Ký ức trường làng

15/11/2020 16:21

Tháng mười một, tôi lại nhớ về trường cũ, trường làng tôi, vài nếp mái ngói thâm trầm, tường in rêu xám, thấp thoáng sau rặng phi lao.

Tháng mười một, tôi lại nhớ về trường cũ, trường làng tôi, vài nếp mái ngói thâm trầm, tường in rêu xám, thấp thoáng sau rặng phi lao. Bình dị vậy thôi mà lòng thương hoài, nhớ hoài. Sau lưng làng tôi là ngọn đồi phi lao bạt ngàn. Trường tôi cũng trồng nhiều phi lao để chắn gió chống bão chứ không nhiều cỏ hoa xanh tốt, cũng không có mái ngói đỏ tươi, bàn ghế thơm mùi gỗ, mùi sơn như người ta hay hình dung. Phi lao nhiều tới mức những ngày trời nổi gió, gió hú qua rặng phi lao có khi át cả tiếng cô giảng bài.

Trường làng tôi là vậy. Nỗi nhớ trong tôi nhiều khi dạt dào thôi thúc bước chân quay về ru lại một thời tuổi hoa. Đó là những tháng ngày hồn nhiên, trong trẻo như hoa lá, tiếng chim ngọt lành. Dù màu áo đến trường có ngả vàng vì mặc lại nhiều năm học, dù đôi dép quai hậu có cũ mòn vì đường xa khúc khuỷu, nhưng nụ cười của những đứa học trò quê vẫn trong veo, lấp lánh, ấm lòng thầy cô trường làng đơn sơ. Tôi nhớ về ngôi trường ấy như nhớ một khoảnh trời gói ghém bao buồn vui tuổi dại, đong đầy những mơ ước ngây ngô tựa trang vở mới tinh khôi.

Trường ở gần con dốc xanh ngút ngàn phi lao che chở làng xóm, là nơi tôi cùng bè bạn rộn rã những trò chơi thơ ấu sau mỗi buổi tan trường. Bóng me tây âm thầm, lẻ loi bao năm vẫn trầm mặc trước những đổi dời thời gian, chứng kiến từng thế hệ học trò lớn lên dưới mái trường thân thuộc, rồi một ngày bay xa như cánh chim di trú. Ngôi trường ấy tuy nhỏ, nhưng đã gieo vào tâm hồn tôi vô vàn hạt mầm biếc xanh màu kỷ niệm, màu ước mơ. Mỗi khối vỏn vẹn hai lớp học với sĩ số cộng lại chỉ vài chục bạn. Nhưng có lẽ cũng vì ít mà chúng tôi càng gắn bó, thêm thân thiết với nhau hơn.
Tôi lại mường tượng khung cửa sổ nhìn về con dốc phi lao xanh trập trùng, là nơi tôi thường hướng mắt xa xăm nghĩ về những vần thơ non nớt. Dưới chân tôi là chiếc lá bàng ứa đỏ nỗi niềm sâu kín, tôi nhận ra cây bàng còi cọc trước cửa lớp năm xưa nay đã tỏa tán rộng, gọi bầy chim về xôn xao. Đứng từ xa lặng nhìn bục giảng vấn vương bụi phấn, tôi chợt nhớ dáng người nhỏ gầy, giọng nói như xa vắng nỗi buồn của cô giáo dạy văn. Cô gửi gắm những yêu thương chân thành vào từng bài giảng, dắt tôi vào khung trời ăm ắp nghĩa tình bao dung. Có lần, cô đã không giấu được nước mắt khi đọc một bài văn ngắn viết về mẹ, trong khoảnh khắc xúc động ấy, cô kể về người mẹ đã khuất của mình cùng những tháng năm ấu thơ khó nhọc. Tôi đã yêu những lời văn, câu thơ tha thiết tình người cũng từ ngày hôm đó. Trái tim bỗng hẫng một nhịp nghẹn ngào. Quê tôi là một xóm nghèo nhưng người làng giàu về tình nghĩa thầy trò, bè bạn. Tôi luôn hàm ơn những người thầy của mình, đã lặng thầm vượt một quãng đường dài để gieo mầm chữ ở nơi này, với một tấm lòng tận tụy, son sắt.

Từ ngôi trường làng bình yên, tôi xa quê, bước vào trường đời với những bài học thấm thía mà tôi không thể nào quên. Những lời dạy da diết yêu thương nơi trường làng vẫn vọng vang trong tiềm thức, làm hành trang để tôi vững vàng đứng dậy trước bao vấp ngã. Về lại trường xưa, thả mình trong khúc nhạc phi lao vi vút, tôi như nghe thời gian vùn vụt trôi mau, tuổi học trò hồn nhiên đã mãi ở lại dưới mái ngói bàng bạc mưa nắng, với phấn trắng, bảng đen lưu dấu hoài niệm. Ngỡ như chỉ mới hôm qua, vọng vang trong tôi là giọng thầy trầm ấm, tiếng đọc bài râm ran…

Ngôi trường làng bình dị của tôi nay đã khang trang trong một hình hài mới. Tất cả những hình ảnh cũ như phôi phai theo bao cuộn xoáy dòng đời. Làng tôi giờ không còn là một làng quê heo hút nữa, thì trường làng tôi cũng không thể cứ mãi lặng thầm mái ngói thâm trầm, tường in rêu xám. Tôi đứng giữa sân trường rưng rưng trước từng phân ảnh cũ mới đan xen. Giữa vui buồn lẫn lộn, tôi nhận ra ký ức cứ ngân nga năm tháng xưa cũ đẹp đẽ nhưng không phải để níu giữ xưa cũ ở lại. Rồi đây, những thế hệ mới sẽ thay tôi đền đáp bao hoài mong của những người lái đò tận tụy, sắt son...

 Tản văn của TRẦN VĂN THIÊN

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Ký ức trường làng