Làm việc trong doanh nghiệp siêu nhỏ: Người lao động không được tham gia bảo hiểm xã hội

09/08/2017 08:13

Nhiều người lao động chấp nhận, bằng lòng với những thỏa thuận của doanh nghiệp mà không biết rằng mình đang bị vi phạm quyền lợi.




Chủ doanh nghiệp siêu nhỏ thường chỉ ký hợp đồng lao động dưới 3 tháng với
người lao động để không phải đóng bảo hiểm xã hội cho họ


Hiện nay có không ít doanh nghiệp siêu nhỏ (dưới 10 lao động) ở Hải Dương không tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc cho người lao động (NLĐ). Nhiều NLĐ cũng chấp nhận, bằng lòng với những thỏa thuận của doanh nghiệp mà không biết rằng mình đang bị vi phạm quyền lợi.

Không ký hợp đồng lao động

Gần đây, tại một hội thảo về tư vấn pháp luật cho NLĐ do Liên đoàn Lao động tỉnh tổ chức, ông Vũ Đức Khiên, Trưởng Phòng Khai thác và thu nợ BHXH tỉnh cho biết hiện ở tỉnh ta vẫn có hơn 2.000 doanh nghiệp siêu nhỏ không tham gia BHXH cho NLĐ. Theo quy định của Luật BHXH, đây là nhóm đối tượng thuộc diện đóng BHXH bắt buộc.

Để không đóng BHXH cho NLĐ, các doanh nghiệp siêu nhỏ thường chỉ thuê lao động mang tính tạm thời, ký hợp đồng ngắn hạn (dưới 3 tháng). Thậm chí, hầu hết doanh nghiệp siêu nhỏ cố tình không ký hợp đồng lao động, chỉ thỏa thuận miệng về tiền công với NLĐ. Hành động này vừa để NLĐ không có căn cứ đòi hỏi quyền lợi vừa có thể đối phó với cơ quan chức năng khi bị thanh tra, kiểm tra việc đóng BHXH cho NLĐ.

Anh Hoàng Trung Giang ở khu 2, phường Thanh Bình làm việc tại một xưởng cơ khí chuyên gia công, lắp ráp biển hiệu cho các cửa hàng ở phường Hải Tân (cùng TP Hải Dương). Anh Giang đến đây làm việc qua sự giới thiệu của người quen. Sau một tháng thử việc anh được nhận vào làm. Hai bên chỉ thỏa thuận bằng miệng về tiền công với nhau chứ không ký kết hợp đồng lao động. Những ngày xưởng nhỡ việc, chủ cơ sở trả tiền công tương đương 70% so với ngày đi làm. Anh Giang đã làm việc như thế được hơn 2 năm nay. Ngoài tiền công tính theo ngày anh không được hưởng thêm bất kỳ chế độ nào khác. Anh Giang cũng như  4 người cùng làm không được tham gia BHXH.

Tương tự, anh Nguyễn Văn Sỹ ở xã Quảng Nghiệp (Tứ Kỳ) đang làm việc cho một công ty TNHH chuyên gia công, lắp đặt các công trình điện chiếu sáng ở TP Hải Dương. Chủ công ty chỉ thỏa thuận miệng với anh Sỹ và mấy người cùng làm về tiền công theo ngày. Anh Sỹ cho biết chỉ khi nào chủ công ty nhận được công trình thì anh và mọi người mới có việc làm. Tuy nhiên, cũng có thời điểm nhiều việc, các anh làm triền miên. Nhưng vì không có hợp đồng lao động và mọi người cũng đồng ý với mức thỏa thuận tiền công trước đó, nên dù đã gắn bó với công ty nhiều năm nhưng không ai được chủ doanh nghiệp hỗ trợ tham gia BHXH.

Tăng cường kiểm tra, xử lý

Lý giải việc không tham gia BHXH cho NLĐ, một chủ cơ sở sản xuất, gia công giày dép ở xã Hoàng Diệu (Gia Lộc) hiện có khoảng 10 lao động cho biết NLĐ làm việc ở đây thường không gắn bó lâu dài. Sau một khoảng thời gian khi đã lành nghề họ nhận hàng về nhà gia công nên không tính là NLĐ tại cơ sở nữa. Tiền công được trả theo từng sản phẩm cụ thể, đáp ứng đúng mặt bằng sản xuất chung tại địa phương. Do đó, NLĐ khá thỏa mãn với thù lao nhận được nên cũng không đòi hỏi phải đóng BHXH.

Ngay cả anh Giang, anh Sỹ và đồng nghiệp của các anh cũng có tư tưởng tương tự. Họ khá thỏa mãn với cách trả công của chủ doanh nghiệp và không đòi hỏi việc đóng BHXH. Bởi thực tế, họ rất sợ nếu đề xuất đóng BHXH thì chủ sử dụng lao động sẽ không thuê họ làm nữa. Nhiều người không hiểu rằng đây là quyền lợi của mình theo quy định của pháp luật chứ không phải là yêu sách làm khó chủ doanh nghiệp. Ngoài ra, nhiều người cho rằng khi đóng BHXH cũng sẽ phải trích một phần thu nhập trước mắt của mình nên không mặn mà.

Để giúp NLĐ hiểu rõ quyền lợi của mình và buộc những doanh nghiệp siêu nhỏ thực hiện đúng quy định tham gia BHXH cho họ là vấn đề khá nan giải. Do số lượng nhân sự có hạn nên việc thanh tra, kiểm tra của cơ quan chức năng không thể thường xuyên, liên tục. Những doanh nghiệp siêu nhỏ hiện cũng không thuộc nhóm doanh nghiệp bắt buộc phải vận động thành lập tổ chức công đoàn. Chính vì không có sự giám sát của tổ chức bảo vệ quyền lợi cho NLĐ nên chủ doanh nghiệp càng dễ "lừa" NLĐ, không tham gia BHXH cho họ.

Từ thực tế này cho thấy các cơ quan chức năng cần tăng cường phối hợp thanh tra, kiểm tra việc đóng BHXH cho NLĐ ở các doanh nghiệp siêu nhỏ. Tích cực tuyên truyền về kiến thức pháp luật lao động cho NLĐ làm việc ở khu vực doanh nghiệp này. Hạn chế tối đa tình trạng NLĐ tự thỏa hiệp với chủ doanh nghiệp để họ ngang nhiên vi phạm quyền lợi đối với NLĐ. Đặc biệt, từ ngày 1.1.2018, theo quy định, doanh nghiệp phải đóng BHXH bắt buộc cho NLĐ làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 1 tháng đến dưới 3 tháng. Nhóm đối tượng này trước đây chưa thuộc diện phải đóng BHXH bắt buộc và những doanh nghiệp siêu nhỏ cũng sẽ dễ "lơ" đi việc đóng BHXH cho họ.

Nghị định 88/2015/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 95/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, BHXH, đưa NLĐ Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, phạt tiền với mức từ 18-20% tổng số tiền phải đóng BHXH bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp tại thời điểm lập biên bản vi phạm hành chính nhưng tối đa không quá 75 triệu đồng đối với người sử dụng lao động không đóng BHXH bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp cho toàn bộ NLĐ thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp. Ngoài ra, doanh nghiệp còn bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả như buộc truy nộp số tiền BHXH bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp chưa đóng, chậm đóng đối với hành vi vi phạm quy định tại các khoản 1, 2 và 3 thuộc điều 26; buộc đóng số tiền lãi của số tiền BHXH bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp chưa đóng, chậm đóng theo mức lãi suất của hoạt động đầu tư từ Quỹ BHXH trong năm đối với vi phạm quy định tại các khoản 2 và 3 điều 26 của nghị định này.

NGỌC THANH

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Làm việc trong doanh nghiệp siêu nhỏ: Người lao động không được tham gia bảo hiểm xã hội