Một trẻ mầm non ở Thái Bình bị bỏ quên trên ô tô, dẫn đến tử vong. Đây không còn là "hồi chuông cảnh tỉnh" hay "tiếng chuông báo động" nữa, nó là bài học đau đớn...
Theo dữ liệu của Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Thái Bình, ngày 29/5 (ngày cháu bé tử vong trong xe), nhiệt độ trung bình của TP Thái Bình từ 28-34 độ C. Cháu bé bị bỏ quên trong ô tô ở khuôn viên Trường Mầm non Hồng Nhung khoảng 10 tiếng (từ 7-17 giờ). Khi ô tô đóng kín, nhiệt độ bên trong có thể cao gấp đôi nhiệt độ ngoài trời. Hình ảnh đứa trẻ một mình tỉnh dậy trong xe, kêu gào hoảng loạn rồi lịm đi thật ám ảnh!
Ở đây chúng ta không lên án bất kỳ ai và cũng không có quyền phán xét. Bởi, trách nhiệm của ai, đến đâu, sẽ có cơ quan chức năng phân tích và xử lý. Vì ngay trong đêm cùng ngày, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Thái Bình đã ra quyết định khởi tố vụ án vô ý làm chết người, quy định tại điều 128 Bộ luật Hình sự.
Theo thông tin trên báo chí, khi vào lớp, giáo viên có chụp ảnh điểm danh học sinh gửi lên phần mềm của nhà trường để theo dõi, quản lý thì phát hiện vắng cháu H., nhưng không thông báo cho gia đình.
Khi đó, chỉ một cuộc điện thoại từ nhà trường trao đổi với gia đình về lý do cháu không đến lớp, thì đã cứu được một sinh linh vô tội. Và sáng cùng ngày, trước khi xuống xe tắt máy, nếu cô giáo và lái xe thực hiện quy trình kiểm tra một lượt, chắc chắn sẽ phát hiện bé H. vẫn ở trên xe. Nếu an toàn của trẻ được đặt lên hàng đầu, nếu nhà trường có trách nhiệm và rút ra bài học từ những câu chuyện tương tự đã xảy ra, chắc chắn cháu T.G.H. sẽ không phải chết oan ức như vậy.
Từ năm 2019, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có Văn bản số 3523 về tăng cường các giải pháp bảo đảm an toàn cho học sinh khi sử dụng dịch vụ đưa đón bằng xe ô tô. Trong đó nêu rõ, gần đây đã xảy ra tình trạng không bảo đảm an toàn cho học sinh khi sử dụng dịch vụ này tại một số địa phương... Cá biệt, có trường hợp bỏ quên học sinh nhiều giờ trên xe ô tô dẫn đến tử vong, gây lo lắng và bức xúc trong dư luận xã hội. Nhà trường phải phân công giáo viên hoặc nhân viên có kinh nghiệm chịu trách nhiệm quản lý, kiểm tra danh sách học sinh, bảo đảm trật tự, vệ sinh và hướng dẫn, nhắc nhở học sinh thực hiện các quy định, kỹ năng an toàn khi ngồi trên xe, khi lên, xuống xe ô tô; bàn giao học sinh cho giáo viên chủ nhiệm lớp...
Quy trình, quy định đưa đón học sinh đã rất cụ thể, song rõ ràng bị bỏ qua.
Một câu chuyện xót xa và ám ảnh đã xảy ra khi chỉ còn ít ngày nữa chúng ta sẽ bước vào Tháng hành động vì trẻ em năm 2024 với chủ đề "Hành động thiết thực, ưu tiên nguồn lực cho trẻ em". Cái chết oan uổng của một đứa trẻ vào thời điểm này, dù xót xa song có lẽ là bài học đắt giá hơn hàng ngàn vạn lời hô hào khẩu hiệu chung chung.
Tại Hải Dương, đến thời điểm hiện tại, có khoảng 100 ô tô đưa đón học sinh, chủ yếu là trẻ mầm non. Dù chưa xảy ra câu chuyện tương tự, song đây là bài học rất lớn để từng giáo viên, nhà trường soi chiếu và đặt an nguy của trẻ lên hàng đầu.
Mong người lớn hãy dành những gì tốt đẹp nhất cho trẻ em. Đã quan tâm rồi, hãy quan tâm hơn nữa, vì rủi ro luôn rình rập chúng bất cứ lúc nào. Trẻ em cần được bảo vệ mọi lúc, mọi nơi, trong mọi bối cảnh, đừng để hậu quả xảy ra rồi mới "làm rõ", "quy trách nhiệm", "họp khẩn"...
TIẾN HUY