Xã Đồng Tâm (Ninh Giang) là điểm sáng quản lý, sử dụng tiền công đức. Không ít ban quản lý di tích ở trong và ngoài tỉnh đã đến đây học tập kinh nghiệm.
Két đựng tiền công đức tại đền Tranh được niêm phong, khóa 2 lớp
Chặt chẽ, minh bạch
Dẫn chúng tôi đi thăm di tích lịch sử văn hóa quốc gia đền Tranh, chỉ tay về khu vực bàn ghi công đức, Chủ tịch UBND xã Đồng Tâm Trịnh Văn Thuần nói: “Khu vực này chúng tôi lắp hệ thống camera giám sát. Bàn ghi công đức không có ngăn kéo và được bố trí ngay lối đi lại để người dân giám sát. Những ai phát tâm công đức thì tự bỏ tiền vào két sắt, người ghi công đức không được làm việc này. Két sắt được dán niêm phong, có 2 lớp khóa. Khóa bên ngoài có mã số riêng do Phó Chủ tịch HĐND xã quản lý, khóa bên trong cũng có một mã số riêng do Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã quản lý. Khi mở hay khóa két đều phải lập biên bản, có sự chứng kiến của tất cả các thành viên Ban Quản lý di tích đền Tranh”.
Ông Thuần cho biết năm 1991, xã đã xây dựng quy chế quản lý tiền công đức tại đền Tranh khá chi tiết. Tuy nhiên, năm 1994, khi kiểm tra tiền trong hòm công đức (lúc bấy giờ làm bằng gỗ) lại thấy ít hơn số liệu ghi trong sổ. Nhân dân địa phương nghi ngờ tiền công đức bị móc trộm hoặc có người trong quá trình tiếp nhận tiền đã cố tình không bỏ vào hòm. Sau đó, UBND xã Đồng Tâm đã họp với cử tri và thống nhất kiện toàn Ban Quản lý di tích đền Tranh, giao đồng chí Phó Chủ tịch UBND xã làm trưởng ban, các ban, ngành, đoàn thể là thành viên. Thành lập 1 tổ giúp việc thường trực gồm 4 người và lực lượng bảo vệ tại đền Tranh. Thành viên trong tổ giúp việc này do cán bộ, nhân dân các thôn bầu theo hình thức bỏ phiếu kín tại các cuộc họp quân - dân - chính - đảng. Cứ sau 30 tháng, 4 thôn trong xã lại họp bỏ phiếu lấy tín nhiệm đối với các thành viên trong tổ giúp việc này. Những người không được tin tưởng sẽ bị loại để bầu người khác. Cùng với kiện toàn Ban Quản lý, xã Đồng Tâm còn xây dựng và ban hành “Quy chế quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích đền Tranh” dựa trên các quy định của pháp luật và bám sát định hướng của Phòng Văn hóa - Thông tin, Phòng Tài chính - Kế hoạch huyện. Trong đó, việc quản lý, sử dụng tiền công đức được thực hiện nghiêm túc, chặt chẽ, minh bạch.
Ban Quản lý di tích đền Tranh mua két sắt đặt tại khu vực bàn ghi công đức. Tại vị trí các ban thờ vẫn để hòm gỗ nhưng đã được làm chắc chắn, an toàn, có camera giám sát. Với số tiền người dân đặt ở các ban thờ, xã giao Chủ tịch MTTQ, Phó Chủ tịch HĐND, cán bộ văn hóa xã, tổ giúp việc thường trực, lực lượng bảo vệ... trực tiếp kiểm tra, giám sát việc thu và bỏ vào hòm công đức hằng ngày.
Việc kiểm đếm tiền công đức được xã Đồng Tâm thực hiện minh bạch. Khi phá niêm phong để mở két công đức nhất thiết phải có đủ các thành viên trong Ban Quản lý di tích đền Tranh và sự chứng kiến của đại diện nhân dân các thôn, du khách thập phương, lực lượng bảo vệ... Phòng kiểm đếm tiền công đức cũng lắp camera, bên trong không để đồ đạc. Người vào căn phòng này làm nhiệm vụ kiểm đếm tiền công đức không được đi giày dép, mặc quần áo nhiều túi. Trong lúc nhân viên kiểm đếm tiền có ít nhất 1 thanh tra nhân dân, 2 công an viên ngồi giám sát. Tiền sau khi phân loại, kiểm đếm được lập thành biên bản, ghi rõ loại tiền, mệnh giá, tổng số tiền và nộp về Kho bạc Nhà nước huyện ngay trong ngày.
Tiền công đức ở đền Tranh được quản lý chặt chẽ, minh bạch khiến nhân dân, du khách luôn yên tâm, tin tưởng. Trong khoảng 2 năm trở lại đây, nhiều Ban quản lý di tích ở trong và ngoài tỉnh như Hải Phòng, Thái Bình, Bắc Ninh... đã đến đây học tập kinh nghiệm.
Sử dụng hiệu quả
Từ năm 2010 đến nay, bình quân mỗi năm Ban Quản lý di tích đền Tranh thu được khoảng 5 tỷ đồng tiền công đức. Quan điểm của xã trong sử dụng tiền công đức là “tiền của di tích chỉ đầu tư cho di tích, không chi vào bất kỳ hoạt động nào khác”. Tiền công đức sử dụng vào việc gì đều được xã thông qua tại kỳ họp HĐND và báo cáo về UBND huyện.
Xã Đồng Tâm chủ yếu sử dụng tiền công đức cho việc tu bổ, tôn tạo di tích đền Tranh, chi cho các hoạt động lễ hội, nghi lễ mùng 1, ngày rằm hằng tháng, trả tiền phụ cấp cho tổ giúp việc. Từ năm 2010 đến nay, xã đã sử dụng tiền công đức để tu bổ 7 gian tiền tế, 7 gian nhà trung từ, nhà khách, xây nhà hóa sớ, tiền vàng, nhà để máy phát điện, xây bể nước phục vụ phòng cháy, chữa cháy, tường bao phía sau, cải tạo hồ, sân vườn, làm nhà vệ sinh... Nhờ vậy, quang cảnh tại di tích đền Tranh ngày càng đẹp, hoàn thiện, tạo ấn tượng đối với du khách về dâng hương, chiêm bái.
Hiệu quả trong quản lý và sử dụng tiền công đức ở đền Tranh là bài học kinh nghiệm hay cho những nơi vẫn còn đang lúng túng hoặc gặp khó khăn trong công tác này.
TIẾN MẠNH