Nông nghiệp - Nông thôn

Kỹ thuật canh tác tiên tiến giúp lúa nếp 415 cho năng suất cao hơn 7-10 tạ/ha so với canh tác truyền thống

HT 25/05/2024 10:55

Nhờ ứng dụng kỹ thuật canh tác tiên tiến, giống lúa nếp 415 cho năng suất suất cao hơn 7-10 tạ/ha so với canh tác truyền thống.

img_3513.jpg
Mô hình ứng dụng kỹ thuật canh tác tiên tiến trên giống nếp 415 tại xã Quyết Thắng (TP Hải Dương) dự kiến cho năng suất từ 60-62 tạ/ha

Sáng 24/5, tại xã Quyết Thắng (TP Hải Dương), Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm tổ chức hội thảo đầu bờ đánh giá kết quả xây dựng mô hình ứng dụng kỹ thuật canh tác tiên tiến sản xuất lúa nếp 415 thương phẩm chất lượng cao, liên kết theo chuỗi tại một số tỉnh đồng bằng sông Hồng.

Vụ xuân năm 2024, mô hình sản xuất giống lúa nếp 415 được thực hiện với quy mô 40 ha tại các xã Quyết Thắng (TP Hải Dương), Phạm Kha và Hồng Quang (cùng huyện Thanh Miện).

Mô hình này áp dụng kỹ thuật làm đất với độ sâu 25-20 cm để vùi rơm rạ, lồng dập, bừa đất, san phẳng ruộng kết hợp với chế phẩm Trichoderma. Chế phẩm này kết hợp với phân hữu cơ giúp cải tạo đất tơi xốp và tăng độ phì nhiêu, cân bằng độ pH và giải độc đất, tăng hiệu quả sử dụng phân bón. Phương thức gieo cấy áp dụng mạ khay, cấy máy. Giai đoạn sau cấy, khi cây lúa có trên 2 lá, cần giữ đều nước trên mặt ruộng với độ ngập 5-7 cm, đặc biệt sau bón thúc, cần giữ nước nông để lúa đẻ nhánh tập trung. Giai đoạn lúa đẻ nhánh tối đa, cần tháo nước hoặc không bơm, không lấy nước tưới để khô mặt ruộng cho đến khi mặt ruộng cứng, nứt chân chim (khoảng 5-7 ngày, tùy tình hình thời tiết). Sau giai đoạn bón đón đòng thì lấy nước ngập mặt ruộng, giai đoạn này không tưới bổ sung, tiếp tục để ruộng khô cho rễ lúa ăn sâu. Trước khi trỗ 5-7 ngày, khi lá đòng xuất hiện thì tiếp tục lấy nước và giữ nước đều trên mặt ruộng cho đến khi lúa chín đỏ đuôi.

Trong quá trình bón phân, sử dụng lượng cân đối, phù hợp với chất đất, dùng máy phun phân dạng hạt để bảo đảm đồng đều và tiết kiệm công lao động.

anh-dai-bieu.jpg
Các đại biểu nghe đánh giá kết quả mô hình

Kết quả, tại mô hình ở xã Quyết Thắng, lúa nếp 415 cho năng suất dự kiến khoảng 60-62 tạ/ha, cao hơn từ 7-10 tạ/ha so với giống nếp 415 cấy đại trà. Tỷ lệ hạt lép là 8,2% (lúa nếp 415 gieo cấy đại trà có tỷ lệ hạt lép từ 8-12% trong vụ xuân). Mô hình sản xuất áp dụng kỹ thuật tiên tiến có nhiều ưu điểm vượt trội so với phương pháp canh tác truyền thống, cho năng suất cao, giảm đầu tư, hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật…

HT
(0) Bình luận
Kỹ thuật canh tác tiên tiến giúp lúa nếp 415 cho năng suất cao hơn 7-10 tạ/ha so với canh tác truyền thống
ss