Với động thái giảm lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước, nhiều chuyên gia cho rằng đây là tín hiệu cho thấy bắt đầu xu hướng nới lỏng chính sách tiền tệ, kỳ vọng lãi suất cho vay sẽ sớm hạ nhiệt.
Khách hàng gửi tiền tiết kiệm tại một ngân hàng ở Hà Nội - Ảnh: NAM TRẦN
Ngay sau khi Ngân hàng Nhà nước công bố giảm lãi suất điều hành, lãi suất liên ngân hàng đã giảm khá mạnh.
Cụ thể, lãi suất qua đêm từ mức 6,17%/năm đã giảm xuống còn 5,13%/năm. Kỳ hạn 1 tuần giảm còn 5,53%/năm, còn kỳ hạn 1 tháng từ 7,19%/năm còn 6,83%/năm, kỳ hạn 3 tháng là 7,53%/năm.
Với kỳ hạn 6 tháng và 9 tháng, lãi suất liên ngân hàng chỉ còn 8,36%/năm và 8,49%/năm, giảm tương ứng 1,09%/năm và 1,41%/năm so với trước đó.
Đồng loạt hạ lãi suất tiền gửi
Ngày 16.3, nhiều ngân hàng đã bắt đầu hạ lãi suất huy động. Ngoại trừ lãi suất kỳ hạn từ 1 đến dưới 6 tháng được giữ 6%/năm, bằng mức trần quy định của Ngân hàng Nhà nước, lãi suất huy động với các kỳ hạn trên 6 tháng giảm đáng kể so với mức đầu tháng 3.
Đơn cử kỳ hạn 12 tháng được niêm yết phổ biến là 8,4 - 8,8%/năm, giảm 0,1 - 0,2%/ năm. Thậm chí, một số ngân hàng giảm tới 0,5%/năm.
Như VPBank công bố lãi suất tiền gửi online, lĩnh lãi cuối kỳ của kỳ hạn 6 tháng và 12 tháng giảm 0,5%/năm, còn 8,3%/năm và 8,7%/năm.
Riêng bốn ngân hàng có vốn nhà nước là VietinBank, Vietcombank, BIDV và Agribank, mức lãi suất huy động được xem thấp nhất thị trường.
Trong đó, mức lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng được Agribank niêm yết là 7,2%/năm, giảm 0,2% so với mức 7,4%/năm trước đó.
Giám đốc khối khách hàng cá nhân một ngân hàng cổ phần tại TP Hồ Chí Minh cho hay việc Ngân hàng Nhà nước công bố giảm lãi suất điều hành là phát đi tín hiệu bắt đầu nới lỏng tiền tệ. Với tình hình tín dụng chỉ tăng rất thấp trong 3 tháng đầu năm và với động thái vừa qua của Ngân hàng Nhà nước, tới đây lãi suất sẽ hạ nhiệt, trước tiên là lãi suất huy động.
Do vậy, ngân hàng này dự kiến sẽ giảm tiếp lãi suất huy động từ 0,2 - 0,5%/năm mỗi kỳ hạn từ 20.3 so với múc lãi suất hiện hành với các kỳ hạn từ 6 tháng. Sau khi giảm, mức lãi suất từ 8%/năm chỉ xuất hiện với các kỳ hạn từ 9 tháng trở lên.
Trong khi đó, tổng giám đốc một ngân hàng cổ phần khá lớn cũng cho hay ngay khi phát đi thông tin giảm lãi suất điều hành, Ngân hàng Nhà nước cũng nhấn mạnh việc giảm lãi suất điều hành là bước đi quan trọng, định hướng cho xu hướng giảm lãi suất của thị trường trong thời gian tới, qua đó định hướng để giảm lãi suất cho vay, đồng hành cùng doanh nghiệp và người dân góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
"Xu thế sắp tới là lãi suất huy động và cho vay sẽ phải giảm, nhưng lãi suất huy động sẽ đi trước. Sở dĩ các ngân hàng chưa hành động ngay là vì còn nghe ngóng các ngân hàng bạn", vị này nói.
Tại đại hội cổ đông thường niên được tổ chức ngày 15.3, ông Đặng Khắc Vỹ, chủ tịch hội đồng quản trị Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB), cho biết việc Ngân hàng Nhà nước hạ lãi suất điều hành có tác động rất tốt đến xu hướng giảm lãi suất huy động, qua đó lãi suất cho vay sẽ giảm theo.
"Tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống ngân hàng thời gian qua rất thấp. Với việc phát tín hiệu vừa qua của Ngân hàng Nhà nước, từ ngày 16.3, VIB sẽ cho tăng trưởng tín dụng và mất trong 4 - 6 tháng để lấp đầy room tín dụng 15% được cấp trong năm nay", ông Vỹ nói và cho biết VIB định hướng tăng tín dụng năm nay đến 25%.
Lãi suất cho vay sẽ hạ nhiệt...
Chuyên gia Trần Ngọc Báu cho rằng động thái vừa qua của Ngân hàng Nhà nước là bước đầu tiên trong quá trình nới lỏng tiền tệ, có thể tới đây sẽ có các đợt giảm trần lãi suất huy động cũng như giảm lãi suất điều hành tiếp theo.
"Tuy nhiên, không gian giảm lãi suất tiếp tục của Ngân hàng Nhà nước là không nhiều bởi trước đó chúng ta đã duy trì một nền lãi suất rất thấp và mới chỉ tăng 2% trong đợt tăng lãi suất vừa qua. Mặt khác, lãi suất cho vay cũng cần có độ trễ để các ngân hàng trung hòa hết vốn lãi cao, do vậy kỳ vọng khoảng 1 - 3 tháng tới lãi suất cho vay mới có thể giảm", ông Báu nói.
TS Cấn Văn Lực - thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia - cho rằng đây là động thái "bật đèn xanh" để các ngân hàng thực hiện giảm lãi suất huy động, từ đó kéo giảm lãi suất cho vay.
Bởi các tổ chức tín dụng sẽ được hỗ trợ trong việc tiếp cận vốn từ Ngân hàng Nhà nước qua công cụ cho vay tái chiết khấu, cho vay liên ngân hàng. Qua đó, các tổ chức tín dụng có điều kiện giảm lãi suất cho vay.
Tuy nhiên, tác động này sẽ không nhiều vì vay tái chiết khấu của các tổ chức tín dụng là khá khiêm tốn.
Mặt khác, lãi suất giảm, trước mắt là lãi suất cho vay ngắn hạn, sẽ hỗ trợ doanh nghiệp giảm một phần chi phí tài chính.
Song lần này, phạm vi ảnh hưởng không nhiều. Vì chỉ giảm lãi suất cho vay ngắn hạn bằng nội tệ đối với các lĩnh vực ưu tiên như doanh nghiệp vừa và nhỏ, xuất khẩu...
Ông Huỳnh Minh Tuấn, giám đốc Công ty tư vấn tài chính FIDT, cho rằng động thái hạ lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước cho thấy chính sách tiền tệ sẽ không tiếp tục thắt chặt và sẽ trở lại hỗ trợ nền kinh tế.
"Giai đoạn xấu nhất về lãi suất đã qua. Nhưng dư địa để dùng công cụ chính sách tiền tệ trong năm nay là không quá lớn và dư địa hỗ trợ lớn sẽ nằm trong tay chính sách tài khóa", ông Tuấn nhận định.
Để chính sách giảm lãi suất điều hành phát huy tác dụng và nhất là có điều kiện giảm tiếp lãi suất khác như lãi suất tiền gửi, lãi suất cho vay trung dài hạn... trên diện rộng, ông Lực kiến nghị cần đẩy nhanh cơ cấu lại các tổ chức tín dụng yếu kém và thanh khoản còn mỏng nhằm giảm thiểu việc cạnh tranh tăng lãi suất không lành mạnh.
Muốn kéo mặt bằng lãi suất xuống, các chuyên gia ngân hàng góp ý Ngân hàng Nhà nước cần sớm có cơ chế để khơi thông thị trường cho vay liên ngân hàng. Hay nói cách khác, Ngân hàng Nhà nước có cơ chế để các ngân hàng có vốn nhà nước cho các ngân hàng đang huy động lãi suất cao trên thị trường vay và với mức lãi suất hợp lý.
Theo Ngân hàng Nhà nước, tính đến ngày 9.3, huy động vốn của hệ thống tổ chức tín dụng tăng 0,45% và tín dụng toàn hệ thống tăng 1,12% so với cuối năm 2022. Thị trường tiền tệ ổn định, thanh khoản hệ thống tổ chức tín dụng dồi dào, đáp ứng nhu cầu thanh toán, chi trả của nền kinh tế.
Thị trường ngoại tệ ổn định, thanh khoản thị trường thông suốt, các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp được đáp ứng đầy đủ. Trước đó, từ tháng 1.2023, Ngân hàng Nhà nước đã mua được ngoại tệ từ các tổ chức tín dụng bổ sung dự trữ ngoại hối nhà nước và đưa lượng tiền lớn VND vào lưu thông.
Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước đã triển khai các giải pháp đồng bộ để ổn định mặt bằng lãi suất, phấn đấu giảm lãi suất cho vay nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân.
Cụ thể, Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các tổ chức tín dụng duy trì mặt bằng lãi suất huy động ổn định, hợp lý, phù hợp với khả năng cân đối vốn, khả năng mở rộng tín dụng lành mạnh và năng lực quản lý rủi ro; không làm ảnh hưởng đến sự ổn định của thị trường tiền tệ và mặt bằng lãi suất thị trường.
Đặc biệt, nghiêm cấm tổ chức tín dụng thực hiện các biện pháp kỹ thuật để lách vượt trần lãi suất huy động, nghiêm cấm cạnh tranh không lành mạnh trong huy động vốn.
Chỉ đạo các tổ chức tín dụng kiểm soát chặt chẽ lãi suất tiền gửi để giữ ổn định mặt bằng lãi suất thị trường. Đến nay mặt bằng lãi suất dần ổn định. Lãi suất tiền gửi phát sinh mới ở mức khoảng 6,7%/năm và lãi suất cho vay phát sinh mới ở mức khoảng 9,4%/năm.
Ông Nguyễn Kim Hùng, Chủ tịch Tập đoàn Kim Nam, đánh giá việc giảm lãi suất điều hành là tín hiệu tích cực đối với thị trường. Niềm tin vào kế hoạch kinh doanh của doanh nghiệp tăng lên khi chi phí kinh doanh sẽ rẻ hơn.
Tuy nhiên, sau động thái này của Ngân hàng Nhà nước, ông Hùng cho rằng các ngân hàng cũng chưa thể ngay lập tức hạ lãi suất cho vay 0,5 - 1%/năm. Hơn nữa, điều quan trọng nhất là việc tiếp cận tín dụng của doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Thực tế có tới 97% doanh nghiệp Việt Nam có quy mô nhỏ và vừa khó khăn trong việc tiếp cận vốn vay ngân hàng.
Theo Tuổi trẻ