Làm mẹ đơn thân

18/10/2020 19:54

Những người phụ nữ lựa chọn con đường nuôi con một mình họ phải nỗ lực gấp nhiều lần so với những người phụ nữ có một gia đình trọn vẹn.


Dù xã hội ngày càng phát triển, tư tưởng cổ hủ cũng dần mất đi nhưng xung quanh chúng ta vẫn có biết bao cảnh ngộ đáng thương, nhất là những người phụ nữ kém may mắn. Họ lựa chọn con đường làm mẹ đơn thân và nỗ lực tìm kiếm hạnh phúc cho riêng mình.

Cô Tình làng tôi là một phụ nữ kém nhan sắc lại chậm chạp, vụng về nên ngoài ba mươi tuổi mà cô vẫn chưa được ai hỏi cưới. Trong khi con gái quê tôi chỉ ngoài hai mươi tuổi đã lên xe hoa hết rồi. Thành ra cô Tình bị coi là quá lứa lỡ thì. Mấy người trong xóm thấy cô hiền lành, thật thà, tốt nết nên dẫn người đến mai mối. Có điều những người đàn ông ấy đã luống tuổi, người thì góa vợ, người bỏ vợ, thậm chí có người bằng tuổi bố cô. Hàng xóm thường động viên: “Thôi thì méo mó có hơn không, cứ chọn lấy một anh cho có tấm chồng làm nơi nương tựa lúc ốm đau, về già”. Cô Tình nhất định không đồng ý. Cô bảo: “Cháu sợ cái cảnh dì ghẻ con chồng lắm, con cái họ không hiểu lại khinh thường cháu. Thà cháu ở vậy còn hơn là về làm ô sin không công cho nhà họ”.

Khi em trai cưới vợ, cô Tình xin bố mẹ làm cho cô một gian nhà nhỏ để cô ra ở riêng. Thế rồi chẳng biết thế nào cô “kiếm” được một đứa con trai. Hàng xóm láng giềng và họ hàng ai cũng mừng cho cô nhưng cũng có người lo lắng thay: “Không biết rồi mẹ con cái Tình sẽ sống ra sao”. Thấm thoắt đã hơn chục năm, cô Tình chăm chỉ trồng rau, buôn bán lặt vặt nuôi con. Từ một người phụ nữ vụng về, giờ đây cô Tình cũng nhanh nhẹn, hoạt bát hơn. Cô nói với hàng xóm: “Lúc bị dồn vào chân tường, nhìn con đói khát thì cũng phải nai lưng ra mà làm”. Thằng con cô Tình năm nào cũng đạt danh hiệu học sinh giỏi khiến mẹ nó rất vui. 

Chị Hiên ở làng bên thì rơi vào cảnh ngộ éo le khác. Chị lấy chồng ba năm mà vẫn chưa có con. Gia đình nhà chồng cho rằng chị bị vô sinh nên xúi giục con trai bỏ vợ. Chị về nhà đẻ với vali quần áo và hai bàn tay trắng. Trải qua một đời chồng như thế, chị như con chim sợ cành cong nên có người hỏi chị cũng không lấy. Chị quyết định “kiếm” một đứa con làm niềm an ủi. Khi biết tin chị sinh con trai, chồng cũ của chị đi khám mới biết chính anh mới là người bị vô sinh. Chị học được nghề may nên mở hiệu cắt may quần áo ở ngay đầu làng. Chị cũng không muốn dựa dẫm bố mẹ vì các cụ đã già yếu nên hai mẹ con chị ở riêng, tự chị lo cho con. Nếu có người tò mò hỏi: “Bố đứa bé là ai?”, chị Hiên thường trả lời: “Bố cháu là ai cũng không quan trọng, mẹ con tôi không dính dáng gì hết”. Không biết chị dặn con thế nào nhưng hễ ai vô tình hỏi thằng bé: “Bố cháu đâu?” là nó trả lời ngay: “Bố cháu đi nước ngoài rồi”. Hàng xóm láng giềng cũng có người thông cảm cho cảnh ngộ của chị nhưng cũng có người bàn ra tán vào, nào là: “Trông nó giống anh Vinh ở xã bên như đúc”, nào là: “Trông nó giống anh Quang làng mình hơn”, hay “Chắc bố nó vẫn qua lại với mẹ nó”… Chị Hiên bỏ mặc ngoài tai những lời xì xèo. Chị chỉ mong con khỏe mạnh, ngoan ngoãn và học giỏi. Được như thế là chị cảm thấy mãn nguyện lắm rồi.

Chị Minh là chị họ tôi thì thật bất hạnh. Chị lấy chồng chưa đầy một năm thì chồng bị tai nạn, đột ngột qua đời. Ba năm để tang chồng, phụng dưỡng bố mẹ chồng, chị cứ héo mòn cả người đi. Bố mẹ chồng thương chị, sợ chị đau buồn mà sinh bệnh nên khuyên chị về nhà đẻ để còn có cơ hội xây dựng lại hạnh phúc gia đình. Chị vâng lời, trở về nhà đẻ nhưng ai hỏi chị cũng không lấy. Bởi những người hỏi chị toàn là đàn ông sống cảnh “gà trống nuôi con”. Chị hay bảo: “Chị sợ cái cảnh con riêng, con chung lắm. Chị tính ở vậy và kiếm một đứa con cho khuây khỏa. Em xem có được không?”. Tôi chỉ biết khuyên chị suy nghĩ cho kỹ. Chị Minh từng lưỡng lự rồi lại có vẻ bất cần: “Thôi thì cứ mặc kệ đời, muốn đến đâu thì đến”. 

Những người phụ nữ lựa chọn con đường nuôi con một mình họ phải nỗ lực gấp nhiều lần so với những người phụ nữ có một gia đình trọn vẹn. Những đứa con của họ cũng là những đứa trẻ thiệt thòi bởi chúng lớn lên trong sự thiếu thốn tình cảm của người cha. Dù ngày nay xã hội không còn những định kiến nặng nề với những người phụ nữ có hoàn cảnh éo le như thế nhưng không phải ai cũng hiểu và cảm thông cho họ.

NAM HỒNG

(0) Bình luận
Làm mẹ đơn thân