Mô hình trồng chuối già Nam Mỹ gắn với bao tiêu sản phẩm ở xã Hà Thanh, huyện Tứ Kỳ (Hải Dương) đang mang lại nguồn thu nhập cao, mở ra hướng đi mới, đầy tiềm năng cho người dân địa phương .
Hiệu quả bước đầu
Hơn 10 năm trước, người dân xã Hà Thanh đã tận dụng diện tích bãi bồi ven sông Luộc bỏ hoang, cải tạo để trồng chuối. Tuy nhiên, trồng chuối bài bản theo hướng sản xuất hữu cơ, đáp ứng các tiêu chuẩn để xuất khẩu thì cây chuối già Nam Mỹ là mô hình đầu tiên.
Mô hình trồng chuối già Nam Mỹ gắn với bao tiêu sản phẩm do UBND huyện Tứ Kỳ phối hợp với Viện Nghiên cứu rau quả (Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam) triển khai thực hiện từ tháng 3/2023 với quy mô 4 ha tại xã Hà Thanh. Các hộ dân tham gia mô hình được cung cấp toàn bộ cây giống, được tập huấn, hướng dẫn quy trình kỹ thuật trồng, chăm sóc và được thông tin về tình hình sản xuất, thị trường tiêu thụ sản phẩm. Đến nay, toàn xã đã có 21 hộ tham gia với diện tích hơn 10 ha.
Gia đình ông Nguyễn Chí Quốc là một trong những hộ dân chuyển từ trồng chuối theo cách làm truyền thống sang mô hình trồng chuối già Nam Mỹ theo hướng hữu cơ. Theo ông Quốc, vụ thu hoạch chuối già Nam Mỹ đầu tiên vào đúng dịp Tết Nguyên đán vừa qua, có giá bán từ 300.000-350.000 đồng/buồng, cao hơn từ 50.000-70.000 đồng/buồng so với chuối thông thường. “Cây chuối già Nam Mỹ dễ trồng, thân cây không quá cao, ít sâu bệnh, quả đều, dễ tiêu thụ. Việc trồng loại cây này cũng không mất quá nhiều công sức, lại cho thu hoạch ngay trong năm. Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Hà Thanh phối hợp với các đơn vị, doanh nghiệp liên kết tiêu thụ sản phẩm nên người dân không lo về giá, đầu ra”, ông Quốc nói.
Theo ông Nguyễn Trọng Tải, Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp xã Hà Thanh, trồng chuối Nam Mỹ là hướng đi mới nhưng bước đầu đã cho thấy tiềm năng phát triển. Cây chuối phát triển tốt, năng suất có thể đạt 50 - 55 tấn/ha. Quả chuối đều, có vị ngọt thanh, dễ tiêu thụ. “Quan trọng hơn là việc trồng chuối theo hướng hữu cơ góp phần nâng cao nhận thức cho các hộ dân về sản xuất, hạn chế việc sử dụng phân bón hóa học, tạo ra các sản phẩm an toàn cho người tiêu dùng, góp phần bảo vệ môi trường”, ông Quốc cho biết.
Mong muốn nhân rộng
Từ việc thu hoạch 1 vụ trong năm, đến nay, người dân xã Hà Thanh đã điều chỉnh cách chăm sóc để cây chuối già Nam Mỹ có thể thu hoạch 2 vụ/năm (vào tháng 6 và tháng 12 âm lịch).
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Trọng Tải, Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp xã Hà Thanh, tiềm năng trồng chuối ở địa phương khá lớn nhưng để đủ điều kiện xuất khẩu thì phải đáp ứng nhiều tiêu chí về số lượng và chất lượng. Các hộ dân trong xã chủ yếu trồng chuối theo hướng truyền thống, ngại tham gia mô hình. Vì thực tế hiện nay giá bán chuối đủ tiêu chuẩn xuất khẩu vẫn không cao hơn nhiều so với chuối canh tác theo truyền thống. Điều này không hấp dẫn được nông dân tập trung trồng, chăm sóc để đạt tiêu chuẩn xuất khẩu. “Ngoài việc khuyến khích các hộ dân tham gia mô hình, chúng tôi cũng mong doanh nghiệp tiếp tục hợp tác, liên kết chặt chẽ với hợp tác xã, lo đầu ra ổn định để từ đó nhân rộng mô hình trong xã”, ông Tải nói.
Theo Bà Vũ Thị Hà, Phó Bí thư Huyện uỷ, Chủ tịch UBND huyện Tứ Kỳ, mong muốn của địa phương là chuối già Nam Mỹ sẽ xuất khẩu sang các nước trên thế giới như Ban Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản… Từ đó, tận dụng được diện tích sẵn có tại địa phương, mang lại nguồn thu nhập cao cho người dân nơi đây. Thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục quan tâm, đồng hành với người dân tham gia mô hình, liên kết để việc tiêu thụ thuận lợi, rộng mở hơn.
NT