Trong bối cảnh quá trình chuyển đổi số ở Hải Dương đang diễn ra mạnh mẽ, việc lựa chọn sử dụng các phần mềm thông minh, tiện lợi và hiệu quả lâu dài, tránh lãng phí là vấn đề đáng quan tâm.
Năm học mới vừa bắt đầu, cô giáo chủ nhiệm lớp con gái tôi thông báo năm nay thay vì dùng ứng dụng edu.one để nhận thông tin từ phía nhà trường, phụ huynh cần cài đặt ứng dụng mới eNetViet.
Tôi thắc mắc vì sao ứng dụng cũ đang dùng ổn định, cũng rất tiện lợi mà lại phải chuyển qua ứng dụng mới thì cô chỉ nói rằng năm nay trường dùng cái mới nên phụ huynh vui lòng cài ứng dụng mới thôi. Trong cuộc họp phụ huynh đầu năm, cô nói thêm ứng dụng mới tiện ích hơn ở chỗ phụ huynh có thể nộp học phí qua tài khoản ngân hàng, có thể biết điểm của con ngay khi cô giáo vào điểm chứ không phải đợi cuối tuần nhận tin nhắn từ hệ thống quản lý nhà trường SMAS như trước.
Tất nhiên, tôi biết mỗi phần mềm sẽ có tính ưu việt riêng và sản phẩm ra đời sau có xu hướng luôn hoàn thiện hơn sản phẩm trước bởi đã được rút kinh nghiệm từ thực tiễn. Tuy nhiên chúng ta đang đứng trước thực tế là hiện có quá nhiều phần mềm được đưa vào sử dụng chỉ trong một thời gian ngắn rồi bị thay thế bởi ứng dụng khác, gây lãng phí không nhỏ công sức, trí tuệ của những người lập trình và ngân sách của Nhà nước khi đầu tư xây dựng các ứng dụng này.
Chuyện có rất nhiều ứng dụng chồng chéo nhau thời kỳ dịch Covid -19 là một ví dụ. Thời điểm đó, chúng ta có PC Covid, có Sổ sức khỏe điện tử… và rất nhiều ứng dụng khác nữa liên quan, có cái chỉ dùng vài tháng đã phải xóa để cài đặt ứng dụng mới và giờ hầu như chẳng mấy ai còn dùng đến.
Trở lại câu chuyện của ứng dụng eNetViet trong các nhà trường hiện nay. Tôi được biết, năm học trước, nhiều trường học trong tỉnh sử dụng hệ thống quản lý nhà trường SMAS do Tập đoàn Viễn thông Viettel cung cấp và được hỗ trợ miễn phí. Doanh nghiệp chỉ thu phí xã hội hóa đối với ứng dụng edu.one và gói cước gửi tin nhắn sms cho phụ huynh học sinh. Một số trường học khác sử dụng ứng dụng vnEdu Connect trong hệ sinh thái giáo dục của Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT). Năm nay, nhiều trường chuyển sang dùng ứng dụng eNetViet, một modul trong Cơ sở dữ liệu ngành giáo dục và đào tạo do Tập đoàn Công nghệ Quảng Ích cung cấp.
Theo Sở Giáo dục và Đào tạo, văn bản chỉ đạo việc sử dụng các phần mềm ứng dụng trong trường học đang được dự thảo, đến ngày 1/10 vẫn chưa ban hành. Còn Viettel Hải Dương và VNPT Hải Dương thì cho biết, các doanh nghiệp này vẫn cung cấp các ứng dụng về giáo dục cho một số trường học trong tỉnh trong năm học này. Như vậy, có thể thấy, hiện có ít nhất 3 doanh nghiệp đang cung cấp các phần mềm ứng dụng liên quan đến giáo dục cho các trường học trong ở Hải Dương. Chọn dùng ứng dụng nào là vấn đề các trường cần cân nhắc để bảo đảm tránh lãng phí nguồn dữ liệu từ những năm trước, lãng phí thời gian cài đặt, làm quen với ứng dụng mới của giáo viên, phụ huynh và quan trọng nhất là tiết kiệm chi phí nhưng vẫn hiệu quả và đúng quy định.
Lãng phí phần mềm không chỉ dừng ở việc dùng hay bỏ không dùng một ứng dụng nào đó mà còn ở chỗ có phát huy hết các tính năng của ứng dụng hay không. Đơn giản như với ứng dụng eNetViet ở trường con gái tôi đang sử dụng. Rõ là trên ứng dụng có tính năng cung cấp thời khóa biểu, nhưng sau gần 1 tháng sử dụng, khi mở chức năng, tôi vẫn nhận được thông báo “nhà trường và giáo viên chưa cập nhật thông tin, quý phụ huynh vui lòng quay lại sau”. Trong khi đó, mỗi khi thay thời khóa biểu mới, giáo viên chủ nhiệm lại phải dùng điện thoại chụp ảnh màn hình máy tính đang mở thời khóa biểu để gửi cho phụ huynh qua nhóm Zalo. Tính năng “Nhiệm vụ, bài tập” cũng không có thông tin…
Làm sao để lựa chọn sử dụng các phần mềm thông minh, tiện lợi và hiệu quả lâu dài, tránh lãng phí là vấn đề không thể xem nhẹ.
HOÀI ANH