Các quy định của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) cần thể chế hóa và phù hợp với quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng về phát triển văn hóa và công nghiệp văn hóa; giải quyết tốt những khó khăn, vướng mắc từ thực tiễn ...
Tiếp cận dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) từ quan điểm phát triển lĩnh vực văn hóa, tôi cho rằng các quy định của dự thảo cần thể chế hóa và phù hợp với quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng về phát triển văn hóa và công nghiệp văn hóa; giải quyết tốt những khó khăn, vướng mắc từ thực tiễn mà pháp luật về đất đai là điểm nghẽn, cản trở sự phát triển của văn hóa, nghệ thuật. Đồng thời, góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực đất đai của đất nước.
Các quy định của pháp luật về đất đai cần thể hiện được quan điểm nhất quán của Đảng và Nhà nước ta là phát huy tối đa các nguồn lực từ Nhà nước và xã hội để phát triển văn hóa Việt Nam, coi đây là một trong những đột phá chiến lược, là động lực để phát triển đất nước. Các quy định của Luật Đất đai (sửa đổi) cần bảo đảm thống nhất với các chính sách khuyến khích phát triển trong các quy định của pháp luật có liên quan như Luật Điện ảnh, Luật Di sản văn hóa, Luật Thể dục, thể thao...
Sân vận động TP Hải Dương sẽ được xây dựng thành quảng trường trung tâm để phục vụ nhân dân. Ảnh tư liệu
Hiện nay, đất xây dựng các công trình văn hóa, thể thao, du lịch, di tích, di sản văn hóa được phân loại thuộc nhóm đất phi nông nghiệp, đất xây dựng các công trình sự nghiệp và được quy định trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) tại các điều 63 (quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất quốc gia), điều 64 (quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh), điều 152 (miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất), điều 192 (đất xây dựng trụ sở cơ quan, công trình sự nghiệp), điều 202 (đất có di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh, di sản thiên nhiên) và một số điều, khoản có liên quan khác.
Để tiếp tục hoàn thiện các quy định của dự thảo luật, tôi đề nghị cần quy định nguyên tắc "Nhà nước khuyến khích việc sử dụng đất vào mục đích phát triển văn hóa, y tế, giáo dục và đào tạo, thể dục thể thao, khoa học và công nghệ, môi trường" tại điều 6 về nguyên tắc sử dụng đất hoặc điều 9 là Nhà nước khuyến khích đầu tư vào sử dụng đất đai. Cần làm rõ hơn phạm vi đất dành cho phát triển văn hóa bao gồm các loại đất gì để có chính sách ưu đãi phù hợp. Tại điều 202 quy định về đất có di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh, di sản thiên nhiên, tôi cho rằng cần bổ sung quy định giải thích rõ loại đất có di tích lịch sử, văn hóa để tạo ra cách hiểu thống nhất làm cơ sở cho việc áp dụng các quy định về quản lý và sử dụng đất có di tích lịch sử, văn hóa trên thực tế giữa các địa phương.
Bên cạnh đó, cần quy định rõ việc sử dụng đất có di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh, di sản thiên nhiên vào mục đích khác để vừa bảo đảm phù hợp quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt và phải có văn bản chấp thuận của cơ quan nhà nước quyết định xếp hạng đối với di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh, di sản thiên nhiên đó, đồng thời chỉ trong những trường hợp thật cần thiết.
NGUYỄN THỊ MAI THOA
Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội, đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương