Vụ việc trẻ 17 tháng ở Thường Tín, Hà Nội, bị bạo hành đến tử vong đang gây chấn động dư luận. Làm thế nào để chấm dứt tình trạng trẻ bị bạo hành là câu hỏi được nhiều người đặt ra.
Trẻ mầm non bị bạo hành tại Thái Bình. (Ảnh cắt từ clip)
Vụ việc trẻ 17 tháng tuổi bị hai cô giáo bạo hành dã man đến tử vong tại xã Vạn Điểm, huyện Thường Tín, Hà Nội đang khiến dư luận vô cùng phẫn nộ. Theo các chuyên gia, để không còn tái diễn tình trạng trên cần phải xử lý thật nghiêm các cá nhân bạo hành trẻ, quy trách nhiệm của cán bộ quản lý địa phương đồng thời phụ huynh cũng cần phải tìm hiểu kỹ về các cơ sở giáo dục mầm non trước khi gửi con.
Xử lý phải đủ răn đe
Có con cũng đang trong độ tuổi mầm non, anh Phạm Trung Kiên (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho hay anh bị sốc trước những thông tin về vụ việc hai cô giáo bạo hành dã man em bé 17 tháng tuổi ở Thường Tín.
“Tôi không thể tưởng tượng được tại sao lại có thể hành hạ một em bé như vậy. Họ không chỉ không có nghiệp vụ mà còn không có đạo đức, không có lương tâm,” anh Kiên chia sẻ.
Cũng theo anh Kiên, đây không phải là lần đầu tiên xảy ra vụ việc trẻ mầu non bị bạo hành. Trước đó đã có rất nhiều trường hợp trể bị đối xử tàn nhẫn, nhất là ở các cơ sở mầm non độc lập.
“Tôi cho rằng pháp luật cần phải xử lý nghiêm, đủ tính răn đe để không còn những vụ việc đau lòng như vậy, đặc biệt là lần này, khi sự bạo hành trẻ quá dã man và đã cướp đi tính mạng của một em bé mới vừa bước những bước đi đầu tiên trong đời,” anh Kiên nói.
Đây cũng là kiến nghị của chị Phạm Thị Thanh Huyền (huyện Thường Tín, Hà Nội). “Tôi cảm thấy bị nghẹt thở khi đọc thông tin lời khai của các cô giáo trước cơ quan công an vì diễn biến vụ việc quá tàn nhẫn. Tại sao lại có thể đối xử với một em bé như vậy, nhất là khi các cô cũng là những người mẹ, thậm chí có cô còn đang nuôi con nhỏ? Tôi đề nghị cơ quan chức năng cần phải có chế tài xử phạt thật nặng, thật nghiêm để làm gương cho những trường hợp khác,” chị Huyền nói.
Từng có gần 20 năm gắn bó với nghề giáo viên mầm non, cô Nguyễn Thị Thanh Hà (quận Hoàng Mai, Hà Nội) chia sẻ đây là nghề nhiều áp lực và đòi hỏi người giáo viên phải có chuyên môn nghiệp vụ, có tình yêu thương cùng sự bao dung rất lớn với trẻ mới có thể gắn bó với công việc này. “Cô giáo trông trẻ cũng được đào tạo trung cấp sư phạm mầm non, nghĩa là có nghiệp vụ chuyên môn, nhưng có lẽ chưa đủ vững vàng và chưa có lòng yêu trẻ thực sự nên không thể làm chủ được cảm xúc, dẫn đến những hành động dã man như vậy,” cô Hà nói.
Theo đó, cô Hà cho rằng pháp luật cần có chế tài đủ mạnh để những người không thật sự có đủ chuyên môn và tình yêu với trẻ sẽ tự thấy không nên và không dám làm giáo viên trông giữ, chăm sóc trẻ mẫu giáo, mầm non. “Các con còn quá nhỏ, không có khả năng tự vệ hay thậm chí chưa thể nói cho người lớn biết tình trạng bị bạo hành của mình khi đến lớp. Vì thế, trẻ sẽ dễ bị tổn thương, bị bạo hành nếu bảo mẫu, giáo viên không có lương tâm,” cô Hà nhấn mạnh.
Truy trách nhiệm quản lý của địa phương
Theo báo cáo của Ủy ban Nhân dân xã Vạn Điểm, cơ sở trông trẻ của hai cô giáo là tự phát và đ bị xử phạt, nhắc nhở và yêu cầu đóng cửa. Tuy nhiên, thông tin với báo chí, người dân địa phương cho biết cơ sở trông trẻ tự phát này đã mở được mấy năm nay.
Có thể thấy đây gần như là “mẫu số chung” của các vụ việc trẻ mầm non bị bạo hành. Theo Tiến sỹ Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội, trong vụ việc này, bên cạnh trách nhiệm của các giáo viên, chủ cơ sở trông giữ trẻ, còn cần quy trách nhiệm của cán bộ chính quyền địa phương. “Lãnh đạo địa phương không thể nói tôi đã xử phạt nhưng họ vẫn làm là hết trách nhiệm. Là người được hưởng lương để quản lý địa bàn, chính quyền địa phương phải đảm bảo các cơ sở không được cấp phép thì không được hoạt động, họ vẫn hoạt động nghĩa là anh chưa hoàn thành nhiệm vụ, để xảy ra vụ việc nghiêm trọng như vậy thì trách nhiệm của anh càng lớn,” Tiến sỹ Nguyễn Tùng Lâm chia sẻ.
Theo các chuyên gia, cần tăng cường trách nhiệm của lãnh đạo các địa phương trong quản lý cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập. (Ảnh: Phạm Mai/Vietnam+)
Cũng theo Tiến sỹ Nguyễn Tùng Lâm, nếu không xử lý nghiêm cả cán bộ địa phương thì tình trạng dung túng cho các cơ sở trái phép sẽ vẫn còn.
Cùng quan điểm này, Tiến sỹ Vũ Thu Hương, chuyên gia giáo dục độc lập tại Hà Nội cũng kiến nghị các cơ quan chức năng cần xem xét, xử lý cán bộ quản lý địa phương nơi xảy ra vụ việc.
“Dù cơ sở hoạt động chui, không treo biển nhưng cũng chính vì có những cá nhân sai phạm nên mới cần cán bộ địa phương sát sao, nắm bắt tình hình, xử lý kịp thời các sai phạm đó để đảm bảo an ninh, an toàn cho cuộc sống của người dân. Là người chịu trách nhiệm quản lý nhà nước, nên không quản lý được là lỗi của cán bộ địa phương. Để xảy ra những vụ việc như vậy không thể không truy cứu và xử lý trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan quản lý địa phương,” Tiến sỹ Vũ Thu Hương chia sẻ.
Bài học cho các phụ huynh
Tiến sỹ Vũ Thu Hương cho rằng vụ việc đau lòng tại Thường Tín, Hà Nội cũng là một hồi chuông cảnh tỉnh cho các phụ huynh về việc tìm nơi đáng tin cậy để gủi gắm con.
Bà Hương cho hay hiện một bộ phận phụ huynh có tâm lý e ngại cơ sở mầm non công lập vì sợ đông trẻ, lo các giáo viên có thể có hành động không đúng với con mình nên có xu hướng gửi con sang cơ sở mầm non tư thục, nhất là với các cháu nhỏ mới bắt đầu đi học.
“Tuy nhiên, trường công lập sẽ có những quy chuẩn rõ ràng, được quản lý chặt chẽ để giáo viên không thể, không dám có những hành động thái quá, và họ cũng được đào tạo bài bản để có kỹ thuật, biết cách xử lý với trẻ theo các tình huống khác nhau. Trong khi gửi con ở cơ sở trông trẻ tự phát, quy mô nhỏ, không được cấp phép sẽ tiềm ẩn rất nhiều rủi ro, thậm chí khiến trẻ nguy hiểm tính mạng,” bà Hương nói.
Theo đó, Tiến sỹ Vũ Thu Hương khuyên các phụ huynh khi tìm cơ sở giáo dục mầm non cho con cần tìm hiểu thật kỹ về tính pháp lý của cơ sở đó, về bằng cấp của các giáo viên. “Phụ huynh phải đến tận nơi thay vì chỉ tìm hiểu qua các hội nhóm, các phụ huynh khác vì mỗi đứa trẻ có đặc điểm khác nhau. Một đứa trẻ ngoan, tính cách bạo dạn, dễ hòa đồng có thể sẽ cảm thấy bình thường nhưng một em bé nhút nhát, hay khóc lại dễ tạo sự ức chế cho người giáo viên, đòi hỏi họ phải có sự kiên nhẫn lớn hơn,” bà Hương chia sẻ.
Cũng theo bà Hương, phụ huynh thường có tâm lý cho con đi học vì không có người trông, vì người lớn phải đi làm, nhưng chưa chú trọng đúng mức đến việc đứa trẻ đã đủ điều kiện để đến lớp. Phụ huynh cần phải có sự chuẩn bị cho trẻ trước khi cho con đi học, như nên gọi con dậy sớm để buổi trưa con có thể dễ ngủ theo nếp ở trường, dạy con về việc biết chấp nhận bị xử phạt nếu cư xử chưa đúng hay không đòi hỏi quá mức và làm phiền người khác khi họ đang bận hoặc đang cáu giận…
“Câu chuyện ở Thường Tín đã qua và không ai có thể lấy lại tính mạng cho đứa trẻ, nhưng phải tìm cách để không còn em bé nào phải chịu đau đớn như thế nữa. Đó là những người giáo viên nếu thấy mình không đủ kiên nhẫn, không đủ yêu thương con trẻ, hãy đừng chọn nghề này. Đó là sự nghiêm minh của pháp luật, là trách nhiệm của chính quyền địa phương và trách nhiệm làm cha mẹ của cả các phụ huynh,” bà Hương nói.
Theo Vietnam+