VPI dự báo giá xăng bán lẻ trong kỳ điều hành ngày 21/3 có thể tăng trên 2%, tương đương 464-470 đồng, dự báo đưa giá xăng lên mức 22.954 đồng/lít (E5 RON 92) và 24.010 đồng/lít (RON 95-III).
Mô hình dự báo giá xăng dầu ứng dụng Machine Learning của Viện Dầu khí Việt Nam (VPI) cho thấy, tại kỳ điều hành ngày 21/3, giá bán lẻ xăng dầu dự báo sẽ tăng từ 0,7-3,8% và Liên bộ Tài chính-Công Thương có thể sẽ tiếp tục trích lập Quỹ bình ổn giá xăng dầu đối với dầu mazut.
Ông Đoàn Tiến Quyết, chuyên gia cao cấp phân tích dữ liệu của VPI, cho biết mô hình dự báo giá xăng dầu ứng dụng mô hình mạng nơ ron nhân tạo (Artificial Neural Network - ANN) và thuật toán học có giám sát (Supervised Learning) trong Machine Learning của VPI dự báo giá xăng bán lẻ trong kỳ điều hành ngày 21/3 có thể tăng trên 2%, tương đương 464-470 đồng, dự báo đưa giá xăng lên mức 22.954 đồng/lít (E5 RON 92) và 24.010 đồng/lít (RON 95-III).
VPI dự báo giá dầu bán lẻ kỳ này đều chung xu hướng tăng, trong đó giá dầu mazut tăng mạnh nhất (6,8%), lên mức 17.053 đồng/kg; tiếp theo là giá dầu hỏa tăng 1,5% lên mức 21.021 đồng/lít; giá dầu diesel tăng không đáng kể 0,7% lên mức 20.678 đồng/lít.
Mô hình của VPI dự báo kỳ này Liên bộ Tài chính-Công Thương có thể sẽ tiếp tục trích lập Quỹ bình ổn giá xăng dầu đối với dầu mazut ở mức 300 đồng/kg.
Trên thị trường thế giới, giá dầu thế giới tăng lên mức cao nhất trong 4 tháng giữa bối cảnh xuất khẩu dầu thô từ Iraq và Saudi Arabia giảm trong khi nhu cầu tiêu thụ tại Trung Quốc và Mỹ có dấu hiệu tăng mạnh hơn.Chốt phiên giao dịch ngày 18/3, giá dầu Brent giao dịch kỳ hạn tăng 1,8%, lên mức 86,89 USD/thùng.
Trong khi đó, giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) tăng 2,1%, lên 82,72 USD/thùng. Theo đó, giá dầu Brent đóng cửa ở mức cao nhất kể từ ngày 31/10/2023 và giá dầu WTI đóng cửa ở mức cao nhất kể từ ngày 27/10/2023. Tại các thị trường năng lượng khác, giá xăng kỳ hạn của Mỹ đóng cửa ở mức cao nhất kể từ ngày 31/8.
Về phía nguồn cung, Iraq- quốc gia sản xuất dầu lớn thứ hai của Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) sẽ giảm xuất khẩu dầu thô xuống 3,3 triệu thùng/ngày trong những tháng tới để bù đắp cho việc vượt hạn ngạch của OPEC và các đồng minh (OPEC+) kể từ tháng Một.
Trong khi đó, xuất khẩu dầu thô của Saudi Arabia-nhà sản xuất lớn nhất của OPEC giảm tháng thứ hai liên tiếp, từ mức 6,308 triệu thùng/ngày trong tháng 12/2023 xuống 6,297 triệu thùng/ngày trong tháng 1/2024.
Về phía cầu, quốc gia nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới là tại Trung Quốc có sản lượng chế tạo và doanh số bán lẻ đều vượt kỳ vọng trong giai đoạn từ tháng Một đến tháng Hai, đánh dấu sự khởi đầu vững chắc cho năm 2024 và mang lại một số hỗ trợ cho các nhà hoạch định chính sách.
Theo Công ty tư vấn năng lượng Gelber & Associates, nhu cầu dầu thô từ Trung Quốc tiếp tục là yếu tố chi phối thị trường.
Tại nền kinh tế lớn nhất thế giới là Mỹ, tăng trưởng kinh tế mạnh hơn dự kiến và lạm phát gia tăng trong năm nay đã khiến các nhà đầu tư đẩy lùi kỳ vọng về đợt cắt giảm lãi suất đầu tiên của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) từ tháng Năm sang tháng Sáu, đồng thời hạ dự báo vào số lần cắt giảm lãi suất trong năm nay.