Thời điểm cuối năm cũng là lúc cuộc đua lãi suất của các ngân hàng thương mại diễn ra sôi động nhằm đẩy mạnh huy động vốn để chuẩn bị cho nhu cầu tín dụng tăng cao sau Tết Nguyên đán.
Làn sóng điều chỉnh lãi suất của nhiều ngân hàng tiếp tục tăng trong ngày 5/12, trong đó, Ngân hàng Thương mại TNHH Một thành viên Dầu khí toàn cầu (GPBank) tăng lãi suất huy động lên mức cao nhất thị trường, với 6,35%/năm cho kỳ hạn 13-36 tháng.
GPBank điều chỉnh tăng 0,3%/năm đối với tiền gửi các kỳ hạn từ 1-36 tháng. Sau điều chỉnh, lãi suất kỳ hạn 1 tháng đạt 3,7%/năm, kỳ hạn 6 tháng tăng lên 5,55%/năm, và kỳ hạn 12 tháng lên mức 6,25%/năm. Đặc biệt, lãi suất kỳ hạn 13-36 tháng tăng lên 6,35%/năm, đưa GPBank vào nhóm ngân hàng có mức lãi suất tiền gửi cao nhất hiện nay.
Lãi suất huy động của các ngân hàng khác cũng ghi nhận mức lãi suất tiết kiệm hấp dẫn, đặc biệt ở các kỳ hạn dài, tuy nhiên có kèm theo các điều kiện đặc biệt.
Trong đó, PVcomBank áp dụng lãi suất 9,5%/năm cho kỳ hạn 12-13 tháng với điều kiện khách hàng gửi tối thiểu 2.000 tỷ đồng. HDBank áp dụng lãi suất 8,1%/năm với kỳ hạn 13 tháng, điều kiện số dư tối thiểu 500 tỷ đồng.
MSB đưa ra mức lãi suất 8%/năm cho kỳ hạn 13 tháng và 7%/năm cho kỳ hạn 12 tháng, áp dụng cho sổ tiết kiệm mở mới hoặc tự động gia hạn từ năm 2018 với số tiền gửi từ 500 tỷ đồng.
Dong A Bank niêm yết lãi suất 7,5%/năm cho kỳ hạn từ 13 tháng trở lên với khoản tiền gửi tối thiểu 200 tỷ đồng. Bac A Bank áp dụng lãi suất 6,25%/năm cho kỳ hạn 18-36 tháng với số tiền gửi trên 1 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, một số ngân hàng vẫn duy trì mức lãi suất trên 6%/năm cho các kỳ hạn dài cho các khác hàng không đáp ứng điều kiện số dư lớn. Cụ thể, IVB áp dụng mức lãi suất 6,5%/năm cho kỳ hạn 24 tháng trở lên; kỳ hạn 18 tháng là 6,3%/năm; BVBank áp dụng mức 6%/năm cho kỳ hạn 12 và 24 tháng; VRB và Dong A Bank cũng áp dụng 6%/năm cho kỳ hạn 24 tháng; SaigonBank áp dụng mức 6%/năm cho kỳ hạn 13, 18 và 24 tháng; 6,1%/năm cho kỳ hạn 36 tháng.
TB (tổng hợp)