Xăng, điện "ép" giá hàng hóa tăng

27/04/2019 09:15

Giá xăng tăng 2 lần liên tiếp cùng với giá điện tăng 8,36% trước đó đã làm cho giá nhiều hàng hóa, dịch vụ có xu hướng tăng theo.


Giá hàng hóa, dịch vụ có dấu hiệu tăng khi giá xăng, điện tăng lên

Thiết lập mặt bằng giá mới

Việc tăng giá điện tác động đến chi phí sản xuất của không ít doanh nghiệp (DN), buộc họ phải điều chỉnh tăng giá bán sản phẩm. Từ ngày 20.3, Công ty TNHH một thành viên Xi măng vicem Hoàng Thạch đã tăng giá bán thêm từ 20.000-50.000 đồng/tấn xi măng. Công ty TNHH Sản xuất vật liệu xây dựng Thành Công tăng giá bán xi măng thành phẩm thêm 30.000 đồng/tấn từ ngày 1.4. Đại diện lãnh đạo Công ty TNHH một thành viên Xi măng Vicem Hoàng Thạch cho biết: "Để tăng sức cạnh tranh, DN rất muốn giảm giá bán sản phẩm. Nhưng giá điện tăng khiến chi phí sản xuất tăng lên rất nhiều. Vì vậy, DN không còn cách nào khác phải tăng giá bán sản phẩm".
Giá xăng tăng mạnh thì tác động đến nhiều DN vận tải. Hiện hãng taxi Rồng Vàng vẫn duy trì mức cước 9.500 đồng/km đầu và 11.000 đồng cho các km tiếp theo. Theo bà Nguyễn Thị Quyên, đại diện hãng nếu duy trì mức giá như hiện nay thì DN đang lỗ khoảng 15% do giá xăng tăng liên tục thời gian vừa qua. Nhất là vào mùa hè, khi chở khách, xe thường phải bật điều hòa, lượng xăng tiêu hao nhiều hơn thì lỗ càng nặng. "Chúng tôi chuẩn bị báo cáo với Hiệp hội Taxi Hải Dương để cùng với các hãng taxi xin phép tăng giá cước", bà Quyên nói.

Tại TP Hải Dương, giá một số mặt hàng cũng đang rục rịch tăng. Giá bán lẻ 16 loại sữa thương hiệu Dutch Lady do Công ty Friesland Campina Việt Nam cung cấp đã tăng thêm 5% so với tháng trước. Các cửa hàng tạp hóa bán các loại sữa của Vinamilk cũng vừa nhận được thông báo giá một số loại sữa của hãng sẽ tăng thêm 5% vào cuối tháng 4 này. Chị Hoàng Thị Nga, chủ một cửa hàng tạp hóa ở phố Đàm Lộc, phường Tân Bình cho biết: "Hiện những mặt hàng chúng tôi nhập về từ 2 tháng trước thì giá bán vẫn giữ nguyên. Nhưng với những đơn hàng tiếp theo nhiều khả năng sẽ tăng giá. Ngày 19.4, một số đại lý lớn chuyên cung cấp hàng cho chúng tôi đã thông báo tăng giá một số sản phẩm. Hàng hóa tăng giá theo giá điện và giá xăng chỉ còn là vấn đề thời gian".

Theo Trung tâm Xúc tiến thương mại (Sở Công thương), giá xăng và điện tăng trước mắt chưa ảnh hưởng nhiều đến giá của một số mặt hàng tiêu dùng thiết yếu nhưng với những sản phẩm mà quá trình sản xuất phải tiêu tốn nhiều điện năng, chi phí vận chuyển lớn thì đã sớm được điều chỉnh tăng giá. Từ giữa tháng 4 đến nay, giá sắt thép, xi măng tại Hải Dương đã tăng từ 5-10% so với tháng trước. Bia, nước giải khát, hoa quả từ miền Nam cũng tăng giá. Nhiều loại hàng hóa đang bắt đầu thiết lập mặt bằng giá mới.


​Giá cước chở nông sản từ Uông Bí (Quảng Ninh) về chợ Hội Đô (TP Hải Dương) đã tăng 1.000 đồng/km

Không để "té nước theo mưa"

Theo ông Nguyễn Văn Quang, Trưởng Phòng Quản lý thương mại (Sở Công thương), nếu các DN không cân đối được chi phí sản xuất khi giá điện, xăng tăng cùng lúc thì giá cả hàng hóa tăng theo trong thời gian tới là không tránh khỏi. Hiện nay, tại các siêu thị lớn như Vinmart+ (TP Chí Linh), Big C, Intimex (TP Hải Dương), hàng hóa vẫn giữ giá ổn định so với tháng trước. Nguyên nhân do các siêu thị này đã ký kết các hợp đồng cung cấp hàng hóa với đối tác trước đó khoảng từ 6 tháng đến 1 năm. Nhưng theo nhận định của ông Quang, giá cả hàng hóa ở các siêu thị cũng sẽ khó ổn định được lâu dài bởi nếu giá xăng và điện tăng tác động nhiều đến các DN sản xuất, buộc họ phải đàm phán lại giá cung cấp cho các siêu thị khi ký hợp đồng mới. Hiện nay, các siêu thị cũng đang rốt ráo đàm phán với các nhà sản xuất để giữ được mức giá ổn định, nếu có tăng thì tăng ít để vẫn có thể kích cầu tiêu dùng và tăng đều doanh thu.

Để tránh tình trạng "té nước theo mưa" dẫn đến tăng giá quá mức, Sở Công thương đã chỉ đạo Trung tâm Xúc tiến thương mại rà soát, kiểm tra, khảo sát giá cả thị trường hàng hóa để có đánh giá cụ thể, tham mưu cho UBND tỉnh đề ra các chính sách phù hợp. Sở Công thương đang phối hợp tiếp tục xây dựng các điểm bán hàng bình ổn giá, phát huy hiệu quả của các điểm bán hàng Việt. Khuyến khích các DN đưa hàng về nông thôn có cam kết bán hàng với giá bình ổn. Tích cực thực hiện các chương trình khuyến mãi, giảm giá để kích cầu tiêu dùng... UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ban, ngành, đơn vị liên quan và các địa phương chủ động theo dõi diễn biến giá cả hàng hóa, nhất là các mặt hàng quan trọng như thuốc chữa bệnh, sữa, cước vận tải... Tăng cường kiểm tra các cơ sở kinh doanh lớn trên địa bàn, phát hiện và xử lý nghiêm những trường hợp lợi dụng tác động kép của việc tăng giá xăng, điện, đầu cơ găm hàng, tăng giá bất hợp lý.

LAN LONG

(0) Bình luận
Xăng, điện "ép" giá hàng hóa tăng