêm giao thừa thấy mọi người đi qua gác chắn, cười nói vui vẻ, hay giữa những ồn ào, tấp nập nơi phố phường nhiều lúc cảm thấy chạnh lòng vô cùng. Nhưng được chồng và gia đình an ủi, động viên nhiều nên tôi có thêm nghị lực hoàn thành tốt công việc được giao”.

Nhìn gương mặt mệt mỏi, ánh mắt thâm quầng vì mất ngủ, làn da sạm đi vì mưa nắng của những nhân viên gác chắn, chúng tôi mới hiểu công việc mà họ làm vất vả, nguy hiểm đến nhường nào. Dù vậy, những người công nhân gác chắn vẫn luôn tận tâm với nghề, lạc quan yêu đời vì họ đã góp phần quan trọng mang lại sự an toàn cho hàng nghìn chuyến tàu ngược xuôi.

ÐỖ QUYẾT

(0) Bình luận
Chuyện những người gác chắn