Làng tôi xưa, một làng quê nghèo xa chợ, xa phố thị, xa đường cái quan...
"...Làng tôi sau lũy tre mờ xa...”. Chẳng biết tự khi nào, câu hát ấy cứ ngân lên trong tôi mỗi khi nghĩ đến quê hương, nghĩ đến làng quê của mình. Quê hương lúc nào cũng thanh bình, đầm ấm, chứa đựng những kỷ niệm thân thương về những năm tháng tuổi thơ. Đây dãy ao đình ngụp lặn bơi lội ngày bé. Kia cánh đồng lúc nhỏ chăn trâu, mò cua, bắt cá. Và, hôm nay giữa mênh mông cánh đồng lúa tôi miên man nghĩ về làng qua những tháng năm.
Làng tôi xưa, một làng quê nghèo xa chợ, xa phố thị, xa đường cái quan, nằm lọt thỏm chơ vơ giữa cánh đồng khô cằn, đất thôi chua bạc màu, động mưa là úng, động nắng là hạn, mỗi năm chỉ cấy được một vụ lúa - vụ mùa. Vụ chiêm, do khô hạn, làng chỉ cấy mấy sào ruộng cạnh chân tre quanh ao làng, còn cả cánh đồng ruộng bỏ hoang cho chuột làm tổ. Sau vụ gặt tháng mười, người làng tản mát mỗi người một nơi kiếm sống. Người lên mạn ngược mua sắm, đong ngô, người sang các làng khác làm thuê, đào ao, vác đất, người đi săn chuột, bắt lươn. Làng nghèo, trận đói năm Ất Dậu, nhiều người chết đói.
Cách mạng Tháng Tám về, làng vui như hội. Cờ đỏ sao vàng rợp trời, đình làng vang vang tiếng hát, tiếng trống thúc giục mọi người: “Đoàn quân Việt Nam đi sao vàng phấp phới, dắt giống nòi quê hương qua nơi lầm than...”.
Theo tiếng hát, thanh niên trai tráng, dân đinh trong làng vai vác cờ đỏ sao vàng cùng nhau đi lên Kẻ Sặt dự mít tinh ủng hộ Việt Minh, ủng hộ chính quyền cách mạng mới về tay nhân dân. Những ngày đó làng tôi sáng bừng lên. Các đoàn thể Thanh niên cứu quốc, Phụ nữ cứu quốc, tối đến tập trung ở sân đình tập múa, hát. Làng quê yên bình được một thời gian rồi kháng chiến bùng nổ, giặc Pháp kéo về chiếm đóng bốt Phủ, lập hội tề, bắt dân làng phá đình, dỡ chùa, chặt tre đi phu xây bốt, lập đồn. Làng tôi quyết không lập hội tề, rào làng, đào hào lập làng kháng chiến. Nhiều lần giặc Pháp đi càn đến đây đều bị dân quân du kích của làng tôi đánh bật, chúng không dám vào làng.
Hòa bình lập lại, theo lời Đảng gọi, dân làng tôi cùng với các làng đi dân công, có đến hàng vạn người tập trung đào sông trung thủy nông nằm trong hệ thống Bắc Hưng Hải đưa nước về đồng. Có nước về, làng tôi vui như mở hội, đồng ruộng được chỉnh trang lại, cấy hai vụ lúa. Lúa chiêm, lúa mùa và xen canh cây vụ đông.
Theo thời gian, cuộc sống khấm khá dần lên. Điện, nước sạch về tận làng. Làng tôi đổi mới nhiều lắm, trước nằm mơ cũng không thấy được. Con đường từ Phủ cũ xuống Cậy trước kia nhỏ hẹp được thay bằng đường nhựa rộng rãi thênh thang, người xe đi lại tấp nập ngày đêm.
Hưởng ứng phong trào xây dựng nông thôn mới, đồng ruộng được quy hoạch lại, hình thành những cánh đồng mẫu lớn, đưa giống mới vào gieo trồng, năng suất, chất lượng ngày một cao. Người nông dân bớt vất vả khi có máy làm đất, máy cấy, hệ thống tưới tiêu tự động, máy gặt đập liên hoàn.
Nhiều ngôi nhà mới khang trang mọc lên. Các trường học, trạm y tế xã, hội trường, trụ sở Đảng ủy, UBND xã... cứ ngời lên trong sắc nắng mùa thu. Cánh đồng phía trước ao đình, lối lên làng trên, quặt sang phía đông ôm vòng cả phía đông bắc làng được quy hoạch lại lập thành khu đô thị mới. Đường dẫn vào khu đô thị đổ bê tông, mặt đường rộng hơn bảy mét, đủ để hai làn xe đi lại. Xen kẽ với trục đường chính là đường nhánh, phân theo từng khu nhỏ, có sân chơi, vườn hoa, chia lô. Đây là quỹ đất để giãn dân, tái định cư cho khu công nghiệp mở rộng. Nông thôn đang trở thành thành thị, huyện trở thành thị xã nay mai. Làng tôi nằm cạnh vùng quy hoạch khu công nghiệp động lực phát triển kinh tế của tỉnh. Nghĩ về làng, về quê hương lòng rạo rực, đằm thắm hơn: “Quê hương mỗi người chỉ một, như là chỉ một mẹ thôi. Quê hương nếu ai không nhớ, sẽ không lớn nổi thành người...”
Trong những ngày kỷ niệm Cách mạng Tháng Tám, Quốc khánh 2.9, nỗi nhớ làng, nhớ quê trong lòng tôi nhân lên gấp bội, điện về làng cho gia đình, người thân, hỏi thăm sức khỏe, nhắc nhau giãn cách chung tay phòng chống, đẩy lùi dịch bệnh Covid-19.
Làng tôi đó, sáng bừng lên trong sắc nắng mùa thu.
Tản văn của VŨ HOÀNG