Giai đoạn đầu, Cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam gặp không ít khó khăn do tâm lý người tiêu dùng sính ngoại và thích sử dụng hàng trôi nổi giá rẻ.
Nhiều thương hiệu hàng Việt chất lượng đã tìm được chỗ đứng trên thị trường
Người dân thiếu thông tin về hàng Việt nên việc thay đổi thói quen rất khó. Thế nhưng, hành trình 10 năm của cuộc vận động ý nghĩa này đã tạo sự chuyển biến rõ nét trong nhận thức và tiêu dùng của người dân.
Từ thói quen đến ưu tiên tiêu dùng
Ghi nhận ý kiến nhiều người nội trợ cho rằng, 10 năm trở về trước, hàng Việt chưa phong phú chủng loại, đa dạng mẫu mã nên người dân có xu hướng tìm đến hàng ngoại để bù đắp. Nhưng hiện nay, hàng Việt đã phát triển, đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng. Với nhiều người, việc mua sắm, sử dụng hàng Việt không còn là lời kêu gọi mà dần trở thành thói quen. Nhiều thương hiệu hàng Việt chất lượng đã tìm được chỗ đứng trên thị trường.
Nghệ sĩ Hạnh Thuý, đại diện Câu lạc bộ Đại sứ Hàng Việt chia sẻ, trước khi có Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, gia đình chị sử dụng hàng Việt như thói quen và chỉ chọn hàng hóa phù hợp, đảm bảo chất lượng. Tuy nhiên, từ khi có cuộc vận động thì các thành viên trong gia đình nhận thức hơn về việc sử dụng và ưu tiên lựa chọn hàng Việt.
Thậm chí, nhiều người dân ủng hộ hàng Việt còn vận động lẫn nhau cùng sử dụng. Điều này khẳng định Cuộc vận động đã phát huy được hiệu quả, tạo sức lan tỏa lớn trong cộng đồng. Tuy nhiên, hiện vẫn còn một bộ phận người dân cảm thấy chưa có thông tin để nhận diện thương hiệu, hàng việt; họ không phân biệt được hàng giả - hàng thật. Đây là thiệt thòi đối với người tiêu dùng vùng sâu, vùng xa và cũng là thách thức đối với cả đơn vị sản xuất kinh doanh lẫn cơ quan quản lý Nhà nước trong nỗ lực hỗ trợ hàng Việt tiếp cận người tiêu dùng.
Ngoài siêu thị, mạng lưới chợ truyền thống là kênh người tiêu dùng không thể bỏ vì thói quen tiêu dùng và có sự tương tác. Do đó, để người dân nhận diện thương hiệu hàng Việt, phân biệt được hàng giả - hàng thật, nhất là đối với vùng sâu, vùng xa thì đòi hỏi phải có hoạt động thiết thực trong tiếp cận người tiêu dùng. Trước bối cảnh này, Ban quản lý các chợ truyền thống tại Tp. Hồ Chí Minh đã tổ chức nhiều hoạt động quảng bá hàng Việt và tăng cường kiểm tra, giám sát hệ thống lưu thông hàng hóa trên thị trường.
Đơn cử như với tình trạng cân thiếu, lừa dối nguồn gốc xuất xứ sản phẩm, gây mất lòng tin của người tiêu dùng…, Ban quản lý các chợ tại nhiều quận, huyện trên địa bàn Tp. Hồ Chí Minh đã bố trí cân đối chứng; nâng cao nhận thức không thách giá và cách thức phục vụ lịch sự cho thương nhân, tiểu thương; thường xuyên tổ chức cập nhật kiến thức cho thương nhân, tiểu thương trong tư vấn hàng Việt, doanh nghiệp, nhãn hàng…
Theo bà Hà Hiền, tiểu thương chợ Bà Chiểu, tuy những hoạt động này chỉ góp một phần rất nhỏ nhưng lại tạo ra sự thay đổi lớn, hỗ trợ tiểu thương nâng cao nhận thức về hàng Việt, xu hướng kinh doanh văn minh và hiện đại để giữ vị thế của mạng lưới chợ truyền thống. Bây giờ đi chợ truyền thống thấy khá sạch sẽ, đảm bảo vệ sinh, hàng hóa đa dạng, đem lại nhiều trải nghiệm cho khách hàng.
Cánh tay nối dài của doanh nghiệp
Trong 10 năm qua, kể từ khi Bộ Chính trị công bố Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao đã là đối tác chính thức của Bộ Công Thương với 2 chương trình lớn: “Đưa hàng Việt về nông thôn” và “đưa hàng Việt phục vụ công nhân”.
Tuy nhiên, muốn hội nhập hiệu quả hơn với cuộc cách mạng 4.0 và thâm nhập sâu hơn, bền vững hơn với thị trường thế giới, Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao đã khởi động xây dựng Bộ tiêu chí Hàng Việt Nam chất lượng cao - Chuẩn hội nhập song song với Hàng Việt Nam chất lượng cao do người tiêu dùng bình chọn. Bộ tiêu chuẩn với sự đồng hành từ đầu của Bộ Khoa học và Công nghệ (quản lý nhà nước về tiêu chuẩn) nhằm khuyến khích doanh nghiệp chọn, xây dựng cho mình các tiêu chuẩn Việt Nam và cả quốc tế.
Bà Trần Thị Thu Hương, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ quận 5 cho biết, xác định cuộc vận động là hoạt động thiết thực và quan trọng đối với đời sống an sinh xã hội, Ban chỉ đạo Cuộc vận động tại quận 5 đã thực hiện phân loại đối tượng để tuyên truyền hiệu quả. Giải pháp tuyên truyền, cung cấp thông tin linh động đã và đang góp phần đưa hàng Việt đến tay người tiêu dùng, thúc đẩy thực hiện cuộc vận động đi vào chiều sâu, lan tỏa khắp các địa bàn dân cư.
Do đặc thù địa bàn quận 5 có nhiều người Hoa làm ăn, sinh sống nên Ban chỉ đạo Cuộc vận động đã biên soạn văn bản tiếng Hoa và chuyển ngữ những chương trình hành động trong tuyên truyền; tập trung triển khai các hội thi, sân chơi văn hóa, văn nghệ… gắn với hàng Việt; kết nối nhiều tổ chức, cá nhân đồng hành cùng doanh nghiệp đưa sản phẩm đến tại địa phương như các phường, khu dân cư đông… - bà Hương dẫn chứng.
Tương tự, tại các quận, huyện khác trên địa bàn TP Hồ Chí Minh, ngoài hoạt động tuyên truyền triển khai cuộc vận động, nhiều đơn vị còn sáng kiến ra tổ chức những chương trình hành động thiết thực như phát phiếu quà tặng, đổi rác sinh hoạt lấy quà… nhằm khuyến khích người dân cập nhật thông tin, tiếp cận, tiêu dùng hàng Việt. Đặc biệt, một số Ban chỉ đạo tại các quận, huyện còn tổ chức cho người dân tham quan quy trình sản xuất kinh doanh hàng Việt, tiếp sức doanh nghiệp trong quá trình tiếp cận người tiêu dùng.
Chợ vải Soái Kình Lâm thuộc Thương xá Đồng Khánh là một ví dụ. Nếu trước đây, ở lĩnh vực vải sợi, thị phần hàng Việt còn rất khiêm tốn thì cuộc khảo sát mới đây của Ban ngành cho thấy hàng Việt đã chiếm khoảng 75% mặt hàng kinh doanh. Kết quả này đã chỉ ra rằng, qua hành trình 10 năm tuyên truyền, vận động thương nhân, tiểu thương thành lập cửa hàng liên kết, hợp tác thúc đẩy quảng bá hàng Việt đã phát huy hiệu quả.
Ông Phạm Thiết Hòa, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP Hồ Chí Minh (ITPC) cho biết, trước nhu cầu tiếp nhận thông tin ngày càng cao của doanh nghiệp, hoạt động kết nối cung cấp thông tin ngày càng được các tổ chức xúc tiến tăng cường.
Cụ thể, Trung tâm xúc tiến các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam đã kết nối thông tin thông qua việc liên kết trang website, thường xuyên đăng tải báo cáo về nghiên cứu thị trường, chương trình hoạt động, sự kiện của các tỉnh, thành phố để giới thiệu cho doanh nghiệp tại địa phương và trong khu vực tiếp cận thị trường.
Mặt khác, báo cáo của ITPC với vai trò Trưởng Ban điều phối “Chương trình hợp tác trên lĩnh vực xúc tiến thương mại – đầu tư giữa các đơn vị xúc tiến thương mại – đầu tư các tỉnh, thành phố phía Nam” cũng cho thấy, trong giai đoạn 5 năm ( 2014 – 2019), các tỉnh, thành khu vực phía Nam đã tổ chức thực hiện gần 2.450 sự kiện xúc tiến thương mại, hỗ trợ doanh nghiệp quảng bá sản phẩm, dịch vụ, hàng Việt tại thị trường trong nước và quốc tế.
MỸ PHƯƠNG
Bài 2: Hàng Việt trước yêu cầu chuyển đổi