La Liga nghèo khi không còn Messi và những ngôi sao hàng đầu

17/08/2021 19:00

Thị trường chuyển nhượng mùa hè 2021 vẫn còn 2 tuần nữa mới kết thúc nhưng ngay từ lúc này, chúng ta đã thấy được sự đìu hiu của La Liga.

Ngày 8.3.2020, hơn 50.000 khán giả trên sân vận động Benito Villamarin đã hò reo khi chứng kiến Cristian Tello ghi bàn cho đội chủ nhà Real Betis. Đó là bàn thắng cuối cùng trước khi La Liga đóng cửa do dịch Covid-19 lan rộng.

Không ai ngờ đại dịch đã gây ra những hậu quả nặng nề cho giải đấu đến tận bây giờ. Sau 17 tháng, các đội bóng của Tây Ban Nha trở nên kiệt quệ và bằng chứng rõ ràng nhất chính là tình hình chuyển nhượng mùa hè 2021.

Theo thống kê và tính toán từ Công ty kiểm toán PricewaterhouseCoopers, mùa 2019/20, La Liga chịu thiệt hại khoảng 366 triệu euro do dịch bệnh. Con số này ở mùa vừa qua thậm chí khủng khiếp hơn, lên tới hơn 1,6 tỷ euro.

La Liga anh 2

Barca bước vào mùa giải 2021/22 với khoản nợ lên tới 1,35 tỷ euro. Ảnh: Reuters

Nhiều đội La Liga đang chịu khoản nợ lớn


Thiệt hại đến ở mọi phương diện, từ doanh thu bán vé và các dịch vụ trong những ngày diễn ra trận đấu, quảng cáo và tài trợ, hoạt động thương mại và bản quyền truyền hình. Đó là một chuỗi các hệ quả liên quan đến nhau.

Các trận đấu phải diễn ra trên sân bóng không khán giả khiến nó mất đi nhiều sự thu hút, các nhà tài trợ bị thua lỗ và buộc phải cắt giảm chi phí marketing, những biển quảng cáo điện tử trên sân không còn nhiều tác dụng và cuối cùng, thu nhập của người dân giảm sút khiến họ không còn quá thiết tha vào việc xem truyền hình.

Giáo sư Gay de Liébana của Đại học Barcelona tổng kết: “Bóng đá là phương tiện tiếp cận các khán giả vì vậy, khi bóng đá mất đi sự quan tâm thì các nhà tài trợ cũng sẽ rời bỏ nó. Tiếp theo, điều gì sẽ xảy đến với những đơn vị khai thác truyền hình? Tất nhiên là cắt giảm chi phí”.

Trước đó, bản quyền truyền hình La Liga đã liên tục gia tăng mỗi năm khoảng 10% giá trị. Nhưng đứng trước tác động của đại dịch, các hãng truyền hình đã phải điều đình lại để giảm khoảng 5-8% trong mùa giải vừa qua. Tất nhiên, các câu lạc bộ đều phải chấp nhận.

Kết quả, mọi đội bóng đều thiệt hại nặng nề và liên tiếp báo lỗ. Thiệt hại lớn nhất thuộc về Barcelona và Real Madrid, hai câu lạc bộ có doanh thu cao nhất giải đấu. Chỉ riêng việc không bán được vé trong suốt cả mùa giải đã khiến Barca mất đi hơn 120 triệu euro trong khi với Real là gần 110 triệu, mà doanh thu từ các trận đấu chiếm xấp xỉ 17% tổng doanh thu mỗi năm của hai đội bóng.

Bên cạnh việc thất thu lợi nhuận từ matchday, hai gã khổng lồ của La Liga còn chịu thêm một đòn đánh kinh tế khác khi không thể bán các sản phẩm thương mại liên quan đến đội bóng do phải đóng cửa nhiều cơ sở kinh doanh trong thời gian giãn cách xã hội.

Các thiệt hại về kinh tế kéo theo khả năng mua sắm cầu thủ giảm sút nghiêm trọng. Mùa hè năm 2019, tức là gần 1 năm trước khi đại dịch xuất hiện, La Liga xuất ra tổng cộng hơn 1,5 tỷ euro để chiêu mộ cầu thủ. Trước đó trong nhiều năm, giải đấu này là hiện thân của những bản hợp đồng bom tấn mà đi đầu là Real và Barca.

Hai đội bóng lớn nhất La Liga liên tiếp đem về các siêu sao hàng đầu thế giới, vừa để cạnh tranh trong sân cỏ, vừa để phô trương sức mạnh tài chính khủng khiếp của mình. Đi kèm với số tiền chuyển nhượng khổng lồ, các đội bóng cũng phải chi những khoản lương rất lớn trong khi chính sách thuế thu nhập ở Tây Ban Nha thuộc loại cao nhất trong số 5 giải vô địch quốc gia hàng đầu châu Âu.

Mùa hè 2020, tức là khoảng hơn 3 tháng sau khi dịch Covid-19 bùng phát, số tiền mua cầu thủ của La Liga giảm xuống chỉ còn chưa đầy 420 triệu euro, nghĩa là ít hơn 1 tỷ euro so với 1 năm trước đấy. Và hè này, sau khi lĩnh trọn cả một mùa giải gần như không có khán giả ra sân, số tiền chi cho cầu thủ mới của giải đấu chỉ còn lại chưa đầy 150 triệu euro. Con số này ít ỏi đến mức khó tin bởi nó chỉ bằng 1/10 số tiền mà chính các câu lạc bộ ấy chi ra 2 năm trước.

Tổng số tiền mua cầu thủ của La Liga đến thời điểm hiện tại thậm chí không bằng một nửa so với Serie A - giải đấu từ lâu đã bị khoác cái danh “con nhà nghèo” và cũng đang chịu không ít tác động từ dịch bệnh. Và nó càng chênh lệch khi đặt bên cạnh mùa hè của Premier League, nơi vẫn đang diễn ra những vụ chuyển nhượng cực kỳ sôi động dù đã chi hơn 1 tỷ euro cho đến lúc này.

Trong các câu lạc bộ hàng đầu, chỉ có Atletico Madrid là “chịu chi” khi họ bỏ 35 triệu euro để mua Rodrigo de Paul. Barcelona mới chi có 9 triệu euro để mang Emerson Royal, một cầu thủ bậc trung, về từ Betis. Còn lại, đội bóng xứ Catalonya có thêm 3 bản hợp đồng miễn phí với Kun Aguero, Memphis Depay và Eric Garcia.

Ở chiều ngược lại, Barca bán còn nhiều hơn cả mua. Các cầu thủ như Alena, Todibo và Junior Firpo ra đi mang lại cho họ khoảng 28 triệu euro, nghĩa là Barca phải “xuất siêu” sau nhiều năm vung tiền trên thị trường chuyển nhượng. Đối thủ lớn nhất của Barca, Real Madrid, thậm chí chưa bỏ ra xu nào kể từ đầu hè. Bản hợp đồng đáng chú ý duy nhất của họ chỉ là mang David Alaba về sau khi cầu thủ này hết hợp đồng với Bayern Munich.

Các đội bóng lớn khác cũng ở trong tình trạng thắt lưng buộc bụng nghiêm trọng. Sevilla mới chi 16 triệu euro trong khi Athletic Bilbao và Valencia, hai câu lạc bộ có truyền thống chỉ thua kém “tam đại gia”, còn không dám bỏ tiền ra để mua cầu thủ. Chỉ có nhà đương kim vô địch Europa League Villarreal là khá mạnh tay khi tạo ra 3 bản hợp đồng với tổng giá trị khoảng 31 triệu euro.

Những câu lạc bộ giàu có và được chia nhiều phần trong miếng bánh bản quyền truyền hình còn lao đao như thế, thì chúng ta không cần nói cũng biết, những đội bóng nhóm dưới phải chật vật xoay xở như thế nào.

La Liga anh 3

Chủ tịch La Liga Javier Tebas đang chịu áp lực rất lớn trước tình hình khó khăn của giải đấu. Ảnh: Reuters

Giải pháp cho các đội bóng La Liga


Một trong những nguyên nhân khác khiến La Liga phải tiết kiệm còn là chính sách giới hạn quỹ lương mà ban tổ chức quy định. Với giới hạn này, đội bóng nào chi quá nhiều cho tiền lương sẽ không được đăng ký thêm cầu thủ mới. Quy định trên đã khiến Barcelona bị mất đi ngôi sao số 1 của mình cho Paris Saint-Germain, trong khi vẫn đang phải chạy vạy để tìm cách đưa các tân binh, ví dụ như Aguero chẳng hạn, vào danh sách thi đấu mùa tới.

Để hỗ trợ các đội bóng, Chủ tịch La Liga, ông Javier Tebas, cùng các đồng sự của mình đã liên hệ với Quỹ đầu tư CVC Capital Partners để cố gắng tiến tới một thỏa thuận đang làm sôi sục bóng đá Tây Ban Nha trong khoảng nửa tháng qua. Cụ thể, CVC sẵn sàng đổ 2,7 tỷ euro vào La Liga và chia cho các câu lạc bộ theo tỷ lệ “hợp lý” để đổi lấy 10% cổ phần trong một công ty mà Ban tổ chức giải đấu mới thành lập.

Theo chuyên gia tài chính Marc Ciria, 90% số tiền trên sẽ được chia cho các đội bóng dưới hình thức cho vay dài hạn kéo dài khoảng 40 năm. Tất nhiên, số tiền này không phải cho không. Nó sẽ khiến các câu lạc bộ ở La Liga phải chia sẻ 9% lợi nhuận bản quyền truyền hình trong vòng 50 năm.

Toan tính của Tebas đã chia La Liga ra làm hai nửa. Trong 42 câu lạc bộ ở cả hạng nhất và hạng nhì, có 38 đội ủng hộ vị Chủ tịch La Liga. Bốn đội bóng còn lại phản đối là Real Madrid, Barcelona, Athletic Bilbao và Oviedo. Dù chỉ có 4, nhưng lực lượng phản đối lại bao gồm hai câu lạc bộ lớn nhất Tây Ban Nha, cộng thêm với Athletic, niềm tự hào của xứ Basque. Các đội bóng này cho rằng số tiền mà họ được cam kết rót vào quá ít, không đủ để gắn bó thỏa thuận tới 50 năm.

Riêng Real và Barca còn có lý do khác. Cả hai vẫn chưa rút khỏi Super League, và họ hiểu nếu đặt bút ký với CVC, không ngạc nhiên khi đây là đối thủ của JP Morgan (nhà tài trợ ban đầu của Super League), họ sẽ tự trói mình với La Liga trong nửa thế kỷ tới, mà không thể một lần nữa tạo dựng nên giải đấu cho riêng mình. Rõ ràng, dù hai đội bóng này chiếm tới hơn 1/5 số tiền mà CVC đầu tư, con số đó so với số lỗ hàng năm vẫn chỉ như muối bỏ biển.

Những gì mà ban tổ chức La Liga đang làm dù có thành công, cũng chỉ tạm cứu các câu lạc bộ qua cơn khó khăn trước mắt. Tất cả đều đang phải tự mình xử lý các vấn đề nội tại. Những câu lạc bộ lớn có khó khăn lớn, trong khi các câu lạc bộ nhỏ cũng chẳng hề dễ thở hơn.

Đối với Real, từ vài năm qua, chiến lược của Chủ tịch Florentino Perez đã chuyển từ mua sắm các siêu sao trở thành tìm kiếm các “viên ngọc thô” và đánh bóng họ. Việc bán đi Cristiano Ronaldo đánh dấu bước chuyển mình của Real là tiết kiệm chi phí. Mùa giải này, Perez tiếp tục để Sergio Ramos ra đi dưới dạng miễn phí khi hai bên không thỏa thuận được mức lương, đồng thời bán Raphael Varane, người sắp hết hạn hợp đồng, cho Manchester United.

Barcelona còn phải vận động mạnh mẽ hơn, bởi có tới 1/3 số nợ của họ thuộc dạng ngắn hạn. Trong 4 năm trước đó, Barca là đội bóng tiêu tiền cho chuyển nhượng nhiều nhất thế giới. Giờ đây, Laporta chỉ dám ký những bản hợp đồng miễn phí và chấm dứt hoàn toàn những giấc mơ xa vời kiểu Lautaro Martinez hay Erling Haaland.

Barca cũng thèm muốn Alessio Romagnoli của Milan, nhưng đội bóng cũng chỉ xem xét và chờ cầu thủ này hết hợp đồng vào hè năm tới chứ không dám ngỏ lời. Tuy nhiên, chiến lược tiết kiệm chi phí lớn nhất đến từ việc ban lãnh đạo của Barcelona cố gắng thuyết phục các cầu thủ giảm lương. Chỉ có điều, không phải ai cũng là Pique (và cả Messi nữa khi anh vẫn chưa tới PSG) sẵn sàng từ bỏ một phần thu nhập để cống hiến cho đội bóng.

“Kết quả của việc không có những cầu thủ giỏi nhất là giải đấu sẽ không có chất lượng tốt nhất, và giá trị vì thế cũng phải giảm đi”, Peton, đại diện cầu thủ nổi tiếng của Tây Ban Nha, kết luận. Sau khi mất đi đồng loạt những siêu sao như Messi, Ramos hay Varane, La Liga cũng đánh mất nhiều hào quang của mình, giải đấu đứng đầu châu Âu trong 8 năm trước khi bị Premier League qua mặt ở mùa trước.

Nhưng biết đâu, trong rủi lại có may, “cái nghèo” này rất có thể mở đầu cho một chu kỳ mới để họ sản sinh ra những cầu thủ vĩ đại khác từ lớp trẻ.

Theo Zing

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    La Liga nghèo khi không còn Messi và những ngôi sao hàng đầu