Tình trạng người dân mất tiền oan khi cho vay vì người đi vay ôm tiền bỏ trốn không phải là vấn đề mới.
Gần đây nhất là vụ bà Lê Thị Hạnh ở xã Thanh Bính (Thanh Hà) ôm tiền tỷ của nhiều người dân ở huyện Thanh Hà và TP Hải Dương rồi "biến mất". Đáng tiếc là dù đã được cảnh báo nhưng số nạn nhân của các vụ việc này vẫn không hề giảm. Làm thế nào để người dân không rơi vào cảnh bị quỵt nợ, phóng viên Báo Hải Dương đã phỏng vấn luật sư Nguyễn Kiều Đông, Trưởng Văn phòng Luật sư Á Đông về vấn đề này.
- Theo luật sư, đâu là lý do khiến nhiều người mất tiền oan khi cho vay mà không đòi được nợ?
- Thực tế các vụ việc giao dịch vay tiền rồi trốn nợ, xù nợ mà chúng tôi đã tiếp cận cho thấy nhiều trường hợp người cho vay tiền không có quan hệ họ hàng, bạn bè với người vay tiền, thậm chí còn không biết rõ thông tin về người vay tiền nhưng vẫn cho vay. Chỉ vì thấy bề ngoài người vay có vẻ giàu có và đặc biệt là được trả lãi suất cao gấp nhiều lần lãi suất gửi ngân hàng là họ cho vay mà không đòi hỏi điều kiện bảo đảm. Có nhiều trường hợp, người cho vay và người vay tiền ký kết hợp đồng thế chấp có chứng nhận của công chứng viên nhưng lại không đăng ký giao dịch bảo đảm tại cơ quan có thẩm quyền. Trong khi đó pháp luật quy định việc thế chấp tài sản là bất động sản phải đăng ký giao dịch bảo đảm, giao dịch chỉ có hiệu lực khi được đăng ký. Vì vậy, việc ký hợp đồng thế chấp trong những trường hợp này không có ý nghĩa gì khi người vay không trả được tiền đã vay hoặc trốn tránh nghĩa vụ trả nợ. Đây là những sơ hở khiến người dân dễ bị mất tiền oan.
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này có nhiều, có thể do người cho vay thiếu hiểu biết pháp luật hoặc có hiểu biết pháp luật nhưng vẫn cho vay vì ham lãi suất cao hoặc do cả hai lý do trên. Khi người cho vay không lấy được tiền thì lại đổ lỗi cho pháp luật.
- Làm thế nào để tránh các rủi ro trong giao dịch vay tiền thưa luật sư?
- Chúng ta cần nhìn rõ thực trạng giao dịch vay tiền của nhân dân hiện nay. Đối với những giao dịch vay tiền hợp pháp (không thuộc trường hợp bị lừa đảo) giữa cá nhân với nhau, phần lớn đều không có tài sản bảo đảm (tài sản thế chấp) cho nghĩa vụ trả nợ tiền vay. Hai bên chỉ thiết lập hợp đồng hoặc giấy biên nhận vay tiền. Vì vậy, ngay từ thời điểm cho vay đã tiềm ẩn rủi ro là người cho vay không thu hồi được số tiền đã cho vay kể cả khi người vay không chối bỏ nghĩa vụ trả nợ tiền vay.
Với những trường hợp bị lừa đảo, bị lạm dụng tín nhiệm thì nạn nhân càng khó thu hồi được tài sản, nhất là khi các đối tượng lừa đảo, lạm dụng tín nhiệm bị xử lý hình sự.
Để tránh rủi ro, mất tiền oan, mỗi người dân cần tự nâng cao hiểu biết pháp luật, nhất là quy định về các giao dịch dân sự, kinh tế. Chỉ nên cho vay khi biết rõ thông tin về người vay, giữa người cho vay và người vay có mối quan hệ thân thiết nhất định với nhau. Khi cho vay với số tiền lớn cần phải có tài sản thế chấp để bảo đảm cho nghĩa vụ trả nợ tiền vay.
Các địa phương, ban ngành, đoàn thể cần tăng cường tuyên truyền phổ biến pháp luật cho người dân, thông tin đầy đủ và kịp thời những trường hợp người dân bị lừa đảo...
- Xin cảm ơn luật sư!
NGỌC HÙNG(thực hiện)