Cây di sản làng tôi là cây bồ đề cổ thụ, phải 5-7 người ôm mới xuể.
Tuổi thơ của tôi gắn liền với cây gạo và cây bồ đề cổ thụ trước cổng nhà. Tôi không biết hai cây có từ bao giờ, chỉ nhớ khi cụ tôi còn sống thường kể, khi cụ về làm dâu thì cây đã to như vậy rồi! Nhưng giờ đây cây gạo đã chết, chỉ còn lại cây bồ đề.
Cây bồ đề cao lớn, thân to 5-7 người ôm không hết. Khi mùa xuân đến, cây khoác lên mình một “chiếc áo” mơn mởn, nõn nà. Mùa đông thì cây trơ trụi hết lá để lộ từng tổ ong, tổ kiến, tổ chim làm nhà trên cành cây, thân cây. Lá và quả rụng đầy cổng, làm mồi ngon nhử từng đàn ruồi, đàn ong gọi nhau kéo đến.
Cây được coi như “chứng nhân lịch sử” với biết bao thăng trầm của làng Đại Uyên (xã Bạch Đằng, Kinh Môn) từ thời phong kiến, chiến tranh chống thực dân Pháp và ngày nay. Một điều thật đặc biệt là làng tôi đã trải qua chiến tranh ác liệt, với sự phá phách tàn bạo, với bom rơi, đạn lạc của quân địch nhưng không làm khuất phục được cây. Cây vẫn xanh tốt, sừng sững, hiên ngang giữa trời xanh, mặc cho thời thế, mặc cho mưa bão dầm sương như một biểu tượng sáng ngời cho tinh thần, cốt cách, ý chí quật cường của người nông dân “hai sương, một nắng” quê tôi.
Nhà cũ của tôi khá nhỏ mà có đến 5 thành viên. Ngày bé, tôi và anh trai thường ngủ ở phòng ngoài, nơi rất gần với cây bồ đề cổ thụ. Đêm hè nóng nực, anh em chúng tôi thường mở toang cánh cửa sổ để đón nhận cơn gió trời mát rười rượi và đón những luồng không khí khoan khoái, dễ chịu từ cây. Những ngày mưa bão, mẹ tôi thường bảo anh em tôi vào giường trong ngủ vì sợ cành cây đổ vào trần nhà. Lo lắng đó của mẹ tôi không phải không có cơ sở, vì nhà hàng xóm đã từng bị cành cây bồ đề rơi vào.
Những “phiền toái” đó không làm những nhà cạnh cây cổ thụ phiền lòng, trái lại, ai ai cũng tự hào vì được sống cạnh gốc cây này. Người dân các xóm hay các thôn khác đều gọi xóm tôi là xóm cây bồ đề hay xóm cây gạo, mặc dù cụm từ này không xuất hiện trong bất cứ văn bản hành chính nào.
Vừa rồi về quê, tôi đã thấy niềm vui, sự hân hoan, hạnh phúc của người dân quê tôi khi biết tin cây bồ đề đã chính thức được công nhận là Cây di sản Việt Nam. Điều vui mừng được nhân lên gấp bội khi tôi biết, đây là Cây di sản Việt Nam đầu tiên của thị xã Kinh Môn.
Với tôi, mỗi lần về quê, trèo lên mái nhà cũ để ngắm cây bồ đề được gần hơn, kỹ hơn, để cùng nghe “nhịp thở” của cây, để cùng hòa mình vào “bản hòa ca” của các loài chim trú ngụ trên thân cây linh thiêng này là một điều hạnh phúc. Tôi thoáng chút buồn khi dấu tích của gốc cây gạo vẫn còn đó mà cây đã không thể đợi đến ngày chứng kiến “người bạn tâm giao” của mình được vinh danh là Cây di sản Việt Nam.