Nước sạch đã được phủ khắp, góp phần thay đổi diện mạo làng quê, nâng cao chất lượng sống của người dân khu vực nông thôn Hải Dương.
Nước sạch đã góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân nông thôn
Thay đổi nhận thức
Hơn 10 năm trước, nước sạch còn quá xa vời đối với nhiều người dân khu vực nông thôn. Nước mưa, nước giếng vẫn được sử dụng phổ biến trong sinh hoạt hằng ngày dù ai cũng biết không bảo đảm vệ sinh. Anh Nguyễn Xuân Lừng ở thôn Cao Xá, xã Thái Hòa (Bình Giang) nhớ lại từ bao đời nay, gia đình anh và các hộ dân trong thôn vẫn sử dụng nước mưa, nước giếng trong sinh hoạt. Sau này, khi kinh tế phát triển, các gia đình dùng thêm nước giếng khoan đỏ lòm, tanh mùi sắt. “Biết là không tốt cho sức khỏe nhưng người dân chẳng còn lựa chọn nào khác”, anh Lừng nói. Làm gì để hàng trăm nghìn hộ dân khu vực nông thôn bỏ bể nước mưa, nước giếng khoan chuyển sang sử dụng nước sạch?
Anh Nguyễn Ngọc Hải, cán bộ HTX Nước sạch Hưng Đạo (Tứ Kỳ) nhớ lại một giai đoạn khó khăn khi vận động người dân chuyển từ nước giếng khoan sang sử dụng nước sạch. “Những năm trước, đời sống của người dân còn khó khăn nên bỏ ra vài triệu đồng lắp hệ thống nước sạch là điều rất khó thực hiện. Người dân từng cho rằng bao đời dùng nước ao, nước giếng chẳng thấy ảnh hưởng gì nên lỡ bỏ giếng khoan, máy bơm, bể lọc để lắp hệ thống nước sạch tốn kém hàng triệu đồng, lại còn phải trả tiền nước sạch hằng tháng”, anh Hải nói. Câu chuyện anh Hải chia sẻ rất phổ biến trong suy nghĩ của nhiều người khi chương trình nước sạch mới được triển khai ở khu vực nông thôn.
Tuyên truyền, vận động nhằm thay đổi nhận thức, thu hút sự tham gia đầu tư của các doanh nghiệp, nâng cao chất lượng nước sạch là những giải pháp quan trọng để hoàn thành mục tiêu đưa nước sạch về khu vực nông thôn.
Ông Bùi Quang Thế, Phó Giám đốc Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh nông thôn (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết để hoàn thành mục tiêu đưa nước sạch về nông thôn, tỉnh đã xây dựng, ban hành hàng loạt chính sách về đất đai, vốn, kỹ thuật, nguồn nhân lực và cơ chế quản lý nhằm thu hút sự tham gia của các thành phần kinh tế trong đầu tư xây dựng các công trình cấp nước sạch khu vực nông thôn, từng bước hình thành mạng lưới nước sạch nông thôn rộng khắp, bền vững. Các cơ quan quản lý của tỉnh cũng yêu cầu các doanh nghiệp áp dụng công nghệ xử lý tiên tiến, phù hợp điều kiện kinh tế, nguồn nước, bảo đảm kiểm soát tốt chất lượng nước từ trạm sản xuất đến tận bể chứa của các hộ, tạo niềm tin trong nhân dân.
Ai cũng có nước sạch
Mạng lưới nước sạch phủ khắp khu vực nông thôn
Với sự vào cuộc mạnh mẽ của các doanh nghiệp, sự hưởng ứng nhiệt tình của người dân, mạng lưới nước sạch không ngừng mở rộng. Ở nông thôn, nước sạch đã dần thay thế các nguồn nước không hợp vệ sinh.
Theo số liệu của Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh nông thôn, hết năm 2018, đã có 455.132 hộ dân với trên 1,5 triệu nhân khẩu khu vực nông thôn trong tỉnh sử dụng nước sạch hợp vệ sinh, đạt tỷ lệ 100%. Trong đó, gần 95% số hộ dân nông thôn được sử dụng nước sạch đạt Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia. Như vậy, hầu hết các hộ dân nông thôn, đặc biệt là các hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn đã được sử dụng nước sạch, góp phần cải thiện chất lượng cuộc sống.
Nhắc đến kỳ tích nước sạch Hải Dương, không thể không nhắc đến vai trò quan trọng của Công ty CP Kinh doanh nước sạch Hải Dương. Ông Bùi Quang Thế, Phó Giám đốc Trung tâm Nước sạch và vệ sinh nông thôn cho biết mặc dù vai trò chính của Công ty CP Kinh doanh nước sạch Hải Dương là cấp nước cho TP Hải Dương và các đô thị trong tỉnh nhưng hưởng ứng chủ trương của tỉnh, doanh nghiệp đã triển khai mở rộng mạng đường ống cấp nước từ các công trình hiện có tới nhiều xã khu vực nông thôn với cơ chế nhà nước và doanh nghiệp cùng làm, người dân đóng góp một phần kinh phí.
Với cơ chế này, Công ty CP Kinh doanh nước sạch Hải Dương đã đầu tư xây dựng mạng đường ống cấp nước trực tiếp cho 64 xã, bán nước qua đồng hồ tổng cho 27 xã khác. Với sự tham gia của các doanh nghiệp, gánh nặng ngân sách được giảm bớt, người dân có cơ hội tiếp cận nguồn nước sạch với chi phí thấp, góp phần hoàn thành mục tiêu nâng cao chất lượng nước, xoá bỏ các trạm sử dụng nước nguồn từ sông nội đồng theo chủ trương của UBND tỉnh.
Hết năm 2018, đã có 221 trong tổng số 227 xã trong tỉnh được cấp nước sạch đạt quy chuẩn QC02/2009/BYT của Bộ Y tế, chiếm 97,4% số xã nông thôn. Các xã còn lại sử dụng nước tự chảy và giếng khoan quy mô hộ có chất lượng tốt, đã được kiểm nghiệm.
Toàn tỉnh đã xây dựng được 78 công trình cấp nước sạch tập trung, trong đó có 73 công trình đang hoạt động công suất thiết kế 120.000m3/ngày đêm với giá trị hàng trăm tỷ đồng từ nguồn xã hội hoá và vốn ngân sách.
Các công trình cấp nước được đầu tư đồng bộ, mở rộng cấp nước theo hướng liên xã. Hiện tất cả các công trình đang hoạt động có nguồn cấp nước sạch đạt quy chuẩn, bảo đảm công suất, áp lực và lưu lượng, đáp ứng nhu cầu sử dụng của người dân. Một mạng lưới nước sạch nông thôn rộng khắp, bền vững đã được hình thành, tạo cơ hội cho tất cả người dân được tiếp cận nước sạch một cách dễ dàng.
Chính sự mạnh mẽ trong chỉ đạo, điều hành, cùng sự linh hoạt, phù hợp của các cơ chế, chính sách, nước sạch đã được phủ khắp, góp phần thay đổi diện mạo làng quê, nâng cao chất lượng sống của người dân khu vực nông thôn Hải Dương. Ước mơ có nước sạch từ bao đời của người dân đã trở thành hiện thực, tạo tiền đề quan trọng cho Hải Dương phát triển bền vững.
VỊ THUỶ