Có lẽ, không có dự án nào của Bộ Giao thông vận tải mà lại nhận được sự đồng thuận trong cả nước như dự án thu phí không dừng (ETC). Và cũng có lẽ, không dự án nào lại có sự kéo dài, "chây ỳ" như dự án này.
Câu hỏi được đặt ra, liệu ở đây có sự khuất tất gì chăng khi các hợp đồng được ký kết một cách không rõ ràng, công khai, minh bạch và kéo theo đó là hệ lụy như kiểu há miệng mắc quai, để mặc cho chủ các đầu tư dự án BOT điều khiển theo ý mình?
Người dân có quyền nghi ngờ điều đó, bởi các vướng mắc trong khâu thực hiện dự án do chủ đầu tư các dự án BOT nêu ra, đều đã được chính Thủ tướng Chính phủ trực tiếp đứng ra đôn đốc các bộ ngành liên quan khẩn trương rà soát và tháo gỡ mọi vướng mắc nếu có, nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất để đưa dự án sớm hoàn tất theo lộ trình. Cả những chỉ đạo mang tính quyết liệt như tạm dừng hoạt động thu phí nếu để chậm trễ tiến độ.
Nhưng đến thời điểm hiện nay, theo thống kê gần đây nhất của Cục Quản lý đường bộ, hiện có khoảng 2,7 triệu trong tổng số gần 5 triệu phương tiện được dán thẻ ETC, tuy nhiên chỉ có 60% đã nạp tiền vào tài khoản. Như vậy, tỉ lệ và thực tế số phương tiện sử dụng thẻ ETC vẫn còn thấp.
Hiện nay ở hầu hết các trạm BOT trên cả nước, sự phân biệt giữa các làn ETC và thu phí hỗn hợp chỉ khác nhau ở bảng điện tử có hiển thị dòng chữ "làn ETC" gắn trên đó, còn lại phương pháp thu phí ở các làn vẫn như cũ, đều là thủ công, mua vé và nhận vé trực tiếp.
Đây cũng chính là nguyên nhân dẫn đến tâm lý của các chủ phương tiện hiện nay, dán hay không dán thẻ ETC thì khi qua các trạm BOT vẫn đều như nhau, vẫn phải xếp hàng chờ đến lượt, mà đi chuyến nào trả tiền chuyến đó lại còn chắc ăn hơn. Đấy là chưa nói đến sự đồng bộ về thẻ ETC, khi hiện nay hầu hết những trạm BOT đều chưa chấp nhận thanh toán qua thẻ khác. Nên dù có dán mà không đúng thì cũng vẫn phải trả tiền mặt.
Khi được hỏi tại sao vẫn bán vé thủ công ở làn ETC, nhân viên các trạm BOT lý giải khi nhiều xe tại trạm, một số tài xế dù không dán thẻ ETC vẫn cố tình đi vào, nếu không chấp nhận thì xe cũng không thể quay đầu hoặc lùi lại để chuyển làn, nên phải linh động giải quyết, xe sau thấy thế nên cũng đi vào.
Nên chăng trong lần sửa đổi Luật Giao thông đường bộ lần tới, Quốc hội cần đưa chế tài này vào luật, như vậy tài xế mới không cố tình vi phạm và trạm BOT cũng không thể lấy đó làm lý do cho sự sai trái của mình. Luật cũng cần có thêm điều khoản mới, như phải dán thẻ mới được phép đăng kiểm, lưu hành, như đã từng áp dụng đối với dự án gắn thiết bị giám sát hành trình trước đây trên phương tiện đăng ký kinh doanh.
Theo chỉ đạo mới nhất của nội dung công điện 155, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải phối hợp với các cơ quan liên quan phải thực hiện nghiêm túc việc thực hiện thu phí không dừng, để đến thời hạn cuối là 1-6-2022 sẽ xóa bỏ hoàn toàn hình thức thu phí thủ công.
Lại lần nữa chúng ta hy vọng, đây sẽ là lần gia hạn cuối cùng.
Theo Người Lao động