Hiện nay, ký gửi hàng hóa không còn là phương thức kinh doanh xa lạ. Phương thức này có nhiều lợi ích nhưng cũng tiềm ẩn rủi ro.
Hai bên cùng có lợi
Ký gửi hàng hóa được coi là phương thức nhanh chóng và tiện lợi vì vừa tiết kiệm thời gian, vừa có thể quảng cáo mặt hàng, sản phẩm đến nhiều người tiêu dùng. Cửa hàng, đại lý kinh doanh được coi là trung gian kết nối, người có nhu cầu ký gửi sẽ liên hệ và gửi sản phẩm mình muốn bán đến các cửa hàng. Hai bên sẽ thỏa thuận thống nhất giá bán sản phẩm, thời hạn bán. Nếu tiêu thụ được hàng hóa, người bán sẽ được trả từ 5- 15% giá trị sản phẩm tùy theo thỏa thuận.
Chị Nguyễn Ngọc Hà ở phường Trần Phú (TP Hải Dương) kinh doanh cà phê nhiều năm nay. Chị Hà cho biết: “Tôi bắt đầu nhận bán hàng ký gửi cách đây khoảng 6 năm. Các mặt hàng chủ yếu là quần áo, giày dép. Đây là những sản phẩm của một số người bán hàng online và một vài cửa hàng nhỏ lẻ”.
Khách ký gửi hàng đều là bạn bè, người quen của chị Hà, họ đều không có địa điểm bán hàng thuận lợi hoặc đang bán hàng online. Theo thỏa thuận, với mỗi món hàng nhận ký gửi, khi bán được chị Hà sẽ nhận khoảng 10% giá trị sản phẩm. Những món hàng không bán được, chị Hà sẽ trả lại cho chủ nhân. Doanh thu cao hay thấp dựa vào số lượng sản phẩm bán được, nên khi có khách tới quán uống cà phê, chị Hà đều tích cực quảng bá, giới thiệu sản phẩm để có nhiều người mua. Từ việc bán hàng ký gửi, mỗi tháng chị Hà cũng có thêm khoản tiền hơn 2 triệu đồng.
Chị Phạm Thị Vinh ở xã Tuấn Việt (Kim Thành) đã mở quán tạp hóa khoảng 10 năm nay. Vài năm trước, chị bắt đầu nhận ký gửi hàng hóa với các mặt hàng chủ yếu là bánh kẹo. Dịp này, chị nhận ký gửi hơn 100 chiếc bánh Trung thu, giá từ 30.000-50.000 đồng/chiếc.
Theo chị Vinh, đối với kinh doanh thông thường, chị phải cần vốn mới nhập được hàng thì với hình thức kinh doanh này chị chỉ phải thanh toán tiền hàng cho đối tác sau khi sản phẩm đã được bán. Ngược lại, nếu sau một khoảng thời gian nhất định mà vẫn không bán được hàng, chị có thể gửi lại đối tác mà không mất chi phí.
Anh Vũ Đình Trường ở xã Quốc Tuấn (Nam Sách) phân phối nhiều loại mặt hàng cho các đại lý, cửa hàng tạp hóa trên địa bàn tỉnh. Dịp này, anh Trường ký gửi gần 6.000 chiếc bánh Trung thu của một cơ sở sản xuất tại Hà Nội tới một số đại lý, cửa hàng tạp hóa trong tỉnh.
Theo anh Trường, nhờ chính sách linh hoạt nên nhiều chủ cửa hàng đồng ý nhận ký gửi, tạo thuận lợi, nâng cao tính cạnh tranh, nhất là những sản phẩm mới có mặt trên thị trường. “Thông qua các chủ cửa hàng, chúng tôi có thể nhận phản hồi của người tiêu dùng về các sản phẩm rồi thông tin đến các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất để có những thay đổi phù hợp nhằm nâng cao chất lượng cũng như mẫu mã sản phẩm”, anh Trường nói.
Ràng buộc lỏng lẻo
Dù có ưu điểm nhưng kinh doanh hàng ký gửi cũng tiềm ẩn rủi ro. Nếu bên nhận không có nhiều kinh nghiệm thì có thể gặp phải khó khăn nếu bán các mặt hàng, sản phẩm chất lượng kém. Điều này sẽ ảnh hưởng hoạt động kinh doanh chung.
Đại diện cửa hàng Ngọc Hảo ở xã Tân Việt (Thanh Hà) cho biết: “Sau một thời gian nhận bán hàng ký gửi thấy có thể phát sinh rủi ro nên hiện nay cửa hàng đã không còn nhận hàng ký gửi của các cá nhân, đơn vị phân phối mà chỉ kinh doanh theo phương thức truyền thống là giao tiền, nhận hàng”.
Mỗi khi nhận hàng hóa ký gửi, chị Vinh và đối tác chỉ có đơn giao nhận hàng chứ không có hợp đồng, một số yêu cầu, điều kiện đều được thỏa thuận, trao đổi miệng. Nếu không may xảy ra tranh chấp thì sẽ rất bất lợi.
Về phía bên giao hàng ký gửi cũng có thể bị thiệt hại trong việc nhận lại hàng hóa như bị hư hỏng hoặc gặp một số rủi ro khác như hàng đã được bán nhưng chưa được chủ cửa hàng thanh toán, hàng bán ra không đúng với giá đã thống nhất…
Theo anh Trường, để hạn chế những rủi ro trên nên anh chỉ ký gửi hàng hóa tại những cửa hàng, đại lý quen.
Trước những rủi ro này, khi tham gia hình thức kinh doanh ký gửi hàng hóa, bên ký gửi và bên cho ký gửi cần có hợp đồng để tránh phát sinh tranh chấp, bảo vệ lợi ích của hai bên và cả bên thứ ba là người tiêu dùng. Các bên có thể chụp ảnh, quay video hàng hóa làm căn cứ xác định tình trạng hàng hóa tại thời điểm giao nhận, ký kết hợp đồng.
HUYỀN TRANG