Chiều 30.9, sau kỳ họp 39 tại Hà Nội, Ủy ban Kiểm tra trung ương đã phát thông báo đề nghị Ban Bí thư xem xét, thi hành kỷ luật Ban thường vụ Tỉnh ủy Khánh Hòa...
Khu đất tại P.Vĩnh Hòa được UBND tỉnh Khánh Hòa thanh toán cho Công ty CP Khách sạn Bến Du Thuyền làm dự án Trung tâm Bến du thuyền Hoàng Gia
Cụ thể, Ủy ban Kiểm tra trung ương đề nghị Ban Bí thư xem xét, thi hành kỷ luật Ban thường vụ Tỉnh ủy Khánh Hòa các nhiệm kỳ 2010 - 2015, 2015 - 2020, Ban cán sự Đảng UBND tỉnh Khánh Hòa các nhiệm kỳ 2011 - 2016, 2016 - 2021 và ông Nguyễn Chiến Thắng - cựu phó bí thư Tỉnh ủy, cựu chủ tịch UBND tỉnh; ông Lê Đức Vinh - phó bí thư Tỉnh ủy, chủ tịch UBND tỉnh và ông Đào Công Thiên - phó chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa.
Gây thiệt hại khoảng 16.559 tỉ đồng
Ngoài ra, Ủy ban Kiểm tra trung ương cũng quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo ông Trần Sơn Hải, cựu phó chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa. Riêng trường hợp ông Lê Thanh Quang - ủy viên Trung ương Đảng, bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa - có vi phạm, khuyết điểm rất nghiêm trọng.
Tuy nhiên, do ông Quang đang mắc bệnh hiểm nghèo, ủy ban chưa xem xét, xử lý kỷ luật theo quy định.
Vậy, lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa các nhiệm kỳ trên đã vi phạm những gì để dẫn đến các mức kỷ luật?
Theo tài liệu của Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Chiến Thắng làm chủ tịch UBND tỉnh nhiệm kỳ 2011-2016 và nhiệm kỳ 2016-2021 do ông Lê Đức Vinh làm chủ tịch UBND tỉnh.
Ủy ban Kiểm tra trung ương đã chỉ rõ Ban cán sự Đảng UBND tỉnh Khánh Hòa trong hai nhiệm kỳ trên đã có vi phạm rất nghiêm trọng.
Theo tài liệu Tuổi Trẻ có được, Ban cán sự Đảng UBND tỉnh Khánh Hòa giai đoạn trên đã không xin chủ trương của Ban thường vụ Tỉnh ủy nhưng đã cho triển khai 29 dự án, không trình xin ý kiến của Thường trực Tỉnh ủy khi triển khai 16 dự án.
Còn Ban thường vụ Tỉnh ủy Khánh Hòa đã cho chủ trương để UBND tỉnh cho triển khai 42 dự án không đúng quy định và thẩm quyền.
Và chỉ riêng vi phạm về đất đai ở Khánh Hòa đã gây thất thoát rất lớn cho ngân sách của Nhà nước. Cụ thể, kiểm tra 23 dự án, cơ quan chức năng kết luận có 20 dự án vi phạm, gây thiệt hại ít nhất 16.559 tỉ đồng.
Trong số này, riêng dự án trung tâm đô thị - thương mại - dịch vụ - tài chính - du lịch Nha Trang (khu đất sân bay Nha Trang cũ) do vi phạm của lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa đã gây thiệt hại ngân sách nhà nước ít nhất 11.994 tỉ đồng.
Ngoài ra còn có 19 dự án gây thất thoát ít nhất 4.565 tỉ đồng do tỉnh phê duyệt giá đất dự án thấp hơn đơn giá đất của Nhà nước, phê duyệt tỉ lệ giảm giá đất với lý do mật độ xây dựng, thời gian thi công kéo dài, diện tích đất lớn; miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, không tính tiền sử dụng đất, không tính tiền chậm nộp, trái quy định của pháp luật.
Vị trí của Trường Chính trị Khánh Hòa (cũ) đã được giao cho nhà đầu tư để hoàn vốn dự án BT xây dựng Trường Chính trị Khánh Hòa mới, hiện nay được xây dựng thành 2 cao ốc của tổ hợp Gold Coast
Thất thoát lớn trong các dự án BT
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Chiến Thắng đã thừa nhận rằng vi phạm lớn chủ yếu thuộc về các dự án BT (xây dựng - chuyển giao).
Cụ thể như tài liệu Tuổi Trẻ thu thập được, hai dự án BT là xây dựng mới Trường Chính trị tỉnh Khánh Hòa và ký túc xá Trường Chính trị Khánh Hòa đều có vi phạm. Theo tài liệu, dự án xây dựng mới Trường Chính trị tỉnh không thuộc danh mục cấp bách theo quy định, nhưng ngày 25.5.2011, UBND tỉnh vẫn có tờ trình gửi Thủ tướng để xin chỉ định nhà đầu tư.
Năm 2014, ông Nguyễn Chiến Thắng, lúc đó là chủ tịch UBND tỉnh, đã ký văn bản cho Công ty CP Thanh Yến (huyện Bến Lức, tỉnh Long An) thực hiện dự án BT xây dựng Trường Chính trị Khánh Hòa ở ngoại thành Nha Trang với tổng mức đầu tư 149 tỉ đồng. Đổi lại, Công ty CP Thanh Yến được hoàn vốn bằng quỹ đất của Trường Chính trị cũ tại số 01 Trần Hưng Đạo (Nha Trang).
Tháng 2.2016, ông Đào Công Thiên - phó chủ tịch UBND tỉnh - ký quyết định thu hồi toàn bộ 7.388m2 đất do Trường Chính trị quản lý tại số 01 Trần Hưng Đạo, giao cho Công ty Thanh Yến thực hiện dự án khu phức hợp thương mại - dịch vụ - y tế - văn phòng - khách sạn - nhà ở chung cư Nha Trang Center 2 để bán (sau đổi tên là Gold Coast).
"Sổ đỏ" khu đất này được cấp cho Công ty Thanh Yến ghi rõ trong số này có 4.440m2 đất ở đô thị được Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất, gần 3.000m2 còn lại là đất thương mại dịch vụ Nhà nước cho thuê đất trả tiền một lần.
Điều đáng nói là vào tháng 7.2016, UBND tỉnh Khánh Hòa phê duyệt giá khu "đất vàng" hoàn vốn cho Công ty Thanh Yến (với đất ở lâu dài tại đây) chỉ chưa đến 22,5 triệu đồng/m2; toàn bộ diện tích đất thương mại, dịch vụ còn lại có giá 7,8 triệu đồng/m2. Vào thời điểm đó, giá đất ở mặt tiền đường Trần Hưng Đạo được rao trên các sàn giao dịch bất động sản là 380-400 triệu đồng/m2.
Hơn nữa việc đổi khu đất vàng ngay giữa Nha Trang để làm Trường Chính trị mới ở ngoại thành nhưng sau đó tỉnh không còn tiền để làm ký túc xá Trường Chính trị. Do đó tháng 9-2016, UBND tỉnh Khánh Hòa đã ký hợp đồng BT với Công ty CP Khách sạn bến du thuyền (Nha Trang) làm dự án khu ký túc xá Trường Chính trị mới gồm 94 phòng.
Dù dự án có mức đầu tư 75 tỉ đồng nhưng UBND tỉnh Khánh Hòa không tổ chức đấu thầu mà chỉ định luôn nhà đầu tư nêu trên. Tỉnh hoàn vốn cho nhà đầu tư bằng cách giao và cho thuê hơn 18.000m2 đất tại P.Vĩnh Hòa (Nha Trang) để nhà đầu tư thực hiện dự án trung tâm bến du thuyền Hoàng Gia.
Vi phạm cũng xảy ra trong quá trình giao đất và thực hiện các dự án BT đối với Công ty CP Khách sạn bến du thuyền. Tháng 12.2015, UBND tỉnh Khánh Hòa giao và cho thuê hơn 47.000m2 đất tại P.Vĩnh Hòa để Công ty Khách sạn bến du thuyền làm dự án trung tâm bến du thuyền Hoàng Gia mà không tổ chức đấu giá đất.
Đến một năm rưỡi sau, tháng 6.2017, UBND tỉnh có quyết định điều chỉnh quyết định giao đất trước đó cho công ty trên. Theo đó, ngoài hơn 18.000m2 đất ở P.Vĩnh Hòa được giao để hoàn vốn dự án BT ký túc xá Trường Chính trị, tỉnh còn giao hơn 9.800m2 "đất ở - đất ở không hình thành đơn vị ở" tại khu vực này để hoàn vốn cho dự án BT mở rộng nâng cấp đường Mai Xuân Thưởng.
Điều đáng nói là dự án nâng cấp, mở rộng đường Mai Xuân Thưởng đã được làm xong và đưa vào hoạt động tháng 6.2014, nhưng mãi đến ngày 1.4.2015 UBND tỉnh Khánh Hòa mới ký hợp đồng BT với nhà đầu tư trên để... làm đường này với giá trị hơn 45 tỉ đồng.
Ngoài ra, tỉnh duyệt giá thu tiền sử dụng "đất ở - đất không hình thành đơn vị ở" cho 9.800m2 đất mặt tiền hướng biển đường Phạm Văn Đồng này chỉ hơn 4,7 triệu đồng/m2. Trong khi cùng thời điểm, giá đất ở thị trường khu vực trên cao gấp hàng chục lần!
Vi phạm cụ thể của dự án trong sân bay Nha Trang Hạ tầng của các phân khu thuộc dự án trung tâm đô thị sân bay Nha Trang đã hoàn tất Tỉnh Khánh Hòa cho thực hiện dự án khu trung tâm đô thị - thương mại - dịch vụ - tài chính - du lịch Nha Trang có nhiều vi phạm nghiêm trọng. Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ, năm 2015, Thủ tướng đồng ý cho tỉnh Khánh Hòa xây dựng khu đô thị hành chính ở xã Vĩnh Thái (TP Nha Trang) theo hình thức BT. Trong đó có trung tâm hành chính mới tập trung khoảng 100 cơ quan của tỉnh về làm việc. Thời điểm đó, UBND tỉnh Khánh Hòa có chủ trương giao một phần đất trong sân bay Nha Trang (sau khi được Bộ Quốc phòng bàn giao về cho tỉnh quản lý) cho Công ty CP Tập đoàn Phúc Sơn để hoàn vốn cho dự án BT (dự kiến) hạ tầng khu đô thị hành chính... Tuy nhiên, tháng 11-2015, Thủ tướng chỉ đạo các địa phương tạm dừng triển khai xây dựng trung tâm hành chính tập trung. Do đó các kế hoạch xây dựng khu đô thị hành chính, trung tâm hành chính mới của tỉnh Khánh Hòa cũng dừng lại. Không còn dự án BT hạ tầng khu đô thị hành chính mới, nhưng ngày 28-10-2016, UBND tỉnh Khánh Hòa vẫn có quyết định thu hồi để giao và cho thuê hơn 62,3ha đất sân bay Nha Trang vừa được Bộ Quốc phòng chuyển giao, được ví như "đất kim cương", cho Phúc Sơn để làm 3 phân khu của dự án khu trung tâm đô thị - dịch vụ - tài chính - du lịch Nha Trang (gọi tắt là dự án trung tâm đô thị sân bay Nha Trang). Cụ thể, UBND tỉnh Khánh Hòa đã giao đất có thu tiền sử dụng đối với 24,3ha đất ở đô thị và đất ở đô thị không hình thành đơn vị ở; giao hơn 36,2ha đất không thu tiền sử dụng đất vì để làm công trình công cộng; giao hơn 1,2ha đất không thu tiền để làm khu tái định cư và cho thuê hơn 0,5ha đất thương mại dịch vụ trả tiền thuê đất một lần. Theo một chuyên gia pháp lý, với đất sạch ở sân bay Nha Trang và trung tâm đô thị sân bay Nha Trang là dự án bất động sản có vốn đầu tư lớn, theo quy định của pháp luật UBND tỉnh Khánh Hòa phải tổ chức đấu giá đất và đấu thầu dự án. Và theo tài liệu mà Tuổi Trẻ thu thập được, cơ quan chức năng đã kết luận chính việc UBND tỉnh Khánh Hòa có quyết định giao đất, cho thuê đất và bàn giao đất cho Phúc Sơn để thực hiện dự án đã gây thất thoát cho ngân sách nhà nước ít nhất 11.994 tỉ đồng. Trong thực tế, tỉnh Khánh Hòa đã áp dụng "quy trình ngược": giao đất trước rồi mới ký hợp đồng BT với Phúc Sơn sau, hay nói đúng hơn là hợp thức hóa việc giao đất không đúng bằng việc sử dụng đất này để hoàn vốn. Như đã nêu, cuối năm 2016, tỉnh giao 62,3ha đất sân bay Nha Trang cho Phúc Sơn làm dự án. Năm 2017, Thủ tướng mới đồng ý cho Khánh Hòa được chỉ định nhà đầu tư thực hiện 3 dự án BT: các tuyến đường, các nút giao thông kết nối khu sân bay Nha Trang (1.015 tỉ đồng); nút giao Ngọc Hội (1.351 tỉ đồng); đường vành đai kết nối nút giao Ngọc Hội (1.196 tỉ đồng). Đến tháng 11-2017, UBND tỉnh mới ủy quyền cho Ban quản lý dự án phát triển Khánh Hòa và Ban quản lý dự án các công trình giao thông ký hợp đồng BT 3 dự án giao thông nêu trên với Phúc Sơn. Trước đó ngày 25-7-2017, UBND tỉnh Khánh Hòa đã có quyết định điều chỉnh quyết định giao và cho thuê đất sân bay Nha Trang ngày 28-10-2016 cho Phúc Sơn. Cụ thể, khi ấy tỉnh chuyển hơn 62,3ha đất đã giao 1 năm trước đó cho Phúc Sơn để hoàn vốn cho 3 dự án BT được ký kết vào tháng 11-2017. UBND tỉnh Khánh Hòa "tạm tính" sử dụng 20,14ha đất trong sân bay với tổng giá trị hơn 3.261 tỉ đồng để hoàn vốn cho Phúc Sơn. |
Theo Tuổi trẻ