Lá phiếu lòng dân

24/10/2018 07:28

Điều mong mỏi của cử tri là việc lấy phiếu tín nhiệm phải đem lại những kết quả thiết thực, tránh hình thức như việc kê khai tài sản mà không kiểm soát được.

Sau hai lần lấy phiếu tín nhiệm vào các năm 2013 và 2014, tại Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV này, các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) lại bỏ phiếu tín nhiệm đối với 48 người do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn vào các cơ quan lãnh đạo của Chính phủ, Quốc hội. Mục đích của việc này nhằm nâng cao sự giám sát của Quốc hội - những người thay mặt cử tri cả nước đối với các đồng chí lãnh đạo, tư lệnh bộ, ngành, lĩnh vực trong thực thi trọng trách, nhiệm vụ của mình. Qua đó đánh giá đúng năng lực, phẩm chất của mỗi người, từ đó có giải pháp cụ thể trong công tác cán bộ, kể cả miễn nhiệm…

Bởi thế, mỗi kỳ Quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm là cử tri và toàn dân rất kỳ vọng. Kỳ vọng là vì qua các cuộc tiếp xúc cử tri ở địa phương, các ĐBQH đã tiếp thu và hứa sẽ chuyển đến nghị trường Quốc hội. Tại các cuộc chất vấn, lãnh đạo, tư lệnh bộ, ngành, lĩnh vực cũng đã hứa sẽ thực hiện các kiến nghị, nguyện vọng của cử tri. Đó chính là thước đo tinh thần trách nhiệm của ĐBQH và các lãnh đạo cấp cao. Vì thế, cử tri mong đợi ĐBQH cần thể hiện được lòng dân qua lá phiếu, đánh giá đúng thực chất năng lực và phẩm chất của từng người được tín nhiệm đến mức nào. 

Điều mong mỏi của cử tri là việc lấy phiếu tín nhiệm phải đem lại những kết quả thiết thực, tránh hình thức như việc kê khai tài sản mà không kiểm soát được. Cử tri cũng hy vọng kỳ lấy phiếu tín nhiệm này phải được đặt trong bối cảnh khác các lần lấy phiếu tín nhiệm trước đây. Đó là từ sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, Đảng, Quốc hội, Chính phủ đã có nhiều chủ trương, giải pháp, quy định đổi mới thực hiện Nghị quyết Đại hội về phát triển kinh tế - xã hội; xây dựng, chỉnh đốn Đảng; xây dựng Chính phủ liêm khiết, kiến tạo, hành động, hiệu quả... Từ những chuyển động đó, qua nửa nhiệm kỳ, đất nước ta đã và đang bước vào thời kỳ phát triển mới cả về kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh. Đặc biệt, việc thực hiện các Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI và XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và các nghị quyết khác, công cuộc phòng chống tham nhũng đã đạt được những kết quả rất khả quan, làm nức lòng toàn Đảng, toàn dân. Điều này cũng làm tăng thêm niềm tin của cử tri vào việc lấy phiếu tín nhiệm của Quốc hội tại kỳ họp này. 

Nếu có người còn băn khoăn về “hậu lấy phiếu tín nhiệm” như các kỳ trước, thì lần này, bằng các nghị quyết, quy định của Đảng về công tác cán bộ, sẽ có lời giải đáp. Sẽ dần hạn chế và tiến tới sẽ không còn cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ cấp cao không đủ năng lực, phẩm chất. Người nào tín nhiệm thấp sẽ bị điều chuyển vị trí công tác hay miễn nhiệm, buộc phải từ chức mà không đợi qua nhiệm kỳ hoặc đến tuổi nghỉ hưu...

Kỳ vọng và niềm tin của cử tri là vậy, song có trở thành hiện thực hay không, quyết định là ở sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, trong đó có một phần quan trọng từ việc lấy phiếu tín nhiệm của các ĐBQH tại kỳ họp này, phải thể hiện được đầy đủ trách nhiệm của đại biểu và ý nguyện của toàn dân.

NGUYỄN  THẾ (TP  Hải Dương)

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Lá phiếu lòng dân