Chuyển đối số giúp 26/63 tỉnh, thành phố trên cả nước thực hiện triển khai chi trả chính sách an sinh xã hội qua tài khoản ngân hàng, không dùng tiền mặt.
Thực hiện Chỉ thị 21 của Thủ tướng Chính phủ về thúc đẩy chuyển đối số trong chi trả an sinh xã hội không dùng tiền mặt, từ tháng 12.2022, Bộ Lao động, Thương binh và xã hội đã hướng dẫn các tỉnh, thành phố trên cả nước thực hiện đến các đối tượng hưởng chính sách an sinh xã hội trên địa bàn.
Các địa phương đã triển khai công tác thu thập thông tin, thực hiện chi trả qua tài khoản cho các đối tượng hưởng chính sách an sinh xã hội có nhu cầu nhận tiền qua tài khoản.
Thứ trưởng Lao động, Thương binh và xã hội Nguyễn Bá Hoan cho biết, tính từ tháng 1.2023 đến 22.6.2023 đã có 26/63 tỉnh, thành phố thực hiện triển khai chi trả không dùng tiền mặt cho các đối tượng an sinh xã hội.
Tổng số đối tượng an sinh xã hội đã có tài khoản mong muốn chi trả không dùng tiền mặt là 538.563 người, tăng 59.632 người so với tháng 5.2023.
Số đối tượng đã nhận trợ cấp qua tài khoản trên 115.000 người, với tổng kinh phí chi trả gần 142 tỷ đồng từ đầu năm đến nay.
Thứ trưởng Hoan cho biết, hiện nay công tác tuyên truyền, vận động về chủ trương chi trả an sinh xã hội không dùng tiền mặt tới đối tượng hưởng trợ cấp trên địa bàn các tỉnh, thành phố đang được đẩy mạnh thông qua các cơ quan, ban ngành, đoàn thể, các cấp chính quyền địa phương.
Sớm kết nối cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với ngân hàng
Lãnh đạo Bộ Lao động, Thương binh và xã hội cho biết, bên cạnh những kết quả đạt được, còn có tình trạng một số chính quyền cơ sở chưa chú trọng chỉ đạo thực hiện tuyên truyền chủ trương việc chi trả không dùng tiền mặt đến các đối tượng an sinh xã hội trên địa bàn, chưa nắm bắt hết thông tin phản ánh từ đối tượng.
Một số cán bộ phụ trách lĩnh vực Lao động, Thương binh và xã hội cấp xã chuyển công tác, cán bộ mới nhận nhiệm vụ chưa nắm bắt kịp thời nhiệm vụ chuyên môn, chưa nắm chắc đối tượng, phụ trách nhiều lĩnh vực nên triển khai chưa kịp thời.
Các đối tượng hưởng chính sách an sinh xã hội phần lớn là người cao tuổi, đối tượng yếu thế, gặp nhiều khó khăn trong việc giao dịch, thao tác nhận trợ cấp thông qua tài khoản ngân hàng, ví điện tử, tài khoản mobile money… nên có tâm lý e ngại, vẫn còn muốn được nhận trợ cấp bằng tiền mặt.
Một số đối tượng như người cao tuổi, khuyết tật, tâm thần, trẻ em… cần phải thực hiện thủ tục ủy quyền hoặc xác nhận hoàn cảnh để thân nhân (người trực tiếp nuôi dưỡng đối tượng) có thể đứng ra nhận thay tiền trợ cấp qua tài khoản.
Mặt khác, hiện nay việc mở tài khoản ngân hàng, các đối tượng sẽ phải trả các chi phí như: phí mở tài khoản, phí duy trì tài khoản, phí quản lý tài khoản, dịch vụ Internet Banking, phí rút tiền…trong khi đối tượng hưởng trợ cấp an sinh xã hội đều là các đối tượng yếu thế, có thu nhập thấp, họ không sẵn sàng chi trả các chi phí này. Đây cũng là một trong những vấn đề hạn chế khiến đối tượng thụ hưởng không sẵn sàng tham gia vào công tác nhận trợ cấp qua tài khoản.
Ngoài ra, nhiều địa phương có địa bàn rộng, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, các đối tượng hưởng chính sách sinh sống rải rác không tập trung, người thụ hưởng chính sách là người già, người cao tuổi, ốm đau, bệnh tật… nơi ở cách xa các điểm rút tiền.
Công an cấp xã tại một số địa phương phản ánh chưa thực hiện xác thực thông tin tài khoản trên Hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư do chưa có phần mềm kết nối với Ngân hàng nhà nước Việt Nam và trung gian thanh toán (NAPAS).
Trước thực tế trên, Bộ Lao động, Thương binh và xã hội đề nghị Bộ Công an sớm có phần mềm kết nối cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với Ngân hàng nhà nước Việt Nam và trung gian thanh toán (Napas) để thuận tiện cho các địa phương triển khai xác thực thông tin tài khoản của các đối tượng hưởng chính sách an sinh xã hội trong quá trình triển khai Chỉ thị số 21.
Đề nghị Cục Kiểm soát thủ tục hành chính, Văn phòng Chính phủ đầu mối phối hợp với Bộ Tư pháp, Bộ Thông tin và truyền thông, Bộ Tư pháp và các cơ quan liên quan nhanh chóng hoàn thiện hành lang pháp lý trong việc triển khai các thủ tục hành chính trên môi trường mạng.
Đồng thời Bộ Lao động, Thương binh và xã hội cũng đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tăng cường chỉ đạo các sở, ban, ngành, UBND các cấp đẩy nhanh tiến độ triển khai Chỉ thị số 21, thực hiện công tác thu thập, cập nhật thông tin tài khoản đối tượng và chi trả qua tài khoản đến các đối tượng hưởng chính sách an sinh xã hội đã đủ điều kiện.
Theo Vietnamnet