Từ một vùng đất cách trở đò giang, thị xã Kinh Môn đang có những bước chuyển mình mạnh mẽ với bức tranh kinh tế - xã hội ngày càng hoàn thiện...
Nhiều công trình, dự án cụm công nghiệp lớn đã hình thành góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội Kinh Môn phát triển. Trong ảnh: Nhà máy Nhiệt điện BOT Hải Dương sẽ đi vào hoạt động trong năm 2020
Nối liền sông núi
Nhiều tài liệu khẳng định tạo hóa đã ưu ái ban tặng cho thị xã Kinh Môn bao hình sông, thế núi kỳ thú. Con người Kinh Môn trong suốt chiều dài lịch sử đã sáng tạo ra bao nét đẹp văn hóa vừa tương đồng lại vừa riêng không lẫn với những vùng miền khác.
Là vùng bán sơn địa, Kinh Môn có núi đồi xen kẽ đồng bằng, địa hình bị chia cắt bởi sông và núi, thấp dần từ tây sang đông. Thị xã được hình thành và bao bọc bởi những con sông lớn là Kinh Thầy, Kinh Môn, Đá Vách, Hàn Mấu nên nhìn từ trên cao Kinh Môn giống như một hòn đảo. Từ mọi ngả, muốn vào được Kinh Môn đều phải qua sông.
Sông cùng với dãy núi An Phụ chạy dài từ tây bắc sang đông nam chia cắt Kinh Môn thành 4 khu vực lớn, nhỏ khác nhau là Tam Lưu, Nhị Chiểu, bắc và nam An Phụ với những đặc trưng riêng. Sự hiểm trở của hang động, núi non và sông nước tạo thành địa bàn phòng thủ quân sự hiểm yếu.
Kinh Môn luôn có vị trí quan trọng về quốc phòng, là một địa bàn chiến lược trong phên giậu phía đông của Kinh thành Thăng Long xưa và Thủ đô Hà Nội ngày nay. Vì thế, không phải ngẫu nhiên mà ông cha ta đặt tên vùng đất này là Kinh Môn - cửa ải đầy gai góc trong sự nghiệp chống giặc xâm lăng.
Khó khăn về địa hình không cản bước Kinh Môn trỗi dậy. Từ phía tây vào thị xã hôm nay, chúng tôi gặp ngay công trường rầm rập suốt đêm ngày. Mưa rét, sóng to, nước lớn không thể làm chậm bước của những tốp thợ miệt mài.
Cầu Mây mỗi ngày lại tạc thêm dáng hình sừng sững vào sông, vào núi. Vài tháng nữa thôi, khi cầu Mây được đưa vào sử dụng, các địa phương phía tây thị xã sẽ được khai thông thế bế tắc suốt bao thế kỷ. Hiếm có một cây cầu nào ở tỉnh ta được xây dựng nhanh như vậy. Chưa có một thời kỳ nào việc củng cố cơ sở hạ tầng giao thông, kinh tế ở Kinh Môn lại diễn ra nhanh và nhiều như hiện nay.
Từ phường Hiệp Sơn, Phạm Thái, từ An Lưu sang An Sinh, An Phụ... đâu đâu cũng bắt gặp công trường. Cả thị xã như một đại công trường không ngơi nghỉ suốt đêm ngày.
Qua phà Mây, xuôi theo đường tỉnh 389 - tuyến đường huyết mạch của thị xã về phía bắc, qua các phường, xã Quang Thành, Lê Ninh, Bạch Đằng, Thất Hùng là đến phà Triều. Xa xa bên phải đường 389, An Phụ - dãy núi lớn nhất Kinh Môn giống như một người bạn đồng hành ấp ôm, che chở.
Dãy An Phụ là điểm đột khởi, thuộc cánh cung Đông Triều. Núi chạy dài theo hướng tây bắc - đông nam tạo thành xương sống của cả vùng. Dãy núi dài khoảng 16 km, chỗ rộng nhất là 2km, có 10 ngọn cao trên 100 m so với mặt nước biển. Riêng đỉnh thiêng An Phụ cao 246m, là đỉnh cao nhất trong 113ngọn núi của Kinh Môn.
Nơi đây có đền thờ An Sinh vương Trần Liễu, chùa Tường Vân và tượng đài Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn. Xa xa bên kia sông Kinh Thầy, công trường xây dựng cầu Triều cũng đang tấp nập triển khai.
Sáng 5.10.2019, cầu Triều và đường dẫn nối quốc lộ 18 đoạn thị xã Đông Triều với đường tỉnh 389 đoạn qua thị xã Kinh Môn được UBND thị xã Đông Triều khởi công xây dựng trong niềm vui sướng vô bờ của người dân. Cùng với cầu An Thái, cầu Hiệp Thượng, cầu Đá Vách, các cây cầu sắp hoàn thành sẽ giúp Kinh Môn chấm dứt cảnh đò giang cách trở.
Vóc dáng mới
Với sự bứt phá mạnh mẽ trong suốt những năm gần đây, diện mạo của thị xã Kinh Môn không ngừng thay đổi khiến cho bất cứ ai khi quay lại mảnh đất này không khỏi ngạc nhiên. Nhiều năm liên tục thị xã đạt tốc độ phát triển kinh tế cao, là trọng điểm về công nghiệp của tỉnh. Tổng thu ngân sách trên địa bàn chiếm tỷ trọng lớn trong số thu ngân sách của tỉnh.
Năm 2019, tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn thị xã ước đạt 1.448 tỷ đồng, vượt so với dự toán. Các khoản thu đã góp phần giúp thị xã chủ động xây dựng kết cấu hạ tầng theo kế hoạch đầu tư công, theo chương trình phát triển đô thị, quy hoạch các phân khu đô thị và chỉnh trang hạ tầng khu trung tâm các phường, xã.
Nhiều công trình, dự án trọng điểm quốc gia, nhiều cụm công nghiệp lớn đã hình thành như các nhà máy xi măng Hoàng Thạch, xi măng Phúc Sơn; khu liên hợp gang thép của Tập đoàn Hòa Phát; các cụm công nghiệp Long Xuyên, Phú Thứ; Dự án Nhà máy Nhiệt điện BOT Hải Dương... Cùng với phát triển công nghiệp, nông nghiệp cũng được chú trọng.
Đến Kinh Môn hôm nay, bạn bè xa gần sẽ được thấy màu xanh của những cánh rừng trên núi, của những vùng cây ăn quả với những vườn cam, thanh long chín đỏ hay vùng lúa, vùng hành tỏi... ngút ngàn. Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới được các cấp ủy đảng, chính quyền và nhân dân các phường, xã đồng lòng thực hiện. Từ sự cố gắng ấy, năm2017, Kinh Môn đã trở thành huyện nông thôn mới sớm nhất và đầu tiên của Hải Dương. Bộ mặt nông thôn từng bước khang trang.
2019 là năm trọng đại của đất và người Kinh Môn. Kết quả thực hiện nhiệm vụ cả năm góp phần quan trọng hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2016-2020) và các chỉ tiêu Đại hội Đảng bộ thị xã lần thứ XXIV đã đề ra.
Sau khi được Bộ Xây dựng công nhận đạt tiêu chí đô thị loại IV với quy mô toàn thị xã, trong đó khu vực nội thị gồm 14 phường và 9 xã ngoại thị, Kinh Môn tiếp tục tập trung nguồn lực phát triển kết cấu hạ tầng, cảnh quan, nâng cao chất lượng đô thị. Hạ tầng kỹ thuật khu vực nội thị được nâng cấp, đầu tư đồng bộ.
Theo ông Lê Văn Điền, Phó Chủ tịch UBND thị xã Kinh Môn, năm 2019, thị xã đã triển khai thực hiện 42 công trình, dự án phát triển kết cấu hạ tầng đô thị với số tiền trên 248 tỷ đồng. Các dự án trọng tâm như cải tạo, nâng cấp hạ tầng khu trung tâm các phường, xã là An Lưu, Hiệp Sơn, An Sinh, Phạm Thái, Thất Hùng, Hiến Thành, Thái Thịnh...
Cùng với xây dựng, mở rộng các tuyến đường mới, thị xã đã xây dựng, triển khai kế hoạch đặt tên đường, phố và công trình công cộng, qua đó tạo cơ sở cho công tác quản lý đô thị, xây dựng, đất đai... kịp thời đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trước mắt cũng như lâu dài.
"Sau nhiều năm không ngừng phấn đấu, với sự quan tâm của Trung ương, của tỉnh và sự nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền cùng nhân dân qua các thời kỳ, thị xã Kinh Môn chính thức được thành lập kể từ ngày 1.11.2019, hoàn thành mục tiêu trọng tâm Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thị xã lần thứ XXIV đã đề ra", ông Lê Văn Điền cho biết.
Việc nâng cấp huyện Kinh Môn thành thị xã nhằm đáp ứng nhu cầu tổ chức quản lý hành chính nhà nước theo lãnh thổ, góp phần tạo thêm động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội khu vực phía đông bắc của tỉnh.
Đây là một bước tiến mới, tạo đà cho sự phát triển của thị xã trong tương lai. Với quy mô dân số dự kiến đến năm 2020 đạt 180.000 người, năm 2030 là 200.000 người, Kinh Môn được dự báo sẽ trở thành trung tâm kinh tế, văn hóa, hành chính và khoa học - kỹ thuật, giáo dục - đào tạo, du lịch, dịch vụ, đầu mối giao thông của vùng phía đông bắc tỉnh và các vùng phụ cận.
Việc quy hoạch thị xã cũng đã định hướng cho Kinh Môn phát triển theo từng khu vực. Đô thị công nghiệp - dịch vụ sẽ tập trung ở phía bắc, gồm các khu vực phường An Lưu, Phú Thứ mở rộng được kết nối với Đông Triều, Mạo Khê (Quảng Ninh).
Đô thị trung tâm là khu vực phường An Lưu (thị trấn Kinh Môn cũ). Đây là trung tâm hành chính, các công trình dịch vụ công cộng thiết yếu như y tế, giáo dục, văn hóa, thể dục, thể thao...
Đô thị phát triển mới là khu phía tây thị xã, có các cụm đô thị tập trung, hiện đại. Đây còn là khu du lịch tâm linh, du lịch danh thắng, đô thị sinh thái, dịch vụ nghỉ dưỡng nhằm khai thác tốt lợi thế về cảnh quan thiên nhiên, nhất là quần thể di tích lịch sử danh thắng quốc gia đặc biệt An Phụ - Kính Chủ - Nhẫm Dương...
Trong cuốn sách Kinh Môn xưa và nay, nhà thơ Trần Đăng Khoa viết "... từ thuở mới khai thiên lập địa cho đến ngày hôm nay, ngày Kinh Môn lớn mạnh, từ một huyện thuần nông đã vươn mình lớn dậy, để có đủ hình hài, đủ tầm vóc của một thị xã hiện đại, một vùng công, nông nghiệp và dịch vụ thương mại, hòa nhập với toàn tỉnh, với cả nước và khu vực". Có lẽ đó là những đúc kết không thể đầy đủ hơn về Kinh Môn - thị xã mới năng động đang bừng sáng!
TIẾN HUY